Giải Ảnh Báo chí Thế giới 2024: Chiến tranh, đau buồn và hy vọng

Giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới (World Press Photo) hằng năm không chỉ là sân chơi cho những nhiếp ảnh gia tài năng mà còn là bức tranh chân thực về những sự kiện, con người và câu chuyện cảm động trên toàn thế giới. Năm nay, những bức ảnh ghi lại các cuộc chiến ở Gaza và Ukraine, sự di cư, gia đình và chứng mất trí đã chiếm vị trí hàng đầu trong giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới 2024.

Bốn nhiếp ảnh gia Mohammed Salem, Lee-Ann Olwage, Alejandro Cegarra và Julia Kochetova đã được công bố là những người chiến thắng trong cuộc thi năm nay. Những người chiến thắng đã được chọn ra từ tổng số 61.062 bức ảnh dự thi của 3.851 nhiếp ảnh gia từ 130 quốc gia. Họ được ca ngợi vì sự dũng cảm, kỹ năng và lòng cảm thông.

 Một bức ảnh trong loạt ảnh Hai bức tường ghi lại sự kiên cường của những người di cư đến Mỹ. Ảnh: Alejandro Cegarra/AP

Một bức ảnh trong loạt ảnh Hai bức tường ghi lại sự kiên cường của những người di cư đến Mỹ. Ảnh: Alejandro Cegarra/AP

Những hình ảnh ghi dấu nỗi đau chiến tranh

Phóng viên ảnh Mohammed Salem thuộc hãng tin Reuters đã giành giải Ảnh của năm với bức ảnh “Một người phụ nữ Palestine ôm thi thể cháu gái”. Bức ảnh cho thấy Inas Abu Maamar ôm chặt thi thể của cháu gái năm tuổi Saly, người đã thiệt mạng cùng mẹ và chị gái khi một tên lửa của Israel bắn trúng nhà của họ ở Khan Younis, Gaza.

 Bức ảnh đoạt giải Ảnh của năm ghi lại cảnh một người phụ nữ ở Gaza đang ôm thi thể đứa cháu gái 5 tuổi của mình. Ảnh: Mohammed Salem/Reuters

Bức ảnh đoạt giải Ảnh của năm ghi lại cảnh một người phụ nữ ở Gaza đang ôm thi thể đứa cháu gái 5 tuổi của mình. Ảnh: Mohammed Salem/Reuters

Salem - một người Palestine, mô tả bức ảnh này là một “khoảnh khắc mạnh mẽ và buồn bã phác họa lên bức tranh rộng lớn hơn về những gì đang diễn ra ở Dải Gaza”. Ban giám khảo cho rằng bức ảnh đã được bố trí cẩn thận và tôn trọng, cung cấp cái nhìn ẩn dụ và thực tế về mất mát không thể tưởng tượng nổi.

Những câu chuyện của sự quan tâm và chăm sóc

Lee-Ann Olwage - phóng viên ảnh đến từ Nam Phi, đã giành giải Câu chuyện ảnh của năm với loạt ảnh “Valim-babena”, được tạp chí GEO của Đức công bố. Loạt ảnh này mô tả “Dada Paul”, người đã sống với chứng mất trí nhớ trong 11 năm, chuẩn bị đi lễ nhà thờ ở Madagascar cùng cháu gái Odliatemix. Ở Madagascar, sự thiếu hiểu biết công khai về chứng mất trí nhớ khiến những người có triệu chứng mất trí nhớ thường bị kỳ thị. Ban giám khảo cho biết câu chuyện “giải quyết vấn đề sức khỏe toàn cầu qua lăng kính gia đình và sự chăm sóc”.

 Bức ảnh đoạt giải Câu chuyện của năm trong đó có hình ảnh Dada Paul, người sống với chứng mất trí nhớ, đang chuẩn bị đến nhà thờ cùng cháu gái của mình ở Madagascar. Ảnh: Lee-Ann Olwage/AP

Bức ảnh đoạt giải Câu chuyện của năm trong đó có hình ảnh Dada Paul, người sống với chứng mất trí nhớ, đang chuẩn bị đến nhà thờ cùng cháu gái của mình ở Madagascar. Ảnh: Lee-Ann Olwage/AP

Cuộc hành trình đầy nghị lực

Nhiếp ảnh gia Alejandro Cegarra thuộc hãng tin AP và đến từ Venezuela, đã giành giải Dự án dài hạn cho tác phẩm “The Two Walls”. Tác phẩm được công bố trên New York Times và Bloomberg, mô tả sự kiên cường của người di cư. Dự án rút ra từ kinh nghiệm cá nhân của Cegarra khi di cư từ Venezuela đến Mexico vào năm 2017. Ban giám khảo ca ngợi quan điểm nhạy cảm, tập trung vào con người của Cegarra.

Chiến tranh với từng cá nhân

Julia Kochetova - từ Ukraine, đã giành giải Định dạng mở với tác phẩm “War Is Personal”. Giữa hàng chục ngàn thường dân và quân nhân tử nạn trong cuộc xung đột Nga - Ukraine, Kochetova đã tạo ra một dự án trên nền tảng web kết hợp giữa báo chí ảnh và phong cách tài liệu cá nhân của một cuốn nhật ký để mô tả thực tế hàng ngày của chiến tranh. Dự án cũng bao gồm thơ, đoạn âm thanh và âm nhạc.

 Một phần trong tác phẩm đa phương tiện “War Is Personal” khắc họa nỗi đau trong cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Julia Kochetova/AP

Một phần trong tác phẩm đa phương tiện “War Is Personal” khắc họa nỗi đau trong cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: Julia Kochetova/AP

Kochetova nói rằng cô không lựa chọn chụp ảnh chiến tranh, nhưng “chiến tranh bắt đầu và nó luôn thuộc về tôi… Tôi muốn làm cho câu chuyện về cuộc chiến Nga - Ukraine gần gũi nhất có thể với độc giả trên toàn cầu...”. Cô chia sẻ thêm rằng việc giành giải thưởng “không giúp đất nước tôi chiến thắng... Là một người kể chuyện Ukraine, tôi chỉ có thể hy vọng rằng sự công nhận này sẽ là một lời nhắc nhở quan trọng cho thế giới rằng chiến tranh chưa kết thúc”.

Lời kêu gọi hòa bình qua những bức ảnh

Những bức ảnh đã và đang được trưng bày trong cuộc triển lãm hằng năm của Ảnh Báo chí Thế giới, dự kiến diễn ra tại hơn 60 địa điểm trên toàn thế giới, bao gồm Amsterdam, London, Mexico City, Rio de Janeiro, Hồng Kông và Sydney.

Fiona Shields - Chủ tịch Hội đồng giám khảo toàn cầu, cho biết những bức ảnh đoạt giải có “sức mạnh truyền tải một khoảnh khắc cụ thể, đồng thời vang vọng xa hơn chủ đề và thời gian của chúng”. Bà nói bức ảnh của năm “thực sự bao hàm cảm giác này; nó rất xúc động khi xem và cùng lúc là một lời kêu gọi hòa bình”.

Joumana El Zein Khoury - giám đốc điều hành của Ảnh Báo chí Thế giới, cho biết các nhiếp ảnh gia đoạt giải “hiểu rõ và thân mật với các chủ đề của họ”. Bà cũng nhấn mạnh tính chất nguy hiểm của nhiếp ảnh báo chí trong thời chiến: “Năm vừa qua, số lượng nhà báo thiệt mạng ở Gaza đã đẩy số lượng nhà báo bị giết hại lên gần mức cao kỷ lục. Điều quan trọng là phải công nhận những tổn thất họ đã trải qua để cho thế giới thấy tác động đối với nhân đạo của chiến tranh”.

Anh Minh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giai-anh-bao-chi-the-gioi-2024-chien-tranh-dau-buon-va-hy-vong-post299903.html