Giấc ngủ thất thường làm tăng 26% nguy cơ đau tim, đột quỵ
Đó là kết luận dựa trên nghiên cứu mới của các nhà khoa học Australia và Canada. Nghiên cứu được thực hiện ở hơn 72.000 người.
Công trình vừa được công bố trên tạp chí Epidemiology & Community Health. Theo nghiên cứu, tư thế ngủ không quan trọng bằng thời gian và chất lượng giấc ngủ. Điều này một lần nữa khẳng định, ngủ đủ sẽ có sức khỏe tốt.
Việc nhắm mắt không đủ thời lượng và chất lượng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, nhất là ở phụ nữ. Nó làm tăng các triệu chứng đau và tăng nguy cơ mắc bệnh mất trí nhớ.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu của 72.269 người trong độ tuổi từ 40 đến 79 trong hồ sơ Biobank của Anh, một cơ sở dữ liệu khổng lồ về thông tin di truyền, lối sống và sức khỏe thu được từ hơn 500.000 người tại Vương quốc Anh.
Không ai trong số những người tham gia nghiên cứu có tiền sử mắc các biến cố tim mạch trầm trọng trước đó.
Tất cả những người tham gia đều đeo thiết bị theo dõi hoạt động trong 7 ngày. Dữ liệu thu thập được từ các thiết bị sau đó được sử dụng để tạo chỉ số đều đặn về giấc ngủ (SRI) với mức từ 0 đến 100, dựa trên sự thay đổi về giờ đi ngủ, thời gian thức dậy, thời lượng ngủ và số lần thức dậy vào ban đêm.
Những người có SRI trên 87 được coi là có kiểu ngủ đều đặn và những người có điểm dưới 72 được coi là người ngủ không đều.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ tăng 26% ở những người có giấc ngủ thất thường. Những người có giấc ngủ không đều ở mức độ vừa phải cũng có nguy cơ cao hơn 8%.
Với nghiên cứu này, khoa học nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngủ đều đặn trong các hướng dẫn y tế cộng đồng và thực hành lâm sàng. Rối loạn giấc ngủ liên quan mật thiết đến tăng mức protein CRP, dấu hiệu của chứng viêm nhiễm làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ bất kể tuổi tác.
Nguồn: Reuters/PO/IEC/NAC