Giấc mơ trên lưng đá

BHG - Trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Mẹ đang trỉa bắp trên núi Ka-lưi/Lưng núi thì to, mà lưng mẹ nhỏ/Em ngủ ngoan em, đừng làm mẹ mỏi/Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”. Đoạn thơ trên nói về những người mẹ vùng cao vượt mọi gian khổ hăng hái sản xuất cung cấp lương thực cho tiền tuyến trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Mỗi lần lên với Hà Giang, tôi lại nhớ đến bài thơ này của Nguyễn Khoa Điềm khi chứng kiến những hình ảnh tương tự. Đất nước ta đã thống nhất được 49 năm, nhưng tinh thần vượt khó của những người phụ nữ vùng cao không thay đổi. Để kịp vụ mùa gieo trồng, các mẹ đã địu con mình lên nương tra hạt. Giữa bạt ngàn đá xám, những người mẹ địu con làm nương như một nét chấm phá trên bức họa về cao nguyên đá.

Công việc nhà nông rất nhiều vất vả, gieo trồng trên nương đá càng vất vả hơn và khi vừa làm lụng bên đá vừa địu trên lưng người con, thì những bà mẹ vùng cao đã biến sự vất vả thành nét đẹp cuộc sống mà không nơi nào có được.

Những cây ngô mọc lên xanh ngát trong các hốc đá.

Những cây ngô mọc lên xanh ngát trong các hốc đá.

Tấm lưng người phụ nữ miền núi luôn cõng theo vô vàn sức nặng. Trước khi gieo trồng, tấm lưng gầy gò ấy phải cõng từng gùi đất từ chân núi lên đổ đầy các khe đá cộc cằn, thô ráp. Khi tra hạt, họ lại địu theo đứa con thơ. Người miền núi làm nông cần nhiều nhân lực nên khi có con nhỏ không thể cắt cử một người lớn ở nhà trông coi. Như thế sẽ thiếu người làm, không theo kịp mùa vụ, hoa màu chậm phát triển, năng suất kém. Những người mẹ đành phải chọn cách vừa làm vừa địu con trên lưng.

Nhìn tấm lưng cong vì sức nặng cuộc sống, nay lại cong thêm khi địu đứa con thơ mới thấy tình mẫu tử của những bà mẹ vùng cao lớn lao đến nhường nào.

Các em bé nằm trên lưng mẹ, đón gió, hứng nắng, cứ thế lớn lên như cây cối trên rừng. Dù gặp nhiều nghịch cảnh vẫn luôn hướng thẳng trời xanh. Đôi chân mẹ lách từng kẽ đá, bàn tay mẹ thoăn thoắt gieo hạt. Mỗi động tác của mẹ khiến chiếc địu trên lưng đong đưa như lời ru em bé chìm vào giấc ngủ.

Tấm lưng mẹ gầy gò sương núi nhưng mềm mại yêu thương đã chở che các em bé suốt những ngày thơ ấu. Mỗi giấc mơ của các em thơ ngủ trên lưng mẹ nồng nàn mùi mồ hôi của sự tần tảo, thơm thảo hương gió núi, sáng bừng ánh mặt trời.

Giấc mơ của em chứa đựng điều mẹ mong muốn. Mẹ mong hạt giống vừa gieo mọc mầm đều đều, lớn lên xanh tốt. Mỗi mùa hoa sai, trái mọng cho vụ bội thu. Mẹ mong em lớn lên từng ngày khỏe mạnh, giỏi giang, vững vàng cất bước. Như đáp lại niềm mong mỏi của mẹ, những hạt giống đội đá bật lên xanh tươi bời bời. Nhờ dinh dưỡng từ gió núi, khí trời, mưa rơi, đất tốt đã cho những thân ngô to bắp, mẩy hạt. Cho những bông lúa trĩu nặng uốn cong.

Những em bé lớn lên sau mỗi vụ mùa lại tiếp tục gieo mầm trên nương đá bạc màu nắng gió. Đá thương người nên tĩnh lặng trầm tư, người yêu mến đá mà chăm chỉ làm lụng. Dẫu trải qua bao nhiêu khó khăn gian khổ, những người con lớn lên trên lưng mẹ với bao nhiêu giấc mơ từ nương đá luôn thủy chung với đá.

Sự đổi thay của cuộc đời đem đến hi vọng lẫn thử thách nhiều hơn. Nhưng những giấc mơ thì không bao giờ thay đổi. Mùa vụ nào cũng sẽ có những em bé được lên nương trên lưng mẹ. Nắng, gió, sương của cao nguyên đá không phải nghịch cảnh, đó là chất xúc tác giúp những thế hệ người dân sinh sống ở đây thêm kiên cường, mạnh mẽ và đầy lòng bao dung.

Kết thúc bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Mai sau con lớn làm người tự do...” và sự tự do của những người trưởng thành trên lưng đá mang đầy vẻ kì vĩ, lớn lao như vùng cao bạt ngàn đá núi.

Tản văn: Ngô Bá Hòa

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202407/giac-mo-tren-lung-da-2624864/