Nhà cửa, ô tô không phải yếu tố quyết định chiêu mộ nhân tài KHCN

Việc thu hút nhân tài khoa học công nghệ (KHCN) là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.

Nhân tài KHCN là yếu tố quyết định

Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM... đang tích cực chiêu mộ nhân tài KHCN chất lượng cao để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Để thu hút nhân tài KHCN, các địa phương đang tập trung vào việc xây dựng môi trường làm việc, nghiên cứu và phát triển, cũng như các chính sách hỗ trợ, ưu đãi...

Thu hút nhân tài KHCN là chiến lược đầu tư dài hạn để mỗi địa phương phát triển, vươn lên trong kỷ nguyên mới.

Thu hút nhân tài KHCN là chiến lược đầu tư dài hạn để mỗi địa phương phát triển, vươn lên trong kỷ nguyên mới.

Song, mỗi địa phương lại có các chính sách chiến lược trong việc thu hút nhân tài KHCN khác nhau, tùy theo điều kiện phát triển từng vùng.

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong việc thu hút nhân lực công nghệ chất lượng cao, với nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi về lương, thưởng, cơ sở vật chất và môi trường làm việc.

Hà Nội là nơi tập trung nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các công ty công nghệ, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết: Hà Nội đang từng bước xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, lấy Khu công nghệ cao Hòa Lạc làm hạt nhân, kết nối hiệu quả giữa 5 nhà (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà đầu tư - nhà truyền thông).

Ngoài ra, TP.Hà Nội sẽ đầu tư mạnh vào hạ tầng KHCN như sàn giao dịch công nghệ, quỹ đầu tư mạo hiểm, mô hình thử nghiệm có kiểm soát.

Lãnh đạo TP.Hà Nội nhìn nhận con người vẫn là yếu tố quyết định trong cuộc cách mạng KHCN hiện nay. Dù có nhiều chính sách ưu đãi nhưng việc thu hút nhân tài KHCN chất lượng cao vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Nguyên nhân chủ yếu do chính sách chưa sát với nhu cầu của chuyên gia, còn tồn tại rào cản về thủ tục hành chính, nhập quốc tịch, sở hữu nhà ở, thị thực...

Vì vậy, TP.Hà Nội sẽ xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nhân lực về làm việc tại khu công nghệ cao. Dự thảo sẽ quy định cụ thể các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhân lực công nghệ cao và hoạt động đổi mới sáng tạo.

TP.HCM đang triển khai nhiều chính sách để thu hút và giữ chân nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực KHCN. Những chính sách này tập trung vào việc tạo môi trường làm việc hấp dẫn, đãi ngộ tốt và cơ hội phát triển nghề nghiệp, đặc biệt là cho đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.

TP.HCM cũng sẽ đẩy mạnh thu hút nhân tài KHCN thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Đơn cử vào ngày 22.7 vừa qua, ĐHQG TP.HCM và Công ty cổ phần Tập đoàn CT Group (CT Group) đã ký kết thỏa thuận hợp tác với tổng giá trị tài trợ lên đến 100 tỉ đồng trong 10 năm nhằm hướng đến hỗ trợ người học, thu hút nhân tài, phát triển nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao.

TP.HCM cũng sẽ hoàn thành cơ sở hạ tầng và vận hành các trung tâm ươm tạo, hỗ trợ tối thiểu 60 startup trong ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ số cốt lõi giai đoạn 2026-2030.

Đà Nẵngcũng đang tích cực chiêu mộ nhân tài toàn cầu để thúc đẩy sự phát triển của thành phố; triển khai nhiều giải pháp như xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, phát triển hạ tầng công nghệ, tạo cơ hội việc làm trong các lĩnh vực công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo (AI).

Đáng chú ý, TP.Đà Nẵng chú trọng gieo mầm tri thức cho tương lai. Điều này được thực hiện thông qua các trường đại học như Trường đại học Đà Nẵng tiên phong trong đào tạo vi mạch, Fintech, AI; đồng thời đổi mới toàn diện về chương trình, phương pháp và công cụ giáo dục về: CDIO, PBL, Blended Learning...

Việc đào tạo bám sát nhu cầu thực tiễn qua các dự án đối tác với doanh nghiệp và chính quyền. Các trường đại học ở Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh mô hình "học trong thực tiễn", gắn nghiên cứu với đào tạo, kết nối viện, trường, doanh nghiệp.

Để thu hút các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành, việc chú trọng đến tầm nhìn phát triển, những bài toán lớn và cơ chế hợp tác mở là điều cần thiết. Cơ sở vật chất nghiên cứu hiện đại cũng là điều kiện cần, nhưng quan trọng hơn là cơ chế hợp tác linh hoạt, sẵn sàng mở cửa với các viện, trường, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ở một khía cạnh khác, sự đãi ngộ là cần thiết, nhưng không phải yếu tố quyết định. Người giỏi sẽ đến nếu họ nhìn thấy cơ hội cống hiến thực chất và được làm việc trong một môi trường tôn trọng giá trị khoa học.

Có thể thấy, hệ thống cơ chế, chính sách phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo của các địa phương hiện nay về cơ bản đã khá đầy đủ. Vấn đề mấu chốt là cần triển khai nhanh, hiệu quả và đồng bộ.

Việt Nam đang đứng trước kỷ nguyên mới của sự phát triển, nơi tài nguyên con người là yếu tố quyết định.

Khi thể chế đủ mở, giáo dục đủ mạnh và con người đủ tầm, thì Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành hình mẫu công nghệ sáng tạo của khu vực.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nha-cua-o-to-khong-phai-yeu-to-quyet-dinh-chieu-mo-nhan-tai-khcn-235437.html