Giấc ngủ trắng khi lái xe dịp Tết: Hiểm họa luôn rình rập thường trực!
Tết Nguyên đán, thời khắc đoàn viên và sum vầy, cũng là lúc những chuyến xe tấp nập rộn ràng trên các cung đường. Tuy nhiên, trong cái hối hả và niềm vui ngày Tết, lại tồn tại một hiểm họa thầm lặng: Giấc ngủ trắng khi lái xe.
Giấc ngủ trắng không phải là giấc ngủ thông thường. Đó là trạng thái kiệt quệ sức lực khi cơ thể mệt mỏi tối đa, nhưng vẫn chưa thể chìm vào giấc ngủ. Nó khiến người tài xế rơi vào trạng thái lơ lửng, chậm chân ga, tay lái lung lay và phản xạ giảm sút.
Đây là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ra tai nạn giao thông, nhất là trong những chuyến đi dài về quê, khi người lái phải điều khiển xe trong hàng chục, thậm chí hàng trăm km.
Cơ chế sinh lý học của giấc ngủ trắng
Cơ thể con người hoạt động theo một chu kỳ sinh học gọi là nhịp sinh học (circadian rhythm), điều chỉnh chu kỳ ngủ - thức thông qua sự tiết hormone melatonin. Khi thức quá lâu, đặc biệt là vào ban đêm, cơ thể sẽ tích tụ adenosine, một chất dẫn truyền thần kinh gây buồn ngủ.
Trong trạng thái giấc ngủ trắng, mặc dù con người vẫn mở mắt và thực hiện hành động lái xe, não bộ đã chuyển sang chế độ "nửa ngủ, nửa tỉnh". Đây là trạng thái vi ngủ (microsleep), mỗi lần chỉ kéo dài vài giây nhưng có thể khiến tài xế mất kiểm soát xe, dẫn đến tai nạn nghiêm trọng.
Nghiên cứu và số liệu về tai nạn do thiếu ngủ
Theo nghiên cứu từ Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia Mỹ (NHTSA), lái xe thiếu ngủ gây ra khoảng 100.000 vụ tai nạn mỗi năm ở Mỹ. Một báo cáo khác từ Viện nghiên cứu giao thông Úc (ATSB) cho thấy, thiếu ngủ trong 17-19 giờ có thể làm suy giảm khả năng lái xe tương đương với mức cồn 0.05% trong máu.
Tại Việt Nam, tình trạng tài xế thiếu ngủ dẫn đến tai nạn giao thông đang là vấn đề đáng báo động. Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, mỗi năm có hơn 6.000 người tử vong do các vụ tai nạn liên quan đến việc lái xe trong trạng thái buồn ngủ.
Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ tai nạn do thiếu ngủ, nhưng nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng trong thời gian gần đây được xác định có nguyên nhân từ việc tài xế ngủ gật.
Vì sao giấc ngủ trắng dễ xảy ra vào dịp Tết?
Cuối năm, ai cũng bận rộn hoàn thành công việc, dọn dẹp nhà cửa, mua sắm Tết... Thể lực bị bào mòn khiến nhiều người vẫn lái xe với đôi mắt mở dần mà không hay biết. Ngoài ra, tình trạng giao thông đông đúc nhất là vào những ngày cao điểm cận Tết, khiến nhiều người chọn lái xe ban đêm. Tuy nhiên, ban đêm cũng là khoảng thời gian cơ thể cần được nghỉ ngơi nhất, khiến cơn buồn ngủ ập đến nhanh chóng.
Bên cạnh đó vào dịp Tết, nhiều người sử dụng rượu bia liên tục với tần suất dày đặc khiến cơ thể rơi vào tình trạng say xỉn. Điều này làm giảm đi sự tỉnh táo của đầu óc, ngay kể cả sau khi con người đã hết say. Cảm giác "mê mệt" sau khi đã tỉnh rượu chính là sự nguy hiểm khi lái xe.
Người Việt Nam đa phần ai cũng có xu hướng ăn uống thả ga, nạp vào cơ thể lượng lớn thức ăn dầu mỡ và đồ ngọt. Chế độ dinh dưỡng bất hợp lý trong ngày Tết cũng là nhân tố khiến cơ thể dễ rơi vào trạng thái bão hòa, buồn ngủ hoặc mệt mỏi mà không thể ngủ ngay được.
Làm sao để tránh giấc ngủ trắng khi lái xe?
Trước khi đi về quê hoặc đi chơi xa bằng ô tô tài xế nên ngủ đủ giấc trước khi lái xe đường dài. Trong quá lộ trình di chuyển, hãy dừng xe nghỉ giữa chặng. Cứ khoảng 2 giờ lái xe nên dừng lại 10-15 phút để nghỉ ngơi, vươn vai và hít thở sâu.
Nếu phải đi xa, tài xế nên lựa chọn lộ trình sao cho phù hợp, hạn chế lái xe xuyên đêm. Trong lúc lái xe, nên mở nhạc sôi động, trò chuyện cùng người thân, giữ không khí trong xe luôn thông thoáng. Sử dụng trà, cà phê, nước giải khát cho cà phê in, giúp đầu óc luôn tỉnh táo khi lái xe.
Trên những cung đường trở về quê, điều quý giá nhất chính là đôi mắt tỉnh táo và sự an toàn. Hãy lái xe bằng một tinh thần minh mẫn, để chặng đường về nhà là hành trình hạnh phúc chứ không phải là chuyến đi nguy hiểm. Báo điện tử VOV.VN chuyên mục Ô tô - Xe máy xin chúc quý độc giả có một năm mới, An Khang Thịnh Vượng – Vững Tay Lái – Vạn Sự Bình An.