Giải bài toán thiếu nước ngọt ở vùng hạ của tỉnh Long An

Một số tỉnh thành phía Nam đã bước vào cao điểm mùa khô. Riêng tại Long An, một số địa phương đang đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.

Mùa khô 2022 dự liệu nhiều phức tạp

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho hay trong mùa khô năm 2021- 2022, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Công về hạ lưu khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 đến 20%. Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long dự liệu sẽ đến sớm và cao hơn. Tại tỉnh Long An, mực nước đầu nguồn sông Long An chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều, dù chưa gay gắt như mọi năm, nhưng xâm nhập mặn vùng cửa sông đang ở mức cao so với trung bình nhiều năm. Nhiều hộ dân sống xa khu dân cư tại các địa phương, như: Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành, Bến Lức, Thủ Thừa... có nguy cơ thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt.

Người dân lo lắng tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Người dân lo lắng tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Chị Trần Thị Bé Em, người dân xã Phước Vĩnh Tây, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An cho biết, tình trạng thiếu nước liên tục xảy ra vào cao điểm mùa khô; một số thời điểm nước máy, nước giếng bị nhiễm mặn, nồng độ phèn cao không thể ăn uống, kể cả tắm giặt buộc phải mua nước bình.

"Bà con dùng nước phản ảnh nhiều, nước lên phèn mà đục hơn. Bây giờ thiếu nước, mà nước thì lúc dùng được lúc không"- chị Trần Thị Bé Em nói.

Tình trạng này còn xuất hiện tại huyện Cần Đước, tỉnh Long An, hàng trăm hộ dân tại xã Long Hựu Đông và Long Hựu Tây đã kiến nghị chính quyền địa phương sớm hỗ trợ việc cung ứng nước ngọt để phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày.

"Nước ở đây nấu ăn không được, giặt đồ còn không lên bọt. Bà con tắm rửa bị ngứa, phải tắm lại nước mưa. Trời nắng nguồn nước bị vàng là bà con buộc phải mua nước lọc thùng về để uống và nấu ăn"- bà Tô Thị Hai, người dân xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước cho biết.

Không để dân thiếu nước sinh hoạt, sản xuất

Hiện chính quyền các địa phương, đặc biệt là vùng hạ tỉnh Long An đã chủ động triển khai nhiều giải pháp cấp bách, giải quyết tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất ngay trước khi bước vào cao điểm mùa khô và xâm nhập mặn được dự báo tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Ngoài việc tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông về tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn và các biện pháp chỉ đạo, ứng phó của các cấp chính quyền; tỉnh cũng khuyến cáo, vận động, hỗ trợ người dân chủ động trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian xảy ra khô hạn, xâm nhập mặn.

Các địa phương tại Long An vận động, hỗ trợ người dân chủ động trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian xảy ra hạn, xâm nhập mặn. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Các địa phương tại Long An vận động, hỗ trợ người dân chủ động trữ nước và sử dụng nước tiết kiệm trong thời gian xảy ra hạn, xâm nhập mặn. (Ảnh: Nguyễn Quang)

"Qua phản ảnh của người dân, chính quyền đã nắm tình hình và sẽ sớm làm việc với Công ty môi trường Cần Đước để bằng những giải pháp nghiệp vụ chủ động tăng thêm nguồn nước, cải tạo chất lượng nước, thực hiện đấu nối với công ty cung cấp nước Cầu Nổi để cung cấp cho người dân"- ông Đào Hữu Tấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết.

UBND tỉnh Long An đã yêu cầu các địa phương chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp trong giai đoạn mùa khô, nhất là tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ảnh hưởng đến sản xuất, dân sinh. Đến nay Long An đã gieo sạ trên 217.000 ha lúa Đông Xuân, bằng 98,4% so cùng kỳ năm 2021, trong đó thu hoạch trên 13.300ha, cùng hàng chục nghìn ha cây ăn trái, hoa màu...

Các địa phương ở Long An đã chủ động khoanh từng vùng, từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt để chỉ đạo, triển khai giải pháp ứng phó phù hợp. Trong đó tập trung ưu tiên nguồn nước để cấp nước sinh hoạt cho người dân, chăn nuôi gia súc và tưới cho cây trồng có giá trị kinh tế cao, với phương châm không để hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt.

Phát huy tối đa công năng các hệ thống thủy lợi để giữ, trữ nước ngọt phục vụ dân sinh, sản xuất. (Ảnh: Nguyễn Quang)

Phát huy tối đa công năng các hệ thống thủy lợi để giữ, trữ nước ngọt phục vụ dân sinh, sản xuất. (Ảnh: Nguyễn Quang)

"Chúng tôi cũng đã phối hợp với từng địa phương xác định những vùng có khả năng bị ảnh hưởng có giải pháp đắp đập tạm ngăn mặn. Nếu cần thiết thì lắp các trạm bơm dã chiến để bơm nước, trữ lại trong hệ thống nội đồng ở thời điểm triều kém để giải quyết tưới tiêu cho lúa, cây trồng... Đồng thời tuyên truyền người dân sử dụng nước tiết kiệm, bằng mọi giá phải trữ nước"- ông Huỳnh Văn Nam, Phó Chi Cục trưởng, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy Lợi tỉnh Long An cho biết thêm.

Do ảnh hưởng của triều cường đầu tháng Giêng Âm lịch kết hợp gió chướng mạnh, độ mặn trên các tuyến sông trên địa bàn tỉnh Long An gồm Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra, dao động ở mức 0,6 - 14,3 gam/lít, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 từ 0,4 - 3,5 gam/lít và chưa ảnh hưởng đến sản xuất. Tuy vậy, ngành chức năng cũng như người dân vẫn chủ động các biện pháp ứng phó, không chủ quan nhằm bảo vệ mùa màng, ổn định cuộc sống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do xâm nhập mặn, khô hạn gây ra./.

Vinh Quang/VOV-TPHCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giai-bai-toan-thieu-nuoc-ngot-o-vung-ha-cua-tinh-long-an-post925187.vov