Giải bài toán khủng hoảng lương thực và phân bón

Các cuộc đàm phán tại hội nghị G20 ở Bali - Indonesia sẽ tập trung vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và tình trạng thiếu phân bón đang ảnh hưởng đến nông dân

Giới lãnh đạo tài chính thuộc nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) hôm 15-7 bắt đầu cuộc họp kéo dài 2 ngày tại đảo Bali - Indonesia trong bối cảnh thế giới chứng kiến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, lạm phát tăng cao và tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng.

Phát biểu hôm 15-7, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati đã kêu gọi những người tham gia đồng thuận trong các cuộc đàm phán vì lợi ích của các nước thu nhập thấp vốn đang đối mặt với giá thực phẩm và năng lượng tăng cao.

Theo bà Sri Mulyani, thế giới đang chứng kiến nạn đói toàn cầu đáng báo động do xung đột, hạn chế xuất khẩu và tác động kéo dài của dịch bệnh. Bộ trưởng Tài chính Indonesia cũng thúc giục các bộ trưởng tài chính, giám đốc ngân hàng trung ương và nhiều lãnh đạo khác tìm cách kết nối hơn là đặt ra rào cản, đồng thời cảnh báo hậu quả của việc thiếu sự đoàn kết, đặc biệt là đối với các quốc gia kém phát triển, sẽ rất thảm khốc.

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Mulyani Indrawati phát biểu tại hội nghị G20 trên đảo Bali - Indonesia hôm 15-7. Ảnh: REUTERS

Bộ trưởng Tài chính Indonesia Mulyani Indrawati phát biểu tại hội nghị G20 trên đảo Bali - Indonesia hôm 15-7. Ảnh: REUTERS

Ông Wempi Saputra, Trợ lý bộ trưởng tài chính Indonesia, cho biết các cuộc đàm phán tại Bali sẽ tập trung vào cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và tình trạng thiếu phân bón đang ảnh hưởng đến nông dân. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho rằng xung đột và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đã cản trở hoạt động cung ứng lúa mì từ Nga và Ukraine, vốn chiếm khoảng 14% nguồn cung toàn cầu, ảnh hưởng đến hàng triệu người ở nhiều nơi trên thế giới.

Các chủ đề khác cũng được đề cập trong cuộc họp gồm việc thành lập quỹ của Ngân hàng Thế giới để nghiên cứu và chuẩn bị ứng phó đại dịch, kế hoạch thành lập Quỹ Tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST) thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ cung cấp tiền cho các quốc gia cần xóa nợ và hỗ trợ tài chính.

Hội nghị tại Indonesia được xem là nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu sau khi cuộc họp của các nhà lãnh đạo G20 tại Washington - Mỹ hồi tháng 4 kết thúc mà không đạt được kết quả nào. Khi đó đại diện các nước Mỹ, Anh, Pháp, Canada và Ukraine rời khỏi cuộc đàm phán để phản đối sự hiện diện của đại diện từ Nga.

Ông Deni Friawan, nhà nghiên cứu kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định với kênh Al Jazeera: "Trên thực tế, không có cách nào dễ dàng để thoát khỏi vấn đề lạm phát vốn bị chi phối bởi những cú sốc nguồn cung bắt nguồn từ sự gia tăng giá hàng hóa toàn cầu".

Ông Friawan nói thêm rằng các cuộc thảo luận về chính sách tiền tệ tại hội nghị thượng đỉnh cũng sẽ cần tính đến khả năng suy yếu của các đồng tiền trên toàn cầu khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục siết chặt chính sách và tăng lãi suất.

Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng ở mức chậm nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu cách đây 2 năm. Dữ liệu chính thức hôm 15-7 cho thấy tổng sản phẩm nội địa (GDP) từ tháng 4 đến tháng 6 của Trung Quốc chỉ tăng 0,4% so với cùng kỳ năm trước do các đợt phong tỏa trên toàn quốc đã kìm hãm hoạt động sản xuất và chi tiêu của người tiêu dùng.

Theo hãng tin Bloomberg, điều này đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể không đạt được mục tiêu tăng trưởng khoảng 5,5% trong năm nay. Báo cáo kém lạc quan về kinh tế Trung Quốc nói trên phần nào giáng đòn lên nền kinh tế toàn cầu vốn đang có nguy cơ rơi vào suy thoái do cuộc khủng hoảng ở Ukraine, sự gián đoạn chuỗi cung ứng và lãi suất tăng ở nhiều nơi.

Thúc đẩy nguồn cung để kìm giá dầu

Đài CNBC dẫn lời Tổng Thư ký của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế Mathias Corman hôm15-7 bên lề cuộc họp của G20 cho rằng cách tốt nhất để ổn định giá dầu là thúc đẩy nguồn cung và các lựa chọn thay thế cho dầu Nga. Theo ông, có nhiều lựa chọn khả dụng cho thế giới thông qua việc gia tăng sản xuất từ các nguồn khác.

Trước đó, hôm 14-7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen cũng nói rằng áp giá trần đối với dầu Nga sẽ rất quan trọng để giảm lạm phát, trong bối cảnh lạm phát tiêu dùng của nước này tăng tới 9,1%.

Giá dầu đã giảm xuống dưới 95 USD/thùng lần đầu tiên kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine (ngày 24-2) nhưng là do lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu sắp xảy ra, làm kìm hãm các thị trường hàng hóa và tác động xấu đến dự báo về nhu cầu, theo The Financial Times.

Giá dầu Brent giảm xuống mức 94,50 USD / thùng. Nó từng đóng cửa ở mức 96,84 USD/thùng vào ngày 23-2, trong khi nước Mỹ đánh dấu giá dầu ở mức 90,56 USD/thùng, dưới mức đóng cửa 92,10 USD/thùng trước xung đột.

Anh Thư

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/giai-bai-toan-khung-hoang-luong-thuc-va-phan-bon-2022071521482235.htm