Giải 'bài toán' xuất khẩu thủy sản
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024 mang lại những tín hiệu tăng trưởng vượt mức kế hoạch của năm.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, hệ lụy của thiên tai, bão lũ ảnh hưởng đến việc nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản... là rào cản lớn cho mục tiêu xuất khẩu của ngành thủy sản trong nước.
Tín hiệu đáng mừng
Dù đối diện với tình hình khó khăn chung từ thế giới, khu vực, song xuất khẩu thủy sản Việt Nam 8 tháng đầu năm 2024 mang lại những tín hiệu tăng trưởng vượt mức kế hoạch của năm.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ.
Bức tranh sáng về xuất khẩu thủy sản các ngành hàng có giá trị lên tới hàng tỷ USD, trong đó, xuất khẩu tôm đạt hơn 2,4 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2023. Riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 404 triệu USD, tăng tới 20%, mức tăng cao nhất từ đầu năm.
Nhận định về sự phục hồi và tăng trưởng này, nguyên nhân chính là xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc và châu Âu (EU).
Ông Nhữ Văn Cẩn - Phó Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, các thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt Nam cũng liên tục phát đi tín hiệu vui, hứa hẹn cơ hội mới cho thủy sản.
Điển hình là thông tin về cuộc điều tra chống bán phá giá đối với cá tra từ Bộ Thương mại Mỹ (DOC) kết luận doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam không vi phạm. Điều này giúp doanh nghiệp tránh được thuế chống bán phá giá.
Phó Cục trưởng Cục Thủy sản nhận định, đây là bước ngoặt quan trọng sau hai thập kỷ ngành thủy sản Việt Nam đối mặt với các rào cản thương mại từ thị trường Mỹ. Ngay sau những thông tin này, các đơn hàng xuất khẩu cá tra sang Mỹ liên tục tăng và đạt 35 triệu USD trong 8 tháng đầu năm, tăng đến 40% so với cùng kỳ.
Ghi nhận tại thị trường Mỹ, xuất khẩu tôm đã tăng 21% trong tháng 8 khi nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi tạo đà thúc đẩy nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng.
Tại Trung Quốc, xuất khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 8 tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, một phần là nhờ Ecuador - đối thủ cạnh tranh chính gặp vấn đề về kiểm dịch và chất lượng sản phẩm.
Cùng với những tín hiệu trên, vừa qua Ủy ban châu Âu phát tín hiệu tích cực về gỡ “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam. Điều này củng cố uy tín và niềm tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới.
Tuy nhiên, bên cạnh sự tăng trưởng nhìn thấy, rào cản về vấn đề nguyên liệu cho xuất khẩu đang là “bài toán” khó đặt ra cho ngành thủy sản. Đó là những khó khăn đến từ giá nguyên liệu tăng cao, hệ lụy từ thiên tai ảnh hưởng đến việc nuôi trồng, đánh bắt thủy sản…
Những rào cản
Theo thống kê từ Cục Thủy sản, về nuôi trồng thủy sản, nuôi biển có khoảng 9,2 triệu m3 lồng và 55ha nuôi nhuyễn thể; nuôi thủy sản nước lợ với diện tích 674,5 nghìn ha, tăng 1,1% so với cùng kỳ (tôm nước lợ, tôm sú, tôm thẻ chân trắng)...
Lũy kế 8 tháng năm 2024, sản lượng thủy sản ước đạt 6.090,1 nghìn tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 3.446,5 nghìn tấn, tăng 4%; sản lượng thủy sản khai thác ước đạt 2.643,6 nghìn tấn, tăng 0,9%.
Theo VASEP, giá trị xuất khẩu cá ngừ tính tới cuối tháng 8/2024 đạt 652 triệu USD, tăng tới 21% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, trong những tháng tới, xuất khẩu cá ngừ khó giữ được đà tăng trưởng tốt như từ đầu năm tới nay vì thiếu nguyên liệu.
Lý giải về điều này, đại diện một doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ cho biết: “Những quy định, tiêu chuẩn, kích cỡ cá được đặt ra nhằm quản lý tình trạng đánh bắt quá mức. Quy định này khiến doanh nghiệp khó khăn về vấn đề mua được cá ngừ theo đúng quy định kích thước, dẫn đến không có đủ nguyên liệu để sản xuất cá ngừ hộp phục vụ cho xuất khẩu”.
Ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết: Sản lượng nuôi trồng, đánh bắt thời gian qua tăng, song do chi phí, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, dẫn đến những thách thức nhất định đối với nguyên liệu cho xuất khẩu.
Ví dụ thực tế cho thấy, hiện nay giá tôm nguyên liệu có xu hướng tăng 10 - 20% so với cùng kỳ. Thế nhưng, tình hình bão, lũ gây thiệt hại lớn đến các vùng nuôi thủy, hải sản ở khu vực phía Bắc, đặc biệt là tại tỉnh Quảng Ninh, TP Hải Phòng… Bên cạnh đó, dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất nuôi trồng thủy, hải sản trên phạm vi cả nước.
Đề cập đến giải pháp gỡ khó đối với nguồn nguyên liệu thủy sản, Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, cục tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp theo Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống IUU, chỉ đạo của Chính phủ để sớm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu; đảm bảo nguồn gốc, chất lượng của sản phẩm trước khi xuất khẩu đến thị trường; đồng thời có giải pháp để tăng sản lượng thủy sản từ nuôi biển; hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng bởi bão lũ sớm khôi phục sản xuất. Cục Thủy sản ủng hộ sự nỗ lực to lớn từ các hiệp hội, doanh nghiệp ngành thủy sản để đồng lòng chung sức vượt qua thách thức.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cũng đưa ra phân tích, trong bối cảnh toàn cầu đầy biến động, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tối đa các cơ hội từ các chương trình thương mại và đấu thầu quốc tế.
VASEP cho biết, sẽ không ngừng phát triển, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu.
Ngoài những nỗ lực từ phía doanh nghiệp, người dân, chính sách hỗ trợ về vốn vay ngân hàng, chính sách của địa phương là một trong những yếu tố then chốt giúp ngành thủy sản đứng vững trước thách thức, biến động của thị trường.
“8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ, đây là những con số cho thấy ngành thủy sản Việt Nam đang hồi sinh sau thời kỳ khó khăn; đồng thời cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc khôi phục sản xuất”, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-bai-toan-xuat-khau-thuy-san-post702956.html