Giải 'bài toán' nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics
Để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành logistics của Việt Nam thời gian tới, cần nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực. Đây được coi là nhân tố then chốt.
Gỡ “nút thắt” về số lượng, chất lượng nhân lực
Ngày 27/7, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Đại hội lần thứ II, nhiệm kỳ 2025-2029 của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA)
Tại sự kiện, ông Phạm Trung Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ (Bộ Nội vụ) cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, ngành logistics đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực logistics hiện vẫn còn là một “nút thắt” về cả số lượng và chất lượng. Sự ra đời và phát triển của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam từ năm 2021 đến nay là một minh chứng rõ ràng cho tinh thần chủ động, kết nối và trách nhiệm xã hội của các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực này.
Với vai trò là tổ chức xã hội - nghề nghiệp mang tính liên kết cao giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, Hiệp hội đã tích cực tham gia xây dựng, phản biện chính sách phát triển nhân lực; chuẩn hóa chương trình đào tạo ngành logistics. Qua đó, góp phần thúc đẩy hợp tác công - tư trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu.
"Bộ Nội vụ đánh giá cao những kết quả mà Hiệp hội đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, đặc biệt là vai trò cầu nối, kiến tạo hệ sinh thái nhân lực logistics theo hướng hiện đại, liên ngành và quốc tế hóa" - ông Phạm Trung Giang nói.
Trong nhiệm kỳ tới, ông Phạm Trung Giang mong Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức tiên phong trong kết nối, điều phối và dẫn dắt sự phát triển nhân lực ngành logistics, thông qua các hoạt động cụ thể như: Tăng cường hợp tác giữa cơ sở đào tạo - doanh nghiệp - địa phương; đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo nhu cầu nhân lực và phát triển kỹ năng mới gắn với chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Đồng thời, tham gia phản biện, tư vấn chính sách về giáo dục nghề nghiệp, chuẩn nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề quốc gia. Cùng với đó, mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận các mô hình đào tạo hiện đại, tiêu chuẩn quốc tế và chương trình trao đổi chuyên gia.
Yếu tố cốt lõi trong đào tạo logistics
Tiến sĩ Đặng Văn Huấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Báo cáo đào tạo logistics Việt Nam 2024 đã nêu rõ hoạt động đào tạo nhân lực logistics tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn cả ở các khía cạnh chính là: Chương trình, giảng viên, học liệu, kết nối doanh nghiệp và cơ chế chính sách quản lý.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội phát biểu
Nêu cụ thể, Tiến sĩ Đặng Văn Huấn cho hay, về chương trình đào tạo: Nhiều chương trình chưa cập nhật kịp thời với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ trong ngành logistics như e-logistics, trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản trị chuỗi cung ứng, hay các yêu cầu về ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đang ngày càng được nhấn mạnh trong các doanh nghiệp logistics có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, sự thiếu linh hoạt trong thiết kế môn học tích hợp, chưa chú trọng các kỹ năng phân tích dữ liệu, quản lý hệ thống số, cũng làm giảm năng lực thích ứng của người học với thị trường việc làm.
Về đội ngũ giảng viên vẫn là một điểm nghẽn đáng chú ý. Phần lớn giảng viên đang giảng dạy logistics hiện nay đến từ các ngành gần như kinh tế, thương mại, vận tải..., chưa có nền tảng đào tạo chuyên sâu về logistics từ đầu. Nhiều giảng viên có năng lực lý thuyết tốt nhưng thiếu trải nghiệm thực tiễn, dẫn đến khoảng cách trong việc truyền tải kiến thức ứng dụng.
Về học liệu và công nghệ, nguồn học liệu mở hiện vẫn thiếu hụt cả về số lượng lẫn chất lượng. Các tài liệu giảng dạy còn thiên về lý thuyết, thiếu các tình huống thực tế tại Việt Nam và chưa tích hợp tốt với các mô hình mô phỏng logistics.
Công cụ phần mềm chuyên ngành như TMS, WMS, ERP... tuy đã xuất hiện trong một số chương trình tiên tiến, nhưng chưa được triển khai phổ biến và sử dụng thường xuyên trong quá trình học tập và đánh giá năng lực thực hành của sinh viên.
Về kết nối với doanh nghiệp - vốn là yếu tố cốt lõi trong đào tạo logistics, song đa phần cơ sở đào tạo chưa xây dựng được cơ chế phối hợp dài hạn với doanh nghiệp. Việc đưa sinh viên đi thực tập ở một số cơ sở đào tạo vẫn mang tính chất tự phát, chưa có tiêu chuẩn đánh giá cụ thể.
Đồng thời, nhiều doanh nghiệp ngại tiếp nhận sinh viên thực tập vì không nhìn thấy lợi ích cụ thể, chưa có chính sách hỗ trợ và e ngại về thời gian, nhân lực hướng dẫn.
Về chính sách quản lý vĩ mô, hệ thống quản lý đào tạo logistics chưa có tính liên kết ngành; chưa có một tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia thống nhất, cũng như thiếu hệ thống đánh giá đầu ra chung cho ngành. Điều này dẫn tới khó khăn cho việc tạo ra mặt bằng năng lực chung cho người học khi bước vào thị trường lao động.
Để nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển ngành logistics của Việt Nam trong thời gian tới, Tiến sĩ Đặng Văn Huấn đề nghị cần tiếp tục phát huy vai trò của Hiệp hội trong phát triển nguồn nhân lực logistics trong đó nhấn mạnh đến các vai trò như: Hỗ trợ công tác nâng cao năng lực của giảng viên của các cơ sở đào tạo; hỗ trợ các trường về xây dựng, rà soát hoàn thiện chương trình đào tạo, công tác giáo trình, học liệu; tư vấn chính sách cho các cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo, sử dụng nhân lực ngành logistics.
Về phía các cơ sở đào tạo, cần chủ động cập nhật chương trình đào tạo theo chu kỳ 2 năm/lần, có tham khảo ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp và cựu sinh viên, trong đó chú trọng cập nhật các xu hướng mới như e-logistics, logistics số, trí tuệ nhân tạo (AI) trong chuỗi cung ứng, quản trị ESG và kinh tế tuần hoàn; tăng cường đầu tư phần mềm mô phỏng, dữ liệu ngành và bài toán thực tế sẽ giúp người học dễ tiếp cận thực tiễn hơn.
Đồng thời, mô hình “doanh nghiệp đồng hành - giảng viên song hành - sinh viên chủ động” cần được nhân rộng trong toàn bộ chu trình đào tạo, từ thiết kế học phần đến đánh giá đầu ra của các chương trình đào tạo.
Thông qua Hiệp hội, các trường cần tăng cường chia sẻ thông tin về chương trình đào tạo, công nhận tín chỉ, tài liệu, học liệu giảng dạy và các nền tảng số, cơ sở dữ liệu phục cho đào tạo, nghiên cứu ngành logistics.
“Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường phát triển hệ thống học liệu mở; các nền tảng MOOCs, làm cơ sở cho các cơ sở đào tạo chia sẻ tài nguyên mở phục vụ đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực logistics”- Tiến sĩ Đặng Văn Huấn nhấn mạnh.
Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam không chỉ tập trung vào đào tạo, kết nối về nhân lực mà cần tăng cường hơn nữa thực hiện chức năng phản biện, góp ý hoàn thiện chính sách cho trung ương và địa phương về logistics.
Mặt khác, cung cấp các chương trình đào tạo về logistics được chứng nhận bởi Hiệp hội, bao gồm: Chương trình phổ thông, cơ bản cho giảng viên, sinh viên; chương trình chất lượng cao cho vị trí quản lý doanh nghiệp, chương trình nâng cao năng lực trên diện rộng cho các doanh nghiệp, địa phương...
Theo báo cáo của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam, trong nhiệm kỳ qua, VALOMA đã tích cực hỗ trợ nâng cao năng lực của giảng viên như tổ chức 4 tọa đàm chuyên môn cho giảng viên; chủ trì tổ chức 3 khóa tập huấn kiến thức cho giảng viên giảng dạy logistics và quản lý chuỗi cung ứng; hỗ trợ các trường xây dựng, rà soát và hoàn thiện chương trình đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Ngoài ra, tổ chức kết nối doanh nghiệp với nhà trường, hỗ trợ các trường tổ chức tọa đàm; tổ chức và kết nối doanh nghiệp với chương trình đào tạo…
Với vai trò quan trọng của logistics trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân và nhân lực logistics là nhân tố then chốt, góp phần cho sự phát triển của ngành logistics, trong nhiệm kỳ II, Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao năng lực của giảng viên như tổ chức các khóa tập huấn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, các buổi chia sẻ qua nhiều hình thức đa dạng. Dự kiến mỗi năm tổ chức được 2 khóa tập huấn, 2 hội thảo/tọa đàm chuyên môn sâu.
Hiệp hội cũng tiếp tục hỗ trợ các trường về xây dựng, rà soát hoàn thiện chương trình đào tạo, kiểm định chương trình đào tạo, cải thiện nguồn học liệu về logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Thành lập tổ công tác để xúc tiến và bước đầu thực hiện trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên giữa các trường thành viên VALOMA. Đồng thời, chuẩn bị các yếu tố cần thiết để xây dựng khung/chuẩn chương trình đào tạo logistics và quản lý chuỗi cung ứng bậc đại học, sau đại học...
Tại Đại hội lần thứ II của Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam đã lựa chọn và bầu Ban Chấp hành Hiệp hội nhiệm kỳ II gồm 23 nhân sự, Ban Thường vụ gồm 8 nhân sự, Ban Kiểm tra gồm 5 nhân sự có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, trình độ và đạo đức, là những hạt nhân quan trọng để lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội đã đề ra, phục vụ chiến lược phát triển nhân lực logistics, góp phần đưa logistics trở thành ngành dịch vụ nền tảng, giá trị cao. PGS. TS. Nguyễn Thanh Chương, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Giao thông vận tải được bầu làm Chủ tịch VALOMA nhiệm kỳ 2025 - 2029.