'Giấc mơ trung lưu' đang tan vỡ với nhiều người Trung Quốc
Trên khắp Trung Quốc, những người như Eli Mai, một giám đốc bán hàng 40 tuổi tại một công ty tư vấn ở Quảng Châu, từng được coi như một sự ghen tị trong tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi rất nhanh trong một thời gian ngắn gần đây.
Những khoản nợ đè nặng trên vai
Dù sở hữu hai bất động sản và vẫn đang làm việc, nhưng Eli Mai đang chìm trong nợ nần và thường xuyên lo lắng về chuyện mất việc bởi triển vọng kinh tế kém và áp lực gia tăng từ bất ổn ở trong nước và quốc tế. Lương của anh đã giảm một nửa do bị mất tiền hoa hồng. Anh chỉ đang kiếm được khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.570 USD) mỗi tháng. Trong khi đó, tổng số nợ của gia đình anh đã lên tới con số 3,5 triệu nhân dân tệ.
Thị trường bất động sản giảm nhiệt và đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều người trong tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc không còn khả năng trả các khoản nợ ngân hàng. Ảnh: AFP
“Tóc của tôi đã bạc trắng trong 6 tháng qua, tôi ngày đêm lo sợ rằng mình sẽ không thể thanh toán khoản vay hàng tháng”, anh nói và cho biết thêm rằng số tiền này đã vượt quá 25.000 nhân dân tệ - nhiều hơn tổng thu nhập hiện tại của anh và cả người vợ làm nghề giáo viên của mình.
Mọi chuyện bắt đầu từ kế hoạch mua căn hộ thứ hai của anh vào năm 2016 khi thị trường bất động sản sôi động của Trung Quốc đang đẩy giá lên cao, để rồi Eli Mai đã quyết định dốc toàn bộ nguồn lực tài chính của mình cho vụ đầu tư này.
Trong 7 năm qua, Eli Mai đã vay nhiều lần, thời gian trả nợ từ 1,5 cho đến tận 30 năm. Anh còn đã sử dụng căn hộ đầu tiên của mình để làm tài sản thế chấp cho khoản vay thứ hai. Tuy nhiên, thị trường bất động sản suy giảm, khiến giá trị của nó đã giảm gần 1/5 - từ 8,5 triệu nhân dân tệ xuống còn 7 triệu nhân dân tệ.
Những trường hợp như Mai rất phổ biến trong tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc. Đó là những người đã tích lũy được một khoản tài chính khá lớn và có một công việc ổn định, qua đó bắt đầu tham gia vào các vụ đầu tư lớn và rủi ro hơn. Cũng giống như Mai, phần lớn họ vẫn phải vay nợ hoặc thế chấp tài sản để tiếp tục nuôi giấc mơ trung lưu của mình. Để rồi, khi khó khăn ập đến, họ trở nên vô cùng dễ bị tổn thương.
Đại dịch Covid-19 và còn hơn thế nữa
Những vấn đề nói trên đang ngày càng gia tăng khi Trung Quốc đang phải vật lộn với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Các biện pháp kiểm soát Covid nghiêm ngặt, như đóng cửa tại các trung tâm tài chính và sản xuất quan trọng, đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, tiêu dùng, qua đó cản trở sự hồi phục kinh tế.
Các nhà kinh tế đã nhanh chóng giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm nay, đồng thời lưu ý rằng sự bùng phát của biến thể Omicron kéo theo một loạt các đợt phong tỏa các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến… đã khiến các chỉ số kinh tế lạc quan trong tháng Một và tháng Hai đầu năm nay không còn nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, Trung Quốc vẫn không có ý định thay đổi cách tiếp cận zero-Covid của mình, làm dấy lên lo lắng về chi phí ngày càng tăng của việc duy trì chiến lược này.
Trong khi đó, nợ cá nhân tiếp tục tăng, khiến thậm chí những cá nhân giàu có của tầng lớp trung lưu Trung Quốc cũng đang phải vật lộn với nỗi sợ hãi về những gì xảy ra tiếp theo.
Tomas Lei làm việc cho một trong những công ty truyền thông hàng đầu ở Hàng Châu. Tuy nhiên, anh và các đồng nghiệp đang hết sức lo lắng trước nền kinh tế đang trên đà giảm nhiệt, dẫn đến việc sa thải nhân viên trên quy mô lớn và giảm lương. Để rồi, giấc mơ về tự do tài chính ở tuổi trung niên đã tan vỡ với rất nhiều người ở Trung Quốc.
Lei giải thích rằng: “Có rất nhiều nhân viên công ty truyền thông như chúng tôi, ở độ tuổi 30, đã mua một hoặc nhiều tài sản trị giá hàng triệu nhân dân tệ trong 2 năm qua, với khoản thế chấp hàng tháng hàng chục nghìn nhân dân tệ”. Trong khi đó, suy thoái đang làm giảm giá trị bất động sản ở Hàng Châu. Lei cho biết giá nhà ở nơi anh sống ở quận Tây Hồ đã giảm từ hơn 60.000 nhân dân tệ mỗi m2 vào năm ngoái xuống còn khoảng 50.000 nhân dân tệ hiện nay.
Ngoài ra, theo Alice Chen, giám đốc khách hàng tại một công ty quỹ đầu tư tư nhân có trụ sở tại Thâm Quyến, thu nhập của những người bán các sản phẩm tài chính khác cũng giảm đáng kể. “Suy thoái kinh tế, xung đột địa chính trị, dịch bệnh và lạm phát trên thế giới đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường đầu tư và nhu cầu trong nước. Nếu các đợt phong tỏa và hạn chế do dịch bệnh kéo dài hơn 2 tháng, tác động của nó là không thể tưởng tượng được”, vị giám đốc này khẳng định.
Xa dần tầng lớp trung lưu
Simon Zhao, giáo sư khoa học xã hội tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, chỉ ra nguy cơ gia tăng nợ hộ gia đình ở hàng trăm thành phố nhỏ hơn của Trung Quốc, bao gồm cả các vùng nông thôn. Ông lưu ý rằng một số lượng lớn công nhân nhập cư đang gặp khó khăn khi các nhà máy tạm ngừng sản xuất vì chính sách zero-Covid.
Trung Quốc vẫn chưa cho thấy sẽ sớm thay đổi chiến lược Không Covid. Ảnh: AFP
Vị giáo sư này nói thêm, trong khi các rủi ro tổng thể dường như nằm trong tầm kiểm soát, thì việc phá vỡ dòng tiền đối với một số hộ gia đình có thể đồng nghĩa với rắc rối nghiêm trọng. Ông cho biết nhân viên trong lĩnh vực dịch vụ cấp thấp, cá nhân tự kinh doanh và lao động nhập cư đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Vivi Chen và chồng, đều làm việc trong lĩnh vực tài chính có trụ sở tại Thâm Quyến, đã mua 2 bất động sản ở trung tâm thành phố vào năm 2019 và 2020, trong thời kỳ bùng nổ tài chính và bất động sản ở thành phố phía nam Trung Quốc. Nhưng với sự suy yếu của thị trường bất động sản và chứng khoán trong năm nay, Chen cho biết cô cảm thấy không yên tâm về những rủi ro gia tăng do nợ hộ gia đình và đã chọn cắt giảm tiêu dùng, mặc dù tài sản của hai vợ chồng có tổng giá trị thị trường hơn 18 triệu nhân dân tệ ( 2,83 triệu USD).
“Tôi đã làm việc chăm chỉ trong hơn 10 năm để gia nhập tầng lớp trung lưu giàu có. Và bây giờ tôi có nguy cơ rớt khỏi tầng lớp này”, Chen cho biết và nói thêm rằng cô phải lập ngân sách cẩn thận và sẽ không chi tiêu xa hoa cho quần áo.
Theo một cuộc khảo sát quý đầu tiên của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, trong số 20.000 hộ gia đình thành thị tại 50 thành phố trên cả nước, 54,7% hộ gia đình đang muốn tăng tiết kiệm, tăng từ mức 51,8% của quý trước. Khảo sát cũng cho thấy rằng chỉ có 21,6% trong số những người được hỏi có kế hoạch tăng đầu tư, giảm so với mức 23,5% trong quý 4 năm ngoái.
Trước việc đang bế tắc trong các khoản nợ, không ít người trong tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc sẽ buộc phải đang cân nhắc việc bán tài sản của mình. Nhưng theo họ, việc tìm người mua giờ cũng không hề dễ dàng.
Có thể nói, giấc mơ trung lưu không chỉ đang tan vỡ với những nhân vật trong câu chuyện mà còn với tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc nói chung, thậm chí còn cả ở nhiều quốc gia khác trên thế giới khi mà các khó khăn về kinh tế đang tác động ở mức độ toàn cầu sau đại dịch Covid-19.