Giải báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch': Chất và lượng vượt mong đợi
Sáng 30/8, tại Hà Nội, Hội đồng chấm chung khảo Giải Báo chí toàn quốc 'Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch' lần thứ nhất năm 2023 đã họp vòng chấm chung khảo, bỏ phiếu và xét trao giải.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ nhất được phát động vào ngày 26/12/2022. Kể từ ngày phát động, giải đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các nhà báo, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam trong cả nước.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho biết về công tác thu nhận tác phẩm và chấm sơ khảo Giải, đến hết ngày gia hạn gửi tác phẩm dự thi, Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp nhận được tổng số 1.084 tác phẩm dự giải. Đây là số lượng tác phẩm lớn, nhất là đối với một giải báo chí ngành tổ chức trong năm đầu tiên. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của các nhà báo và công chúng báo chí đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Tiểu ban Thư ký – Tổng hợp đã tiến hành rà soát, sàng lọc và loại 51 tác phẩm vi phạm yêu cầu của Thể lệ giải. Hội đồng sơ khảo được thành lập gồm 5 tiểu ban: Báo in, Báo điện tử, Phát thanh, Truyền hình và Báo ảnh để chấm 1.033 tác phẩm hợp lệ. Kết quả, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 131 tác phẩm xuất sắc nhất trình Hội đồng chung khảo.
Vòng chấm sơ khảo diễn ra từ ngày 25/7 đến ngày 14/8/2023. Căn cứ Quy chế chấm giải, các tiểu ban Hội đồng sơ khảo đã tiến hành thẩm định độc lập, khách quan, minh bạch, và thảo luận tập trung, kỹ lưỡng, công tâm để lựa chọn ra những tác phẩm báo chí nổi bật nhất vào vòng chung khảo. Quá trình chấm sơ khảo được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, chặt chẽ, đúng Thể lệ và Quy chế chấm giải.
Sau 3 tuần thẩm định, thảo luận và chấm tác phẩm, Hội đồng sơ khảo đã lựa chọn được 131 tác phẩm xuất sắc nhất trình Hội đồng chung khảo, phân bổ theo loại hình báo chí như sau: Báo in chọn 35 tác phẩm, Báo điện tử chọn 30 tác phẩm; Phát thanh chọn 20 tác phẩm; Truyền hình chọn 30 tác phẩm; Báo ảnh chọn 16 tác phẩm.
Theo đánh giá của Hội đồng sơ khảo, tác phẩm dự Giải không chỉ nhiều về số lượng, đa dạng về đề tài, mà còn đạt chất lượng chuyên môn tốt, quy tụ được nhiều cơ quan báo chí lớn, nhỏ ở cả Trung ương và địa phương.
Các tác phẩm đều bám sát các chủ đề lớn, phản ánh đậm nét các sự kiện quan trọng của năm 2022 – 2023 trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Một số mảng đề tài nổi bật được nhiều nhóm tác giả quan tâm, khai thác như: Các chính sách, vấn đề lớn về trấn hưng văn hóa, phát triển văn hóa đất nước, khơi dậy những giá trị cao quý, thiêng liêng của người Việt; kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam. Các chính sách trong công tác nhà nước về di sản; các vấn đề về gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa quốc gia, di sản văn hóa vùng miền như: ngôn ngữ tiếng Việt, tà áo dài Việt Nam, văn thơ cung đình Huế, hát then, xòe Thái, Lượn Slương, dân ca, đờn ca tài tử…
Các tấm gương trong thể thao thành tích cao, thể thao quần chúng, thể thao cho người khuyết tật. Chính sách khôi phục và phát triển du lịch tại các địa phương sau đại dịch COVID-19. Phê phán các thói hư, tật xấu, phân tích mặt trái của mạng xã hội trong các vấn đề về văn hóa, gia đình và ứng xử. Chỉ ra khó khăn, vướng mắc, bất cập trong các mặt của công tác văn hóa, thể thao, du lịch, gia đình, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, kêu gọi toàn xã hội chung tay giải quyết v.v..
Báo in là loại hình báo chí có số lượng tác phẩm gửi dự thi lớn nhất. Tác phẩm dự thi thuộc nhiều cơ quan báo chí, không chỉ tập trung ở báo chí Trung ương mà có cả báo chí địa phương, báo chí bộ, ngành.
Loại hình Báo điện tử có số lượng tác phẩm tham gia dự thi lớn thứ 2 sau Báo in. So với số lượng của các giải bộ, ngành khác và trong phạm vi báo điện tử đây là con số khá lớn, chứng tỏ Giải Báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tuy tổ chức lần đầu tiên nhưng đã có sức thu hút, sự quan tâm của các nhà báo, phóng viên.
Các tác phẩm phản ánh đa dạng, phong phú. Chất lượng thông tin khá đồng đều giữa báo lớn, báo nhỏ, báo địa phương và báo Trung ương. Các tác phẩm phần nào đã khái quát được bức tranh về văn hóa, thể thao, du lịch trong một năm qua, tập trung vào một số vấn đề đang được Đảng, Nhà nước cũng như bạn đọc quan tâm như: 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam; Xây dựng hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới; Thách thức và cơ hội trong phát triển văn hóa và bảo tồn di sản… Nhiều tác phẩm có góc nhìn, cách khai thác những vấn đề bảo tồn và phát triển di sản mới mẻ và hấp dẫn.
Nhiều tác phẩm có sự đầu tư công phu cả về nội dung lẫn hình thức, thể hiện được đặc trưng và thế mạnh của báo điện tử. Nhiều tác phẩm không chỉ đặt vấn đề mà còn đề ra giải pháp, đi đến tận cùng của vấn đề. Nhiều tác phẩm phản ánh những mô hình hay, giải pháp sáng tác tạo, đáng được tham khảo.
Nhiều tác phẩm dự thi có hình thức hấp dẫn như longform, mega story, E- magazine… thể hiện sự đầu tư của các tòa soạn báo với mỗi tác phẩm khi gửi đến bạn đọc.
Tác phẩm dự thi ở loại hình phát thanh – truyền hình mặc dù là năm đầu tiên nhưng có số lượng rất lớn so với các giải báo chí khác. Ảnh báo chí cũng có số lượng tác phẩm tham dự ở mức cao, nếu so sánh với các giải báo chí bộ, ngành khác. Đề tài của các bộ ảnh khá đa dạng, phản ánh nhiều mặt, nhiều góc gạnh của đời sống văn hóa tinh thần, văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người Việt.
Ông Lê Quốc Minh-Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo Giải cho biết, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước nhấn mạnh về vấn đề văn hóa việc ra đời Giải là hết sức cần thiết. Ngay trong lần tổ chức đầu tiên đã có hơn 1.000 tác phẩm tham dự, chúng tôi đánh giá là thành công đối với một giải ngành lần đầu tổ chức.
“Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm của các cơ quan báo chí dành cho Giải. Các tác phẩm đã phản ánh rộng khắp nhiều vấn đề, từ những vấn đề vĩ mô về các chính sách của Đảng và Nhà nước, về Đề cương Văn hóa, những tầm nhìn lớn về văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam…Tuy nhiên Giải mới chỉ thu hút số lượng lớn các cơ quan báo chí Trung ương tham gia, các cơ quan báo chí địa phương tham gia chưa nhiều lắm. Tuy số lượng tác phẩm khá lớn nhưng chỉ tập trung vào một số đơn vị. Vì vậy, trong kỳ tới sự tham gia của các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương cần rộng khắp hơn”, ông Lê Quốc Minh đánh giá.
Theo ông Lê Quốc Minh, lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch rất thú vị, có nhiều chất liệu hay nhưng mức độ khai thác của các tác phẩm lần này chưa tương xứng hết với những chất liệu tuyệt vời mà cuộc sống mang lại. Ví dụ trong lĩnh vực ảnh chất lượng phải tốt hơn nhiều, vì văn hóa, thể thao, du lịch có quá nhiều khoảnh khắc ấn tượng nhưng chúng ta chưa nắm bắt được những khoảnh khắc đẹp như vậy.
Ông Lê Quốc Minh kỳ vọng: “Đây cũng là giải đầu tiên nên với kết quả tốt đẹp lần này cùng những thực tế đa dạng, sinh động, biến đổi trong cuộc sống sẽ là chất liệu quan trọng của các cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương đều có thể tìm ra cho mình những góc nhìn, quan điểm, định hướng để có những tuyến bài, hình ảnh đẹp hơn phản ánh đúng những gì đang diễn ra trên đất nước chúng ta và phản ánh đúng định hướng của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch”.
Sau khi bỏ phiếu, Hội đồng Chung khảo đã thống nhất sẽ trao giải thưởng ở các loại hình gồm: Báo in có 1 Giải A, 3 Giải B, 5 Giải C và 12 Giải Khuyến khích
Điện tử có 1 Giải A, 3 Giải B, 5 Giải C và 11 Giải Khuyến khích
Phát thanh có 1 Giải A, 3 Giải B, 5 Giải C và 10 Giải Khuyến khích
Truyền hình có 1 Giải A, 3 Giải B, 5 Giải C và 10 Giải Khuyến khích
Loại hình Báo Ảnh có 1 Giải A, 3 Giải B, 5 Giải C, 7 Giải Khuyến khích
Ngoài ra, Giải tập thể được trao cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự Giải, đạt kết quả cao.
Dự kiến, Lễ trao Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” sẽ diễn ra tối 13/9/2023 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nguồn:https://baochinhphu.vn/giai-bao-chi-toan-quoc-vi-su-nghiep-phat-trien-van-hoa-the-thao-va-du-lich-chat-va-luong-vuot-mong-doi-102230830170504009.htm