Giải cơn 'khát' thiếu thuốc

Theo Nghị định 84/2024/NĐ-CP về thí điểm phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền TPHCM, trong lĩnh vực y tế, TPHCM được phân cấp quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh đối với một số nhóm thuốc theo quy định cho các cơ sở khám bệnh chữa bệnh thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với sự phân cấp này, thành phố sẽ chủ động hơn trong việc nhập khẩu thuốc cho nhu cầu điều trị đặc biệt của các cơ sở y tế trên địa bàn, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng chống dịch bệnh và các nhu cầu khẩn cấp khác, nhất là đối với các thuốc hiếm, thuốc chuyên khoa đặc trị. Đây là tín hiệu đáng mừng của ngành y tế trước bối cảnh tình trạng thiếu thuốc đã tồn tại dai dẳng tại các cơ sở y tế thời gian qua nay bỗng được “tiếp lửa”.

Cách đây hơn một năm, hoạt động khám chữa bệnh tại nhiều cơ sở y tế rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng do thiếu thuốc và vật tư y tế. Sau hàng loạt giải pháp, quyết sách của Chính phủ và các bộ ngành, các bệnh viện phần nào được tháo gỡ những nút thắt trong đấu thầu, mua sắm thuốc và vật tư y tế. Nhiều quy định của pháp luật về đấu thầu thuốc, vật tư, thiết bị y tế đã được ban hành kịp thời, đầy đủ, thống nhất và đồng bộ…

Tuy nhiên, đến nay vấn đề này chưa được giải quyết một cách rốt ráo, triệt để. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế vẫn tồn tại, các cơ sở chưa lên tiếng có thể vì nhiều lý do, hoặc tâm lý ngại “vạch áo cho người xem lưng”, khiến nhiều bệnh viện hiện vẫn đang hoạt động cầm chừng và tình trạng người bệnh phải tự ra ngoài mua thuốc, kim tiêm, dây truyền dịch vẫn tái diễn.

Thực tế, trong khi nhiều địa phương để thiếu thuốc và vật tư y tế trầm trọng, vẫn có một số địa phương không thiếu hàng hóa y tế. Điều này chứng tỏ họ đã vận dụng tốt văn bản chính sách vào thực tiễn để đấu thầu mua sắm.

Tại TPHCM, tình trạng thiếu thuốc cơ bản đã được khắc phục, khi ngành y tế thành phố vận dụng triệt để các văn bản quy định về đấu thầu, giao cho các bệnh viện đảm bảo năng lực, kinh nghiệm để làm bên mời thầu và huy động nhân lực của ngành y tế tham gia hỗ trợ trong công tác lựa chọn nhà thầu. Chia sẻ tín hiệu lạc quan này, người đứng đầu ngành y tế TPHCM cho biết, các bệnh viện đang khẩn trương thực hiện và dự kiến đến tháng 9-2024, sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu để bắt đầu cung ứng thuốc cho trung tâm y tế, trạm y tế.

Công tác cung ứng thuốc cho hệ thống khám chữa bệnh trên địa bàn cũng được Sở Y tế TPHCM đặc biệt quan tâm. Để nắm bắt tình hình cung ứng thuốc, sở đã thành lập tổ công tác hỗ trợ trong mua sắm, điều phối thuốc. Hàng tuần, tổ công tác sẽ tiếp nhận thông tin về cung ứng thuốc của các cơ sở y tế để kịp thời hỗ trợ. Đối với các thuốc hiếm, đơn vị liên hệ với Bộ Y tế để có biện pháp hỗ trợ.

Trong thời gian qua, Sở Y tế đã báo cáo Cục Quản lý dược và kịp thời nhập khẩu thuốc hiếm để đáp ứng nhu cầu điều trị và một số thuốc cũng đã hoàn tất thủ tục cấp phép và đang được tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam trong thời gian tới.

Mặc dù việc “lấp khoảng trống” trong thiếu thuốc tại các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố cơ bản đã được tháo gỡ, tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Về lâu dài, để bảo đảm thuốc, vật tư y tế, thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh, các cơ sở y tế thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người có thẩm quyền, trách nhiệm của chủ đầu tư, bên mời thầu trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, bảo đảm đủ thuốc, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan khác phục vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Đồng thời, đẩy mạnh và quản lý chặt việc tổ chức mua sắm, đấu thầu thuốc, vật tư, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh lãng phí; chịu trách nhiệm nếu để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế và các dịch vụ liên quan tại các cơ sở y tế thuộc quyền quản lý. Và điều cấp thiết hiện nay là Bộ Y tế, Bộ KH-ĐT đẩy nhanh tiến độ ra các thông tư hướng dẫn để bệnh viện “trông vào”, làm cơ sở thầu.

THÀNH AN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giai-con-khat-thieu-thuoc-post750709.html