Giải bài toán chuyển đổi số doanh nghiệp

Để bắt kịp xu hướng chung, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng đầu tư công nghệ, tiếp cận các thành tựu của cuộc cách mạng 4.0. Tuy nhiên, với nhiều rào cản khách quan, công tác chuyển đổi số của doanh nghiệp vẫn chưa được như mong đợi.

Người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng công nghệ mới tại một hội thảo về CNTT được tổ chức tại TP Tuy Hòa. Ảnh: NHƯ THANH

Người dân, doanh nghiệp tiếp cận các nền tảng công nghệ mới tại một hội thảo về CNTT được tổ chức tại TP Tuy Hòa. Ảnh: NHƯ THANH

Còn nhiều vướng mắc

Theo Sở TT&TT, thời gian qua, việc hỗ trợ doanh nghiệp địa phương chuyển đổi số (CĐS) được triển khai theo nhiều kênh thông qua tập huấn tuyên truyền công tác CĐS cho các hội, hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo số liệu thống kê của Bộ TT&TT, đến cuối năm 2023, Phú Yên có 966 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận chương trình CĐS. Tuy nhiên, so với số lượng khoảng 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, sự tham gia của doanh nghiệp trong thực hiện CĐS chưa nhiều.

Ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Hiện nay, việc ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp còn hạn chế. Doanh nghiệp chưa trang bị đầy đủ thiết bị và kiến thức để khai thác các nền tảng số. Các nền tảng số cũng chưa thực sự dễ sử dụng và hiệu quả cao để triển khai nhân rộng. Cơ cấu doanh thu công nghiệp CNTT chủ yếu do các doanh nghiệp viễn thông và xuất khẩu dịch vụ CNTT; thiết bị điện tử và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp đóng góp còn ít.

Phân tích thêm về các khó khăn trong công tác CĐS tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Tấn Thuần, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Phú Yên, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: Phần lớn doanh nghiệp Phú Yên là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên thiếu vốn để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh; nguồn kinh phí bố trí để thực hiện CĐS còn hạn chế. Năng lực của lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Các doanh nghiệp chưa chắc chắn về lợi nhuận đầu tư công nghệ nên còn e dè. Bên cạnh đó, dữ liệu giữa các phần mềm chưa được đồng bộ, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tăng cường hỗ trợ

Theo bà Đặng Thị Thu Nguyệt, Trưởng văn phòng đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Khánh Hòa, CĐS hiện nay không còn là nhu cầu mà đang là điều bắt buộc đối với mọi tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và từng cá nhân trong nền kinh tế số. Nhận thức và năng lực của doanh nghiệp về CĐS là vô cùng quan trọng. Các doanh nghiệp cần nhận thấy chiến lược CĐS là một phần của chiến lược kinh doanh; phải được thực hiện dựa trên năng lực, thực trạng của doanh nghiệp và phải hướng tới mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.

Là tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, VCCI đã và đang phối hợp với nhiều đơn vị, tập đoàn công nghệ và các nền tảng xã hội tổ chức nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, đào tạo kỹ năng ứng dụng và cơ hội trải nghiệm công cụ số để phát triển kinh doanh và nâng cao hiệu quả hoạt động cho hàng chục nghìn lượt doanh nghiệp, trong đó có Phú Yên.

Trong khi đó, để kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ, các sở, ngành, địa phương cũng đang triển khai đồng loạt các giải pháp. Ông Lê Tỷ Khánh cho biết: Sở TT&TT thường xuyên phối hợp với các sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cùng các doanh nghiệp Viettel Phú Yên, VNPT Phú Yên, Mobifone Phú Yên, Bưu điện tỉnh, Công ty CP Misa… tổ chức các hội thảo, ngày hội CĐS; tăng cường tuyên truyền, tập huấn cho doanh nghiệp về CĐS. Đồng thời, sở cũng phối hợp các cơ quan chức năng xác định các doanh nghiệp thuộc diện hỗ trợ để triển khai chương trình hỗ trợ đủ điều kiện.

Theo ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, các doanh nghiệp nên lựa chọn một lĩnh vực có khả năng mang lại lợi ích nhất, giải quyết được những vướng mắc của doanh nghiệp để thực hiện CĐS trước và triển khai từ quy mô nhỏ đến lớn. Các doanh nghiệp phải sớm đưa ra lộ trình CĐS, bố trí nguồn vốn, nhân lực phù hợp. Đây sẽ là nguồn đầu tư tạo những đột phá lớn cho doanh nghiệp trong tương lai. Tỉnh đang tăng cường cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp công nghệ số vào đầu tư, kinh doanh; tham gia triển khai các đề tài, dự án về ứng dụng CNTT.

NHƯ THANH

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/320634/giai-bai-toan-chuyen-doi-so-doanh-nghiep.html