Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm
Hôm nay, ngày 8/6, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức Tọa đàm trực tuyến Giải Báo chí toàn quốc Phòng, chống tham nhũng tiêu cực lần thứ 4, năm 2022 – 2023 với chủ đề: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm.
Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thắp lên ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa cống hiến của những người làm báo. Ngọn lửa ấy được nuôi dưỡng, vun đắp trong quá trình làm nghề và mỗi dịp trao giải càng làm vẻ vang thêm truyền thống của báo chí nước nhà để rồi những người làm báo luôn cảm thấy tự hào về một “hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm” của mình trong cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.
Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, “không ngừng, không nghỉ” và đã đạt được những dấu ấn quan trọng. Những kết quả này đã tạo bước đột phá, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân, đồng thời có tác dụng phòng ngừa, răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng, vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Với nhận thức sâu sắc đó, ngay từ năm 2017, Chương trình hành động của MTTQ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã được đề cập cụ thể từ Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ VI, khóa VIII.
Tại hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, năm 2017 và những năm tiếp theo, UBTƯ MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên cùng với toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, toàn dân triển khai hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 nhằm nâng cao hệ thống chính trị, khắc phục suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và tự diễn biến trong nội bộ. “Mặt trận cần phát huy vai trò tích cực trong tham gia kiểm soát quyền lực, giám sát để quản lý xã hội công khai, minh bạch. Mặt trận phải là nơi để người dân có thể phản ánh, tố giác tội phạm, tham nhũng, tố giác cán bộ có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định.
Từ quan điểm quyết liệt của Tổng Bí thư: Nếu chỉ có Đảng, Chính phủ triển khai Nghị quyết Trung ương 4 thì không thể thành công, Mặt trận và nhân dân, báo chí phải vào cuộc, Mặt trận phải sử dụng, phát huy thế mạnh của báo chí và Mặt trận phải làm cho sức mạnh đó tốt hơn nữa. Ngay tại Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ VI, khóa VIII, MTTQ Việt Nam đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” nay là Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Đến nay, qua 4 lần phát động, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tạo được sự quan tâm và tham gia tích cực của các phóng viên cơ quan báo chí và nhân dân, góp phần quan trọng vào kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước. Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thắp lên ngọn lửa chiến đấu, ngọn lửa cống hiến của những người làm báo. Ngọn lửa ấy được nuôi dưỡng, vun đắp trong quá trình làm nghề và mỗi dịp trao giải lại càng làm vẻ vang thêm truyền thống của báo chí nước nhà để rồi những người làm báo sẽ luôn cảm thấy tự hào về một “hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm” của mình trong cuộc đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực.
Chia sẻ về quá trình tác nghiệp, nhóm tác giả Nguyễn Huy Nam, Lại Thị Hoa (Đài tiếng nói Việt Nam - VOV) - Nhóm tác giả đoạt Giải A, Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021 cho biết, từ những sai phạm trong đầu tư, quản lý kinh tế tại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thời gian qua như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty viễn thông Mobifone... đã làm thiệt hại, thất thoát của nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, nhóm đã thực hiện loạt bài “Cấp ủy ở đâu, khi để xảy ra các đại án tham nhũng kinh tế”, phát trên Kênh VOV1.
Theo nhà báo Lại Thị Hoa, từ tìm hiểu thực tế, nhóm tác giả đã nhận thấy những sai phạm tại một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước thời gian qua có trách nhiệm lớn của tổ chức đảng trong các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước khi chưa hoàn thành sứ mệnh được giao. Ở những cơ quan, đơn vị này, vai trò Đảng lãnh đạo toàn diện đã không được chấp hành, thực hiện một cách nghiêm túc, đầy đủ, dẫn đến hoạt động của tổ chức đảng mờ nhạt, yếu kém, thậm chí tê liệt, mất sức chiến đấu.
Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, đã thu hút hơn 100 cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương tham gia với 1.181 tác phẩm dự thi, có 45 tác phẩm báo chí của 4 thể loại đoạt Giải. Trong đó, lần đầu tiên có một tác phẩm đoạt Giải Đặc biệt, vinh dự được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trao giải thưởng. Trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19, kết quả đạt được rất đáng trân trọng, thể hiện sự quan tâm, lòng nhiệt huyết và trách nhiệm nghề nghiệp của các nhà báo đối với công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Mỗi tác phẩm dự thi nhất là các tác phẩm đoạt Giải là kết tinh của tinh thần quả cảm, sự lao động miệt mài, sáng tạo, nghiêm túc, thấm đẫm mồ hôi, công sức của các nhà báo.
Phát biểu tại lễ trao Giải Báo chí toàn quốc phòng chống, tham nhũng, tiêu cực lần thứ ba, năm 2020 - 2021, ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ghi nhận và biểu dương Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức Giải báo chí toàn quốc với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, nhạy cảm bởi hành vi, thủ đoạn tham nhũng, tiêu cực ngày càng tinh vi, phức tạp. Vì vậy đòi hỏi công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải kiên quyết, với quyết tâm chính trị cao hơn; sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ hơn của cả hệ thống chính trị, trong đó các cơ quan báo chí và các nhà báo là một trong những lực lượng xung kích, tiên phong. Trong thời gian tới, theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, cần quán triệt sâu sắc phương châm lấy “xây để chống”, lấy “tích cực dẹp tiêu cực”, cùng với việc kịp thời phát hiện, đấu tranh kiên quyết với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, qua hoạt động của báo chí cần chú ý phát hiện những quy định hiện hành còn bất cập, có kẽ hở dễ phát sinh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung nhằm ngăn chặn hiệu quả hơn nữa các hành vi tham nhũng, tiêu cực từ gốc, từ khi mới manh nha.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến đề nghị, Ban Tổ chức Giải cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, có biện pháp phù hợp, bảo vệ các nhà báo, người đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khi có yêu cầu để các nhà báo yên tâm tác nghiệp, sáng tạo các tác phẩm có giá trị vững niềm tin “chính nghĩa thắng gian tà” như cụ Đồ Chiểu đã nói: “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến tin tưởng, Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thu hút được đông đảo các nhà báo tham gia, trở thành một giải báo chí chuyên đề đặc biệt; sẽ có nhiều tác phẩm báo chí giá trị, góp phần quan trọng cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, tiêu cực; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; Huy động được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Báo Đại Đoàn Kết tổ chức tọa đàm trực tuyến:
Giải Báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4, năm 2022-2023
Nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lần thứ 4, hôm nay 8/6, Báo Đại Đoàn Kết tổ chức buổi Tọa đàm trực tuyến: Giải báo chí toàn quốc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Hành trình không ngừng nghỉ, không vùng cấm.
Chủ trì tọa đàm: Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng – Trưởng ban Tổ chức giải
Tổ chức thực hiện: Nhà báo Lê Anh Đạt – Quyền Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết
Với sự tham gia của các khách mời:
- Ông Vũ Văn Tiến – Trưởng ban Tuyên giáo UBTƯ MTTQ Việt Nam
- Bà Đỗ Thu Hằng – Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam
- Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (Báo Điện tử Dân Việt)