Giải 'bài toán' nợ đọng bảo hiểm xã hội
Những năm qua, tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2022, các doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn... còn nợ BHXH của hơn 213.000 người lao động với số tiền hơn 4.000 tỷ đồng. Cơ quan BHXH đánh giá, đây là số tiền gần như không thể thu hồi.
Đóng đến đâu tính đến đó là nguyên tắc tính hưởng BHXH. Bởi vậy, khi bị doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, người lao động chỉ có hai lựa chọn: Hoặc chốt sổ BHXH theo thời gian thực đóng, hoặc chờ đến khi cơ quan chức năng đòi được khoản nợ BHXH từ doanh nghiệp. Lựa chọn cách nào thì người lao động cũng thiệt thòi vì nếu chọn chốt sổ sẽ bị mất khoản tiền BHXH đã đóng nhưng doanh nghiệp đang chiếm dụng, nếu chờ đợi thì quyền lợi hưởng chế độ hưu trí, ốm đau, thai sản... sẽ bị “treo” không biết đến bao giờ.
Làm gì để giải quyết tình trạng này?
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất phương án trong trường hợp doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn... không thể thu hồi khoản nợ BHXH thì người lao động có thể đóng bù (thực chất là trả nợ thay doanh nghiệp) để được hưởng quyền lợi. Đề xuất này dường như mở ra một hướng giải quyết “bài toán” nợ đọng BHXH nhưng không nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia cũng như dư luận xã hội. Thật vậy, việc để xảy ra nợ đọng BHXH là trách nhiệm của các cơ quan chức năng nên không thể đổ hậu quả lên đầu người lao động. Hơn nữa, nếu để người lao động đóng bù thì đồng nghĩa với việc họ đã phải đóng BHXH tới hai lần (lần 1 bị doanh nghiệp chiếm dụng, lần 2 là trả nợ thay) chỉ để được hưởng quyền lợi lẽ ra đương nhiên thuộc về mình. Điều này tạo tiền lệ xấu và sẽ khiến người lao động suy giảm niềm tin, ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu mở rộng phạm vi bao phủ BHXH...
Mới đây, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã đề nghị BHXH Việt Nam báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội chủ trương xóa khoản nợ BHXH đối với hơn 213.000 người lao động nói trên từ nguồn kết dư của Quỹ BHXH. Đây là hướng giải quyết hợp lý, hợp tình, dư luận mong muốn sớm được hiện thực hóa để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong việc thụ hưởng chính sách BHXH.
Tất nhiên, biện pháp xóa nợ BHXH bằng các nguồn kinh phí hợp pháp chỉ là tình thế nhằm khắc phục hậu quả. Để giải quyết tận gốc tình trạng nợ đọng BHXH phải có các giải pháp căn cơ như tạo mọi điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; phát huy vai trò của các tổ chức, cơ quan chức năng, nhất là tổ chức công đoàn, cơ quan BHXH trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/giai-bai-toan-no-dong-bao-hiem-xa-hoi-779465