Giấc mơ trở về những Tết xưa

'Ra đời đầu thập niên 1960, trọn tuổi thơ của tôi nằm ở thời gian trước khi nước nhà thống nhất. Ngoại trừ Tết năm 1968 với trận đánh Mậu Thân, hầu như tôi sống trong không khí yên bình của một thành phố làm ăn nhộn nhịp, mặc dù tiếng đạn pháo thỉnh thoảng vẫn nghe ở đâu đó xa xa như trong lời bài hát của Trịnh Công Sơn 'đại bác đêm đêm dội về thành phố'. Nói cho cùng, đó là khoảng trời tuổi thơ đô thị nhiều kỷ niệm vui, nhất là trong những ngày Tết', nhà báo Phạm Công Luận hồi tưởng.

Nhà báo Phạm Công Luận.

Nhà báo Phạm Công Luận.

Ông kể: “Sau Noel là thời gian bắt đầu chạy nước rút chuẩn bị đón Tết. Trước đó, ông anh tôi, hiệu trưởng một trường Trung học đệ nhất (cấp trung học cơ sở ngày nay) dắt hai anh em tôi đi may quần áo. Thời đó quần áo may sẵn cũng có nhưng không đẹp, ít mẫu mã… bán cho người các tỉnh về đánh hàng mua làm quà ở quê.

Ở Phú Nhuận, anh đưa các em trai đến nhà may Tiến Phát trên đường Võ Di Nguy (nay là Phan Đình Phùng) lựa vải, toàn là hàng Ăng-lê xanh mướt mát rất đẹp. Lựa xong là đo luôn để cắt, đợi sát Tết mỗi đứa sẽ có một bộ đồ đẹp, anh lớn được hai bộ. Nhớ năm nào anh tôi cho may một cái áo chemise vải soie Pháp mà tôi rất thích vì vải mềm mịn, mặc mát, trắng tinh rất khó ngả màu.

Gặp Tết năm nào tiệm Tiến Phát đông khách quá, anh em chúng tôi về may tiệm Lâm Hải gần nhà, dù không có nhiều vải để chọn lựa nhưng may cũng đẹp, hoặc có lúc là tiệm Sài Gòn Tân. Đến giờ, ba tiệm may đó chỉ còn tiệm Sài Gòn Tân trên đường Trần Huy Liệu (xưa là đường Trương Tấn Bửu, tên vị Phó Tổng trấn thành Gia Định). Việc may mặc này dành cho con trai, vì má tôi lo đồ mặc Tết cho các chị và em gái tôi.

Xong quần áo là đến việc mua sắm. Có cha mẹ đều làm việc ở chợ thật sướng trong khoản này. Chỉ cần một buổi trưa giáp Tết, ba đóng cửa tiệm đi ăn trưa xong rảo một vòng là mua đủ các món ông thích: Khô cá Thiều Phú Quốc (nướng lên rất thơm, thịt ngọt), lạp xưởng Mai Quế Lộ, rượu Ngũ Gia Bì và hồng khô Hồng Kông (ép dẹp, thịt mềm thơm, cúng trước ăn sau)… về giao cho má tôi.

Má tôi sẽ lo mua trái cây sau, khi chợ Phú Nhuận đã chất hàng đống dưa đen bóng trên đường Võ Di Nguy gần chợ. Phần bưởi không cần phải lo vì quê nội của tôi là cù lao phố, nơi đất vườn của ông nội có trồng bưởi và chú tôi thế nào cũng mang từ Biên Hòa về vài chục trái.

Càng gần Tết càng tất bật. Tôi và ông anh phải lo lau từng cái cửa lá sách, đánh lư đồng và lôi tách ấm trà, bộ chén sứ hạt dưa Đài Loan và bộ chén sứ Nhật mỏng tanh hiệu Đại Nam má tôi rất cưng ra để chùi rửa. Việc này khá căng thẳng vì sợ lỡ tay làm bể. Xong phải lặt lá cây mai tứ quý đúng rằm tháng Chạp cho kịp nở trong Tết.

Khoảng 25 tháng Chạp, anh tôi đã nghỉ dạy là thế nào cũng đi ra ga Phú Nhuận để về Dĩ An, nơi có một vườn mai rất lớn của ông Bảy là em họ của bà ngoại tôi ở đó. Lúc về, hai anh lễ mễ bưng mấy cành mai lớn về, nhìn trông rất sung, hứa hẹn sẽ trổ bông rực rỡ.

Còn anh tôi chạy ra siêu thị Nguyễn Du rước cho được chai rượu chát hiệu Capri của Bồ Đào Nha bằng thủy tinh 5 lít bọc vỏ tre đan chung quanh, thơm nồng và ngọt ngào trong ngày Tết cho cả nhà thưởng thức. Ba tôi kéo con vịt về quăng bên cái hẻm sát nhà, đợi ngày 28 làm nồi hầm vịt, ăn cuốn bánh tráng cùng với thịt kho tàu, dưa giá, kiệu chua và bánh phồng tôm…

Trưa ngày cuối năm, khi nhà tôi và nhiều nhà khác cúng rước ông bà về ăn Tết cùng con cháu, phía cái giếng trong góc xóm có người mang trái cây và nhang đèn ra cúng giếng để đóng nắp giếng lại cho nghỉ ngơi vì cả năm phục vụ nước cho bà con.

Khoảng trước năm 1970 nhà tôi đã không còn dùng nước giếng mà có nước thủy cục, nhưng cái giếng vẫn có nhiều người đến tắm giặt chung quanh. Đến tối giao thừa là khoảnh khắc tuyệt vời nhất, khi mọi nhà đều bày bàn ra ngoài trời để cúng.

Tiếng pháo nổ từng đợt khắp nơi như dậy trời dậy đất và mùi nhang trầm thoang thoảng quyện cùng mùi diêm sinh.

Ba má tôi mặc áo dài ra cúng giao thừa, đèn trong các nhà mở sáng trưng trong đêm mát lạnh. Trong nhà, anh em tôi xem tivi chương trình Tết, hỏi nhau đã chuẩn bị trò chơi lô tô hay cờ domino chưa, rủ nhau ngày mai có tiền lì xì sẽ ăn mì hoành thánh ở tiệm nào, đi coi đại nhạc hội hay coi phim Tết ở rạp nào.

Tôi viết về những cái Tết xưa mà như thấy mình vừa trải qua một giấc mơ. Là quy luật, đã có rất nhiều thay đổi trong cuộc sống trong 60 năm qua, việc ăn Tết chơi Tết cũng vậy. Viết như để giải thoát một điều ám ảnh tâm trí ta, cho dù đó là một ám ảnh đẹp về những cái Tết một thời”.

Việt Quỳnh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/giac-mo-tro-ve-nhung-tet-xua-10273050.html