Giải bài toán 'thích ứng với Covid-19' bằng khoa học
Thời gian qua, các nhà khoa học Việt Nam đã rất nỗ lực, chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thực tiễn cũng như kết quả cho thấy, các nhà khoa học Việt Nam đủ năng lực nghiên cứu nhiều sinh phẩm, trang thiết bị phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 dựa trên những nghiên cứu rất cơ bản về dịch tễ học và virus học, trực tiếp là virus SARS-CoV-2. Chúng ta đã bước đầu nghiên cứu sản xuất thành công vaccine dự phòng và thuốc điều trị Covid-19.
Đội ngũ các nhà khoa học xã hội và nhân văn cũng vào cuộc nghiên cứu về lý luận và thực tiễn về tác động của đại dịch Covid-19 đến phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đề xuất các khuyến nghị chính sách nhằm giảm tác động tiêu cực của đại dịch, hướng tới phát triển bền vững.
Thực tiễn cho thấy, việc huy động tiềm lực của xã hội, nhất là từ doanh nghiệp vào thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đóng vai trò rất quan trọng. Hợp tác công - tư trong tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghệ có thể khai thác tốt tiềm năng của cả hai khu vực này. Nhiều nhiệm vụ nghiên cứu có sự phối hợp giữa các tổ chức khoa học và công nghệ cùng doanh nghiệp đã thành công như sản xuất: kit test, vật tư, vaccine, thuốc điều trị... Đây là kinh nghiệm cần được phát huy trong thời gian tới.
Tuy nhiên, quá trình triển khai các nhiệm vụ khoa học hiện nay đang gặp một số vấn đề cần giải quyết, nhằm tạo hành lang thông thoáng hơn để các nhà khoa học có cơ hội tốt tiếp cận nghiên cứu. Trước mắt, Bộ Y tế và các cơ quan liên quan cần rà soát, sửa đổi, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, ban hành văn bản để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà khoa học thử nghiệm lâm sàng kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y tế. Cắt giảm thủ tục hành chính trong việc tổ chức các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cũng cần được ưu tiên khi chống dịch được xác định như chống giặc. Bổ sung ngân sách nhiều hơn cho khoa học và công nghệ ngành y tế, nhất là nghiên cứu phòng, chống Covid-19...
Thời gian tới, ngành khoa học và công nghệ sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ phục vụ “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, cũng như tiếp tục xây dựng tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước nhằm đáp ứng việc phục vụ phòng, chống các đại dịch tương tự như Covid-19 trong tương lai. Trọng tâm là triển khai các nghiên cứu cơ bản về dịch tễ, virus học và tập trung thực hiện Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia: “Nghiên cứu sản xuất vaccine sử dụng cho người đến năm 2030”.
Cả nước bước sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Chính phủ đã đưa ra yêu cầu với các nhà khoa học và y tế triển khai nâng cao trình độ y tế cơ sở; xây dựng các kịch bản ứng xử trong mọi tình huống diễn biến của dịch.
Các nhà khoa học mong muốn, và đề nghị Bộ Y tế nên có những đặt hàng cụ thể để các đơn vị nghiên cứu, các nhà khoa học triển khai nhằm sớm có những thành quả phục vụ công tác phòng bệnh, chữa bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, tránh tình trạng nghiên cứu chồng chéo, lãng phí nguồn lực.