Giải bài toán cơ cấu lại đội ngũ cán bộ trong tinh gọn bộ máy

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy là việc khó, ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người, điều cần thiết là phải tính toán các chính sách cụ thể sao cho hài hòa, hợp lý.

Thực hiện Nghị quyết 18/2017, nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước đã công bố dự kiến kế hoạch tinh gọn bộ máy và chính sách tinh giản biên chế. TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), cho rằng lực cản lớn nhất trong cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này có lẽ là tâm tư, tình cảm của cán bộ, công chức thuộc diện bị tác động, ảnh hưởng.

 TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

TS Vũ Trung Kiên, Phó Trưởng khoa Xây dựng Đảng, Học viện Chính trị khu vực II (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Giải quyết hài hòa câu chuyện lợi ích cá nhân và tập thể

. Phóng viên: Thưa ông, việc sắp xếp bộ máy đang được thực hiện theo tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm là “trung ương làm gương, địa phương hưởng ứng”. Tuy nhiên, khi thực hiện chắc chắn sẽ đụng chạm đến lợi ích, quyền lợi của mỗi người, phải hy sinh lợi ích cá nhân trong câu chuyện chung?

+ TS Vũ Trung Kiên: Mỗi người trong quá trình làm việc đều phấn đấu để được “thăng quan tiến chức” và có lẽ vì vậy mà các cuộc sáp nhập bao giờ cũng khó khăn, phức tạp. Nhưng trong văn hóa của người Việt Nam có một đặc điểm rất hay đó là tính nêu gương, cấp dưới noi gương cấp trên, người dưới noi gương người trên. Trong cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị lần này, chúng ta đã tiến hành từ trên xuống dưới cũng chính nhờ tinh thần nêu gương mà tôi vừa đề cập.

Tổng Bí thư Tô Lâm và Trung ương nhìn nhận việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này là một cuộc cách mạng. Đã dùng tới từ “cách mạng” có nghĩa đây sẽ là một công việc trọng đại, có tác động, ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có từng con người, nhất là những người trong diện phải sắp xếp lại hoặc tinh giản.

Trung ương và Tổng Bí thư, Thủ tướng đã có chỉ đạo mạnh mẽ việc sắp xếp bộ máy với tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, vậy nên việc bàn lùi, trì hoãn là không thể. Tất nhiên, cuộc cách mạng nào cũng phải có hy sinh, cuộc cách mạng lần này cũng vậy - chắc chắn sẽ có nhiều người bị tác động, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích cá nhân.

Theo tôi, cốt lõi của vấn đề là phải giải quyết hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể. Mới đây Bộ Nội vụ cũng đã thông tin sẽ đề xuất chính sách vượt trội với cán bộ thuộc diện sắp xếp, đây là điều đáng làm, nên làm và phải đặc biệt quan tâm.

Tính toán chính sách hợp lý

. Tổng Bí thư cũng cho rằng việc triển khai tại nhiều đơn vị sẽ gặp khó khăn, thậm chí sẽ có cả những lực cản quyết liệt nhưng vẫn phải làm vì muốn có một cơ thể khỏe mạnh, đôi khi chúng ta phải “uống thuốc đắng”, phải chịu đau để “phẫu thuật khối u”.

+ Không có cuộc cải cách nào thuận lợi cả, nếu thuận lợi thì chắc chắn đó không phải là cải cách. Tuy nhiên, có thể thấy cuộc cách mạng lần này đã chín muồi về các điều kiện. Kể từ khi diễn ra Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết 18 về tinh gọn bộ máy vào ngày 1-12 đến nay, chúng ta cũng đã cảm nhận rõ nét không khí của các cơ quan, đơn vị, địa phương với tinh thần nhanh, gọn, mạnh.

Tôi cho rằng một trong những lực cản lớn nhất khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này là tâm tư, tình cảm của cán bộ, viên chức thuộc diện bị tác động, ảnh hưởng. Chẳng hạn, khi hai đơn vị sáp nhập với nhau thì đương nhiên sẽ chỉ có một người được lựa chọn làm trưởng - lúc này vấn đề đặt ra là ai ở, ai đi, chọn ai…

Rào cản thứ hai là khối lượng công việc quá nhiều, quá lớn. Sẽ có rất nhiều quy định, bộ luật, nghị định, sau đó là thông tư phải sửa đổi. Chẳng hạn, việc sắp xếp lại các ban Đảng, Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn thì phải sửa các quy định về hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, quy định về kiểm tra, giám sát, chỉ thị về bầu cử… Trong khi đầu năm 2025, các tổ chức cơ sở Đảng đã bắt đầu tiến hành đại hội.

Tương tự, khi sáp nhập các bộ, ngành còn phải chuẩn bị, xây dựng các quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị mới sau khi sắp xếp… Đây thực sự là một khối lượng công việc khổng lồ, trong khi áp lực về thời gian rất gấp.

Lần này có thuận lợi là chúng ta quyết và làm rất nhanh. Trung ương đã gương mẫu làm trước, vì vậy cấp dưới cũng phải tiến hành theo, tôi nghĩ đó là cách làm phù hợp.

 Các quyết định về cán bộ khi sắp xếp bộ máy phải gắn với vị trí việc làm, năng lực, cũng như sự thể hiện của mỗi cá nhân trong công việc. Ảnh: HOÀNG GIANG

Các quyết định về cán bộ khi sắp xếp bộ máy phải gắn với vị trí việc làm, năng lực, cũng như sự thể hiện của mỗi cá nhân trong công việc. Ảnh: HOÀNG GIANG

. Có những cán bộ không phải vì không có năng lực nên nằm trong diện sắp xếp lại mà vì yêu cầu chung. Để họ không cảm thấy thiệt thòi, chúng ta nên thiết kế chính sách như thế nào với đội ngũ này?

+ Mỗi người đi làm không phải chỉ cho một mình họ mà đằng sau họ là vợ chồng, con cái, cha mẹ, anh em.... Vì vậy trong quá trình sắp xếp, tinh gọn cần tính cả yếu tố lý và tình. Chẳng hạn khi hai đơn vị sáp nhập với nhau, chắc chắn biên chế của đơn vị mới không thể là con số cộng dồn cơ học, bởi như vậy chỉ giảm được đầu mối mà không giảm được con người và coi như không thành công.

Chúng ta cần tính toán và chấp nhận trong một giai đoạn chuyển tiếp, số lượng biên chế của tổ chức mới được thành lập sẽ cao hơn số được phê duyệt... Ngoài ra, cần có các chính sách vượt trội để người phải về cũng không quá thiệt thòi và tâm tư.

Sẽ không có bất cứ chính sách nào có thể đáp ứng được mong muốn của tất cả mọi người song ít nhất phải đáp ứng được nhu cầu, lợi ích chính đáng của số đông.

Dựa vào vị trí việc làm, năng lực

. Đảng ta luôn xác định “cán bộ là then chốt của then chốt”. Với một bộ máy tinh gọn như thế thì đội ngũ cũng phải có chất lượng cao, phải đủ bản lĩnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

+ Bộ máy tinh gọn nhưng công việc của đất nước, của người dân ngày càng nhiều. Vậy nên khi bộ máy tinh gọn thì điều quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng đội ngũ. Nâng cao chất lượng ở đây không chỉ là nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức mà còn là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc đẩy mạnh hơn nữa công tác chuyển đổi số (CĐS).

Đương nhiên mỗi giai đoạn có yêu cầu và đòi hỏi khác nhau đối với đội ngũ cán bộ, công chức song dù giai đoạn nào thì trình độ, năng lực, trách nhiệm, bản lĩnh… vẫn là các tiêu chí không thể thiếu.

Về lâu dài, cần thực hiện nghiêm túc một định hướng giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết 18 của Trung ương, đó là “xây dựng, hoàn thiện và thực hiện cơ chế cạnh tranh lành mạnh, công khai, minh bạch, dân chủ trong bổ nhiệm, đề bạt cán bộ và tuyển dụng công chức, viên chức để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị”.

Các quyết định về cán bộ phải gắn với vị trí việc làm, dựa trên nguyên tắc đề cao sự cạnh tranh về năng lực, thể hiện của mỗi cá nhân trong công việc thông qua các kết quả, sản phẩm cụ thể.

. Xin cảm ơn ông.

Không còn kẽ hở cho các biểu hiện tiêu cực

Trong quá trình tinh gọn bộ máy, một vấn đề đặt ra là phải đẩy mạnh chuyển đổi số (CĐS) để hỗ trợ công tác quản lý. Tuy nhiên, tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội vào ngày 31-10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu ra những ví dụ về khó khăn, rào cản khi thực hiện CĐS, đơn cử có cán bộ ở cấp phường không muốn CĐS vì “CĐS thì bọn em mất việc”.

Có một thực tế đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cơ sở lâu nay đã quen với cách thức thực hiện công việc hằng ngày cũng như sự vận hành của bộ máy, vì vậy khi có thay đổi lớn thường khó nắm bắt kịp. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là những người lớn tuổi vốn hạn chế về mảng công nghệ nên có tâm lý ngại thay đổi, đây cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế thì đầu mối các cơ quan, đơn vị sẽ giảm, số nhân lực cũng giảm nhưng khối lượng công việc ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, CĐS và có phương thức quản lý phù hợp với tình hình thực tế là điều tất yếu. Và khi áp dụng CĐS vào quản lý công việc thì các quy trình, thủ tục hành chính sẽ công khai, minh bạch, vận hành thông suốt; hạn chế tình trạng tạo kẽ hở cho các biểu hiện tiêu cực xảy ra.

Mặt khác, khi chúng ta sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế có hiệu quả sẽ giúp bộ máy bớt cồng kềnh, bớt các tầng nấc trung gian…, đồng thời có điều kiện tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Lương tăng, đời sống được đảm bảo cũng sẽ hạn chế được tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực.

TS VŨ TRUNG KIÊN

THANH TUYỀN thực hiện

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-bai-toan-co-cau-lai-doi-ngu-can-bo-trong-tinh-gon-bo-may-post827464.html