Giấc mơ vượt lên trong tương lai

'Xây dựng chiến lược kinh tế 4.0, mọi người nói có thể là ảo tưởng, không thực tế nhưng nếu không tranh thủ cơ hội này, con đường phát triển của chúng ta sẽ có nhiều khó khăn', Thứ trưởng Lê Quang Mạnh, Bộ Kế hoạch và đầu tư nói.

- Xây dựng chiến lược kinh tế 4.0, mọi người nói có thể là ảo tưởng, không thực tế nhưng nếu không tranh thủ cơ hội này, con đường phát triển của chúng ta sẽ có nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Quang Mạnh đã chia sẻ như vậy trong phiên thảo luận về chủ đề “Chiến lược Kinh tế trí tuệ nhân tạo và giải pháp đột phá cho Việt Nam" tại Hội nghị CEO SUMMIT 2018 vừa qua.

Phiên thảo luận về chủ đề “Chiến lược Kinh tế trí tuệ nhân tạo và giải pháp đột phá cho Việt Nam" đã diễn ra với sự điều hành của ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo, Nguyên Tổng Biên tập Báo VietNamNet.

Các diễn giả:

- Ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

- GS. Jason Furman – Đại học Harvard, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama

- TS. Kazuo Yano – Kĩ sư trưởng Tập đoàn Hitachi, Nhà tiên phong về AI của Nhật Bản

- TS. Masahiro Fukuhara – CEO Institution for a Global Society

- Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airline)

XEM VIDEO PHIÊN THẢO LUẬN TẠI LINK SAU:

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Bộ Kế hoạch và đầu tư là đơn vị được Thủ tướng giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng chiến lược kinh tế 4.0. Trong đó, có phần về chiến lược trí tuệ nhân tạo rất quan trọng. Viện Michael Dukakis cũng đã đóng góp cho Việt Nam trong vấn đề này và giờ, chúng tôi muốn nghe thêm, hiểu thêm về những mong muốn, khát vọng của Bộ khi chủ trì xây dựng chiến lược này.

Xin mời thứ trưởng Lê Quang Mạnh?

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh: Xin cảm ơn câu hỏi của anh Nguyễn Anh Tuấn!

Xây dựng chiến lược kinh tế 4.0 cho Việt Nam, mọi người nói có thể đó là ảo tưởng, không thực tế nhưng chúng tôi nghĩ, nếu không tranh thủ cơ hội này, con đường phát triển của chúng ta sẽ có nhiều khó khăn.

Chúng tôi cho rằng, với lợi thế của một đất nước đi sau và của một nền kinh tế còn đang phát triển, chúng ta có thể tranh thủ ngay nền công nghệ mới, cốt lõi là trí tuệ nhân tạo. Từ đó, chúng ta có thể theo kịp với mặt bằng chung của khu vực và thế giới, theo đuổi giấc mơ vượt lên trong tương lai.

Vậy thì, xây dựng chiến lược cho một giai đoạn sắp tới như vậy, vai trò dẫn dắt, vai trò người chơi chính của cộng đồng doanh nghiệp trong cuộc cách mạng này là gì? Chính phủ làm gì?

Theo tôi, Chính phủ cần bảo vệ các lợi ích chung, các giá trị đạo đức xã hội và khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp theo đuổi giấc mơ của mình.

Ông Lê Quang Mạnh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (ở giữa). Ảnh Phạm Hải

Thứ hai, Chính phủ nên là một tấm gương tốt trong việc trở thành chính phủ điện tử hoặc Chính phủ trí tuệ nhân tạo.

Với vai trò của người đi sau, chúng ta có thể lựa chọn một cách sáng suốt hơn trong thực hiện chiến lược Kinh tế 4.0. Ví dụ, nếu Chính phủ thành công trong việc xây dựng Chính phủ trí tuệ nhân tạo thì có lẽ, sẽ là gương tốt để cộng đồng doanh nghiệp lấy đó làm cảm hứng noi theo.

Ngoài ra chúng tôi dự kiến xây dựng một trung tâm sáng tạo, đổi mới để làm gương tạo động lực với kế hoạch hình thành mạng lưới trí tuệ Việt Nam gồm các nhà khoa học từ quốc tế cũng như trong nước tham gia. Đặc biệt là các Việt kiều trong lĩnh vực CNTT. Nói cách khác, chúng ta thu hút những trí tuệ khắp nơi trên thế giới phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Giáo sư Jason Furman và tôi cũng đã trình bày về chiến lược đột phá trí tuệ nhân tạo cho Việt Nam. Đúng là, chúng ta đôi lúc nói nó ảo tưởng nhưng biến ảo tưởng, không tưởng thành hiện thực thì chúng ta vẫn có khả năng.

Có lẽ bản thân tôi ngồi đây và Jason Furman một lần nữa được truyền cảm hứng khi nghe lãnh đạo Bộ kế hoạch Đầu tư, đơn vị chủ trì chiến lược kinh tế 4.0 Việt Nam quyết tâm nói rằng có khả năng triển khai và Việt Nam đi tiên phong.

Nếu chúng ta làm được điều đó, sẽ tạo ra dấu ấn. Biết đâu hôm nay sẽ là ngày lịch sử để Việt Nam quyết liệt đi vào hướng mới, tạo ra hướng nhấn và phát triển.

Thưa Gs. Jason Furman nghĩ thế nào về những thách thức lớn nhất khi xây dựng Chính phủ trí tuệ nhân tạo?

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Tổng Biên tập Diễn đàn Toàn cầu Boston, Giám đốc Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo, Nguyên Tổng Biên tập Báo VietNamNet. Ảnh Phạm Hải

GS Jason Furman: Hôm qua, tôi có đọc báo và được biết, tình trạng quan liêu trong cơ quan hành chính Nhà nước vẫn còn nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng không tốt tới môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Quyết tâm của Thủ tướng của các bạn là giảm bớt tình trạng quan liêu đó, điều đó đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế và đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực AI.

Hiện tại, AI tiến nhanh trên thế giới, đặt ra những vấn đề mới, yêu cầu mới chưa từng có trước đây. Vậy thì làm sao các bạn phải tạo một môi trường để các cá nhân sáng tạo đổi mới, không bị cản bước, bị giới hạn. Đó là điều rất quan trọng với một quốc gia như Việt Nam.

Đại biểu dự hội nghị: Cảm ơn các vị đã sang Việt Nam để chia sẻ.

Tôi đã sống 12 năm ở Mỹ, ở Singapore và mới quay trở lại Việt Nam 2 năm nay. Những gì mà tôi quan sát cho thấy hạn chế lớn ở Việt Nam là rào cản ngôn ngữ và năng suất lao động chưa cao.

Các cơ quan thống kê của Việt Nam cho biết, năng suất của Việt Nam thấp hơn các nước trong cùng khu vực. Tiếng nói phổ thông ở Việt Nam là tiếng Việt và rào cản ngôn ngữ chính là một hạn chế của Việt Nam so với Singapore hay ở các nước phát triển hơn trong khu vực trong việc tiếp cận kiến thức của thế giới, nhất là lĩnh vực AI.

Vậy, GS có lời khuyên gì dành cho cho những người trẻ Việt Nam, thế hệ tuổi 20 muốn phát triển đất nước, là quê hương của mình?

Chúng tôi là thế hệ trẻ, với tư cách thế hệ Start- up có thể làm gì mỗi ngày để biến Việt Nam trở thành nền kinh tế mạnh hơn với những sự phát triển về AI?

GS Jason Furman: Tôi xin nói trước là không có lời giải đáp chính xác tuyệt đối nào cho câu hỏi của bạn. Bạn chắc là chuyên gia giỏi hơn tôi.

Câu trả lời của tôi là câu trả lời mở. Đúng là ngôn ngữ AI toàn bằng tiếng Anh, mà tôi thì dốt, chỉ biết mỗi một thứ tiếng, may mắn thay ngôn ngữ tôi biết lại là tiếng Anh.

Tôi nghĩ, hội nhập với thế giới, quan trọng là các vấn đề chính sách và tháo gỡ rào cản đầu tư. Tôi nghĩ rằng, các rào cản đầu tư vào Việt Nam hiện nay đã giảm rồi, điều đó rất tốt.

Còn các vấn đề như bạn nói, như vấn đề ngôn ngữ, văn hóa thì chính những người trẻ như bạn có thể giúp làm giảm những rào cản đó. Có lẽ những người hiểu rõ về Việt Nam sẽ không ai tốt hơn các chuyên gia Nhật Bản.

Xin chuyên gia đến từ Nhật Bản trả lời giúp.

Ông TS. Kazuo Yano: Trong vòng 20 năm qua – kỉ nguyên của công cụ tìm kiếm và tin nhắn, ngôn ngữ là khía cạnh quan trọng trong công nghệ thông tin. AI cũng phụ thuộc ngôn ngữ nhưng mức độ thấp hơn.

Nó là những công nghệ đa công dụng. Khía cạnh lập trình của AI thực chất lại chiếm phần nhỏ, điều đó có nghĩa, chúng ta không phụ thuộc vào ngôn ngữ, vị trí, địa điểm.

Để các bạn dễ hình dung, tôi xin lấy ví dụ về hình ảnh cỗ máy AlphaGo - máy đánh cờ vây hay phần mềm trong con robot đung đưa như tôi đã cho các bạn xem trong bài thuyết trình với hàng ngàn các dòng lệnh.

Chỉ mất 1 tuần với một người có thể viết ra những dòng lệnh đó. Vì, việc lập trình không phải theo logic các dòng lệnh như các phần mềm thông thường.

Tất cả logic này đều có trong dữ liệu. Bản thân phần mềm không còn chịu ảnh hưởng hay phụ thuộc vào ngôn ngữ.

Điều đang diễn ra bây giờ là sự kết hợp những gì đang diễn ra trong máy tính và số liệu thực tế mang tính chất đại diện. Số liệu về hoạt động, hành vi mang tính chất phân tích một cách cơ học bằng AI nên không phụ thuộc quá nhiều vào ngôn ngữ. Việt Nam cũng có nhiều cơ hội, đó là xu hướng chung và khác trước kia.

TS. Kazuo Yano – Kĩ sư trưởng Tập đoàn Hitachi, Nhà tiên phong về AI của Nhật Bản. Ảnh Phạm Hải

TS. Masahiro Fukuhara: Tôi cũng nhất trí với bạn là có rào cản ngôn ngữ nhưng chúng ta giỏi lập trình hay là chuyên gia về AI thì rào cản ngôn ngữ không phải là vấn đề. Tuy nhiên, để tiếp cận và học hỏi về trí tuệ nhân tạo thì ngôn ngữ đóng vai trò quan trọng.

Thông thường, các thông tin về những cải tiến trong AI thường bằng tiếng Anh nhiều hơn bằng tiếng Việt hay bằng tiếng Nhật Bản.

Ngay tại đây, chúng tôi cũng đã nói đến những công nghệ mới nhất ở Mỹ, kể cả phần mềm AI để học tiếng Anh. Đó cũng là cơ hội kinh doanh cho chính các công ty tham gia.

Ví dụ, những lỗi tiếng Anh của người Nhật khác của Việt Nam và công nghệ giúp khắc phục điều đó. Tôi nghĩ, trẻ em học sớm tiếng Anh càng tốt.

Ông Dương Trí Thành: Ý câu hỏi tôi thấy rất thú vị vì trực tiếp liên quan đến các doanh nghiệp Việt. Nói đến người trẻ, ở Vietnam Airline, khi bắt tay vào nội dung đưa những công nghệ AI đời mới vào phục vụ khách hàng thì cũng đã đặt ra vấn đề ngôn ngữ.

Thứ hai, với start-up, với các bạn trẻ, thông điệp của diễn giả hôm nay là phải có ước mơ, hoài bão và những cái từ trước đến giờ mình cứ nghĩ là không tưởng thì bây giờ thực sự là thật.

Cuối tháng 6, tôi sang Canada và được xem công nghệ "Voice" tái tạo giọng nói. Trước đây, trong nội bộ, chúng tôi hay nói đùa với nhau là đừng có lười mà phải làm, đừng nghĩ "chớp mắt" là máy tính sẽ làm thay.. Thế mà bây giờ, điều đó là thực.

Ví dụ anh nghĩ, anh thích bánh pizza, một lúc sau, có người mang đến ngay... Công nghệ có thể làm vậy.

Thực ra, mọi thứ bắt đầu là sự sáng tạo, tưởng tượng vô tận và chúng ta có thể làm việc đó, biến thành hiện thực. Với công nghệ thông tin (CNTT) như thế này, với tất cả những gì đang diễn ra thì đúng là Vietnam Airline cũng đặt vấn đề chưa bao giờ, chúng ta có cơ hội như thế, cơ hội ứng dụng AI.

Với Vietnam Airline và ngành hàng không nói chung, chúng tôi không sản xuất máy bay hay các động cơ nhưng sử dụng công nghệ theo dõi tình trạng máy bay, tình trạng động cơ hoạt động. Tức là hàng triệu dữ liệu của động cơ tàu bay hoạt động ở bất cứ trên nơi nào thế giới thì chúng ta đều có hệ thống phân tích, cảnh báo.

Ví dụ cụ thể hơn, là các hệ thống giữ chỗ của Hàng không Việt Nam, các hệ thống về quản trị doanh thu..., với vô vàn những chương trình AI, với Big Data, qua đó phục vụ được hành khách, khách hàng tốt hơn.

Tôi nghĩ, người trẻ và chúng ta sẽ làm được.

TS. Masahiro Fukuhara: Hiện nay, có hãng bay cũng đang sử dụng hệ thống của chúng tôi để phục vụ khách hàng, đó là mục tiêu quan trọng nhất.

Có rất nhiều dữ liệu về khách hàng và chúng ta cần sàng lọc thế nào để phục vụ khách hàng tốt nhất?

Chúng ta phải xem nhu cầu của khách hàng lựa chọn thế nào phù hợp. Cả phần tuyển dụng tiếp viên và các cán bộ chủ chốt cũng cần phải xem xét.

So với với cách đây 2 năm, bây giờ chúng ta càng ngày càng có thể thêm số liệu.

Có những hãng hàng không giá rẻ đang cạnh tranh rất nhiều, họ bằng cách có sự khác biệt khi tạo những cơ sở dữ liệu khách hàng và họ sử dụng AI để tuyển dụng.

Tôi nghĩ đó là xu hướng thú vị và Việt Nam có thể áp dụng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Xin mời ông Dương Trí Thành?

Ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty hàng không, Vietnam Airline

Ông Dương Trí Thành: Bấy lâu nay tôi nghĩ Al là cái gì đó rất xa vời, phức tạp nhưng hôm nay nghe giáo sư nói tôi thấy đơn giản. Việc này theo tôi cần phải làm và làm ngay.

Trong hai năm qua, chúng tôi tuyển khoảng 1.500 tiếp viên. Công nghệ tuyển dụng chính vẫn là phỏng vấn chuyện học ở đâu, trình độ tiếng Anh thế nào?. Trung bình trình độ tiếng Anh của tiếp viên hàng không Việt Nam bây giờ khoảng thang điểm tối thiểu 550, rồi đưa lên thang điểm gần 700. Có thể nói, để giải quyết vấn đề này thì khâu tuyển dụng nhân sự phải quan tâm đầu tiên.

Trong tuần này chúng tôi triển khai nghị quyết TƯ 7, trong đó nói đến doanh nghiệp nhà nước và giai đoạn mới yêu cầu 70 – 80 % có trình độ tiếng Anh tốt để hội nhập. Chúng tôi quyết định phải đạt 100%, phải cao, phải tốt.

Thứ 2, để quản trị nguồn nhân lực, hết tháng này, chúng tôi sẽ hoàn chỉnh Database về toàn thể cán bộ nhân viên đầu tiên, tức bước đầu tiên trong giai đoạn 1 của 3.0 thôi.

Nghị quyết TƯ 7 đã phát triển cán bộ thì chỉ nói con người. Al cũng là do mình, quan trọng là mình có sử dụng nó không, mình có chế nó không hay hướng nó đi về đâu, mình cố gắng làm sao để hoàn chỉnh dần. Đó là hướng tiếp cận của Vietnam Airline.

SỰ CẠNH TRANH LÀ ĐIỀU TỐT

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Vietnam Airline là một trong những doanh nghiệp của Việt Nam đầu tiên hội nhập quốc tế rất mạnh mẽ.

Câu hỏi dành cho GS. Jason Furman. Thưa giáo sư, tôi được biết giáo sư là nhà hoạch định chiến lược kinh tế, trí tuệ nhân tạo cho Chính phủ Mỹ công bố năm 2016. Trung Quốc có một chiến lược tham vọng vượt Mỹ về trí tuệ nhân tạo năm 2030.

Là một nhà hoạch định chiến lược cho Chính phủ Mỹ, Giáo sư đánh giá, tiên liệu sự cạnh tranh giữa các quốc gia như thế nào và năm 2030, Mỹ có giữ vững vị thế hàng đầu về trí tuệ nhân tạo hay không?

GS. Jason Furman: Tôi rất thích sự cạnh tranh, điều này rất tốt cho thế giới. Tôi đặt cược vào nước Mỹ nhưng sẽ tốt hơn nếu cả 2 nước đều cố gắng chiến thắng. Một một số nguồn lực mà Trung Quốc đang đầu tư cho AI là rất to lớn và họ cũng rất thành công cho những công việc từ trước đến nay.

Trong AI, một thế mạnh của Hoa Kỳ là chúng tôi thu hút nhân tài khắp thế giới. Tất nhiên, có những nhân tài sẽ quay trở lại Việt Nam. Nói chung, chúng tôi thu hút nhân tài nhiều nơi trên thế giới.

Chúng tôi có hệ thống rất cởi mở, một hệ thống giáo dục củng cố được những điểm yếu, khuyến khích sự sáng tạo đổi mới. Cho nên đó là điểm mạnh của Mỹ. Vì lẽ đó, tôi đặt cược vào Hoa Kỳ nhưng Trung Quốc cứ cạnh tranh thì điều đó tốt cho thế giới thôi.

Ông Vũ Tuấn Anh, đại biểu hội nghị: Xin hỏi các diễn giả, khi chúng ta chuẩn bị cho Al và công nghệ 4.0 thì phát triển nguồn nhân lực là như thế nào? Đứng trên quan điểm vĩ mô và đứng trên quan điểm của doanh nghiệp như Vietnam airline, chúng ta nên làm gì để chuẩn bị nguồn nhân lực?

TS. Kazuo Yano: Kể từ khi bắt đầu sáng kiến AI cách đây 6 năm, chúng tôi cũng có rất nhiều nỗ lực. Từ những cán bộ thông thường để trở thành cán bộ về AI, họ đã phải trải qua một quá trình học tập rất khó khăn.

Không phải nằm ở các giáo trình và với những “người sẵn sàng với AI”, điều quan trọng, phải thử nghiệm với những vấn đề thực tế, số liệu thực tế.

Không phải như học vật lý, học toán, dạy các ngành thiết kế. Ví dụ học kiến trúc chẳng hạn, việc đưa ra đầu bài thiết kế bảo tàng khác với thiết kế khách sạn.

“Những người sẵn sàng với AI” phải hiểu rõ không chỉ là khía cạnh cơ học, các thuật toán mà phải kết hợp vấn đề thực tế với năng lực của máy tự học (machine learning) và AI. Cái đó không dễ và điều quan trọng, chúng ta ra những đầu bài, thuật toán, số liệu thực tế để những người đó giải quyết đầu bài, thúc đẩy quy trình đó để càng ngày càng giỏi hơn.

TRÍ TUỆ NHÂN TẠO LÀ CƠ HỘI CŨNG LÀ THÁCH THỨC

Thứ trưởng Lê Quang Mạnh: Xin cảm ơn câu hỏi vừa rồi của anh. Trong chiến lược phát triển đất nước và bối cảnh 4.0, trí tuệ nhân tạo là cơ hội, cũng là thách thức.

Về quá trình nghiên cứu, chúng tôi thấy đào tạo nguồn nhân lực nói chung phải cấp tiến, theo kịp yêu cầu về khoa học công nghệ là thách thức lớn. Chúng ta hướng đến một lực lượng lao động có đủ trí tuệ theo kịp trong bối cảnh này. Chúng tôi rất trăn trở.

Để đưa ra khuyến cáo, khuyến nghị về những chính sách mà chính phủ cần thực hiện, có 3 điều chúng tôi dự kiến nghiên cứu thêm.

Thứ nhất, bên cạnh việc chuẩn bị các chương trình đào tạo từ nhà trường, cải cách nội dung đào tạo, kỹ năng…, bản thân việc tham gia của nhà nước cũng chỉ là một phần nhưng nhà nước phải hướng nhu cầu xã hội đó trong chương trình đào tạo cơ bản.

Thứ 2, qua thảo luận biết rằng để thực sự tiếp cận, hiểu chính xác cũng như thế hệ trẻ có thể nắm bắt cơ hội thì chúng ta phải làm, nắm bắt và thử thách cơ hội. Tức, từ các start-up, từ cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta phải có những giấc mơ, kế hoạch, thử nghiệm. Có thể chúng ta sẽ thất bại nhưng thông qua những việc như vậy mới có được một thế hệ lực lượng lao động mới có người thành công và có người thất bại.

Thứ 3, về phía các doanh nghiệp, cộng đồng, đặc biệt nhà nước, chúng ta phải có những đặt hàng. Nếu như Vietnam Airline hay chính phủ có những kế hoạch, ứng dụng trí tuệ nhân tạo hay có những chương trình mà đưa ra định hướng về trí tuệ nhân tạo, chúng ta đặt ra một nhu cầu cho xã hội.

Như vậy thông qua nhu cầu này, các tổ chức đào tạo cũng như thế hệ trẻ có được một định hướng nghề nghiệp và có kế hoạch tự phát triển bản thân cụ thể, để chúng ta cùng với quá trình hội nhập sẽ có cơ hội chuẩn bị tốt hơn nguồn nhân lực

Ông Dương Trí Thành: Tôi nghĩ công nghệ thì có rồi nhưng để phát huy được thì văn hóa giáo điều phải bớt xuống, đấy là cái khó. Tôi nghĩ, từ nhà nước, hệ thống giáo dục, cứ nói nhiều việc đi học, học thật thuộc nhưng bây giờ sáng tạo có, cởi mở không?

Tương lai bây giờ là giai đoạn chính tôi ngồi đây cũng nghĩ như Vietnam irline theo định nghĩa các hãng hàng không trên thế giới là hãng hàng không truyền thống, thì các phương thức bán hàng mới, tiếp cận khách hàng mới và kể cả ý tưởng mới về cánh máy bay, ghế…, dịch vụ, kết nối... phải như thế nào?

Tôi vẫn nghĩ, quan trọng nhất là trí tưởng tượng của mình nhưng phải có mục tiêu và làm sao để phát huy được thì phải thay đổi, nuôi dưỡng và tìm phương pháp mới.

Cái mạnh nhất của các start-up và nhỏ là rất nhanh. Người ta nói thời đại này là thời đại mà ông nào nhanh thì thắng chứ không phải ông nào to thì giữ nguyên được. To thì rất nhiều lợi thế nhưng sẽ bị đâm thủng bụng nếu không nhanh và thay đổi.

Người làm nhiều năm như tôi thực ra trở thành bất lợi thế bởi, mỗi khi nghĩ đến điều gì là mình nhớ lại những cái đã tồn tại 5 – 10 năm, còn người trẻ không phải đổi mới vì họ đã mới rồi. Đó là lợi thế của người trẻ và họ phải sớm có những trang bị cho chính mình. Vai trò của nhà nước và doanh nghiệp cũng rất lớn để tạo điều kiện.

Các diễn giả trong phiên thảo luận về chủ đề “Chiến lược Kinh tế trí tuệ nhân tạo và giải pháp đột phá cho Việt Nam" tại Hội nghị CEO SUMMIT 2018, ngày 25/7/2018. Ảnh Phạm hải

TS. Masahiro Fukuhara: Tôi chỉ chia sẻ những sáng kiến ấn tượng mà chính phủ Nhật Bản đưa ra. Trong vòng 30 năm qua, Nhật Bản đã tìm cách thay đổi. Các trường đại học khi thi đầu vào, trước đây chỉ kiểm tra kỹ năng, nhận thức qua bài viết. Giờ có thêm một vấn đề nữa là chú trọng tính sáng tạo và hơn nữa là kĩ năng làm việc tập thể. Bây giờ tất cả các trường đại học phải đánh giá về khả năng của sinh viên trong việc hợp tác và sáng tạo. Do vậy, cách thức kiểm tra sẽ khác.

Trước đây dựa vào bài kiểm tra giấy, người ta sẽ tính điểm. Bây giờ, khả năng trả lời vấn đáp, thuyết trình được chút trọng nhiều hơn trong hệ thống giáo dục.

Tôi nghĩ rằng với Việt Nam cũng thế, trong thi vào trường đại học sẽ có những thay đổi ảnh hưởng giáo viên. Giáo viên đại học, trung học sẽ có sự thay đổi thích ứng thêm. Đó là một số ví dụ tạo ra nhân lực phù hợp trong thế hệ mới của kỉ nguyên AI.

VietNamNet

Thực hiện: Phạm Huyền- Hạnh Thúy

Video: Bạt Tuấn, Huy Phúc, Đức Yên, Xuân Quý

email:

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/giac-mo-vuot-len-trong-tuong-lai-466703.html