Giải bài toán ùn tắc dịp lễ Tết
Tắc đường trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người dân vào mỗi dịp lễ, Tết. Nguyên nhân do lượng phương tiện vượt xa năng lực của hạ tầng giao thông.
Ngoài việc sớm đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình trọng điểm để tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng thì phương án phân luồng tổ chức giao thông hợp lý, nâng cao ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông cũng góp phần giảm tỏa ách tắc.
Chuyện kẹt xe, ùn tắc giao thông dịp lễ, Tết ở các khu vực, vùng miền trong cả nước dip lễ, tết như đã thành thông lệ, đến hẹn lại lên. Không khó để lý giải thực trạng này vì rằng với một lượng lớn người và xe cộ tăng đột biến trên một cửa ngõ, trên một tuyến đường thì là điều tất yếu.
Ở đây, ngoài yếu tố cơ sở hạ tầng, đường sá chưa được mở rộng, luôn chật hẹp còn thể hiện năng lực quản trị, điều hành của lực lượng chức năng và cả ý thức chấp hành hay sự tính toán của mỗi người khi tham gia giao thông trong dịp lễ, tết chưa được hợp lý cũng là nguyên nhân.
Lực lượng chức năng mà ở đây là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông; thêm nữa là các ban quản lý, điều hành, vận hành các tuyến đường cao tốc và đường có thu phí có chung trách nhiệm.
Cho dù ngay trước trong và sau Tết, các đơn vị này đều có kế hoạch tỉ mỉ, hướng dẫn, phân luồng; kiểm tra giám sát nhưng khi vào cuộc vẫn lúng túng trong từng tình huống cụ thể.
Đơn cử như tại cầu Mỹ Thuận hay một vài tuyến cao tốc ở phía Nam trong Tết Quý Mão vừa qua, chỉ cần một xe bị sự cố quay ngang là tê liệt toàn bộ tuyến đường có khi kéo dài từ sáng đến tối. Xe cứu hộ không có hoặc có thì làn đường khẩn cấp bị lấn chiếm không sao chạy lên được để kéo xe sự cố ra khỏi hiện trường, giải tỏa ách tắc.
Đó là chưa kể, lực lượng chức năng mỏng nên ở nhiều điểm nút, điễm ngẽn không có người hướng dẫn nên giao thông lập tức trở lên hỗn loạn.
Việc không có lực lượng chức năng điều tiết cũng dẫn đến đường 2 chiều, một bên thì kẹt cứng,một bên thì thông thoáng, nhưng không ai đủ thẩm quyền để mở thêm dải phân cách mềm cho xe lưu thông tạm thời ở bên kia để giải tỏa ách tắc.
Đây là một thực tế rất cần được xem xét, giải quyết trong tình huống kẹt xe kéo dài, khẩn cấp và nghiêm trọng.
Vấn đề này cũng diễn ra tương tự ở các trạm thu phí BOT. Thủ tục xả trạm mỗi khi bị kẹt xe không thể do một mình Ban quản lý quyết định ngay được cũng khiến cho tình trạng ùn tắc kéo dài.
Về phía người tham gia giao thông, dù biết rằng đi lại trong dịp Tết là căng thẳng, kẹt xe, ùn ứ nhưng vẫn không chủ động theo dõi tình hình diễn biến giao thông để đưa ra quyết định lộ trình phù hợp với thực tế.
Trong khi các lộ trình thay thế đã được cơ quan chức năng hướng dẫn từ xa và từ sớm cách đó vài ngày qua các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí cũng như các kênh khác nhau. Hậu quả là đa số đi theo đường quen, lối cũ nên xe càng tập trung dồn về một tuyến, một cửa ngõ nên tắc đường là hiển nhiên, không tránh khỏi.
Điều đáng nói là ý thức tuân thủ luật giao thông của một bộ phận lái xe còn kém; phóng nhanh, vượt ẩu; không nhường nhịn vẫn diễn ra phổ biến. Lấn cả vào đường khẩn cấp, khiến xe cứu thương đi vào cũng vô vọng không thoát ra được.
Rồi vấn đề bảo trì, bảo dưỡng xem xét xe cộ một cách kỹ càng trước khi lưu thông trên quãng đường dài cũng bị bỏ qua; các lỗi sơ đẳng như xe hết xăng, xe chết máy giữa đường xảy ra liên tục khiến toàn tuyến lưu thông bị ách tắc vì sự chủ quan, sơ suất của người lái xe.
Rõ ràng, tham gia giao thông nếu chỉ cần thiếu ý thức, sơ sẩy, không chỉ làm ách tắc lưu thông trong dịp lễ tết, ngày thường mà còn gây nguy hại đến tính mạng bản thân và người khác; điều này rất nên tránh.
Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, ngoài các giải pháp mềm, khắc phục các hạn chế đã kể ở trên thì vấn đề hướng các nguồn lực, nguồn vốn thúc đẩy nhanh tiến độ mở rộng đường sá, làm thêm cầu cống; khai mở các nút thắt, điểm nghẽn giao thông là đặc biệt cần thiết.
Đừng để cứ mỗi dịp lễ, tết bài toàn tắc đường, kẹt xe trở thành nỗi ám ảnh đến hẹn lại lên./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giai-bai-toan-un-tac-dip-le-tet-post999975.vov