'Giải cứu' Bến xe Miền Đông mới

Nhiều giải pháp sẽ được tiến hành trong thời gian tới để Bến xe Miền Đông mới sớm thoát cảnh đìu hiu, lãng phí

Những ngày này, đến Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới tại TP Thủ Đức (TP HCM) để ghi nhận, vẫn thấy bên trong nhà ga chỉ có vài nhân viên hướng dẫn và bảo vệ bến túc trực. Riêng khu vực bán vé xe và ghế chờ gần như không có khách. Khung cảnh trống vắng, khác hẳn với không khí nhộn nhịp thường thấy ở một bến xe.

Chịu không thấu nên đành bỏ bến

Một nhân viên ở BXMĐ mới cho biết từ ngày đi vào hoạt động (gần 2 năm), lúc đông khách nhất bến chỉ đạt 700-800 khách/ngày, còn những ngày sau dịch, khách càng giảm, chỉ còn 60-70 khách/ngày. Do khách giảm, các nhà xe hoạt động trong bến cũng giảm theo, số xe trong bãi chỉ còn lác đác vài chiếc.

Bến xe Miền Đông mới chỉ lác đác vài xe ở bãi, khung cảnh này khác hẳn với không khí nhộn nhịp thường thấy ở một bến xe

Bến xe Miền Đông mới chỉ lác đác vài xe ở bãi, khung cảnh này khác hẳn với không khí nhộn nhịp thường thấy ở một bến xe

Là doanh nghiệp di dời từ BXMĐ cũ (quận Bình Thạnh, TP HCM) ra bến xe mới, bà Nguyễn Thị Kiều Sương, Phó Giám đốc điều hành HTX Trung Nam, nói HTX có 2 tuyến phải di dời theo giai đoạn 1 là tuyến Sài Gòn - Hà Nội và Sài Gòn - Thanh Hóa. Theo bà Sương, lúc ở bến xe cũ, HTX có khoảng 50-60 xe hoạt động nhưng từ khi dời ra bến mới chỉ còn hơn 20 xe hoạt động, giảm 80%-90% số chuyến, mỗi chuyến khách giảm 60%-70%, có ngày không có chuyến nào xuất bến.

Theo bà Sương, các xã viên rất khó khăn do không có khách, không có hàng hóa nhưng vẫn phải "gồng" để hoạt động cầm chừng. "Thế nhưng đến nay, có một số xã viên chịu không thấu nên đã xin chuyển qua bến xe khác như Bến xe Ngã tư Ga, Bến xe An Sương để hoạt động. Qua bến mới, khách cũng tăng nhẹ do dễ tiếp cận nhà xe hơn" - bà Sương cho hay và nhấn mạnh nếu tình trạng ế ẩm ở BXMĐ mới kéo dài, khả năng sẽ có thêm nhiều xã viên chuyển qua bến khác hoạt động.

Đại diện HTX Sài Gòn - đơn vị có 3 tuyến di dời từ bến xe cũ ra bến xe mới, cũng cho biết hơn 1 năm qua, nhà xe bị giảm 69%-70% số chuyến và giảm 70% khách do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ngoài nguyên nhân này, theo đại diện HTX, còn có lý do việc dời bến khiến cự ly đi lại của người dân kéo dài thêm 20 km khiến nhiều người ngại tốn thêm tiền đi taxi, xe buýt, xe ôm nên chọn đi xe ngoài bến hoặc chuyển qua bến xe khác.

"Để cứu các doanh nghiệp vận tải cũng như hạn chế lãng phí cho bến xe mới, theo tôi cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng của bến mới; có khuyến mãi, hỗ trợ phương tiện kết nối đi lại cho hành khách từ bến cũ sang bến mới..." - đại diện HTX Sài Gòn đề xuất.

Đánh giá lại việc di dời, giảm giá dịch vụ

Theo ông Tạ Chương Chín, Phó Giám đốc BXMĐ, đến thời điểm hiện tại, 2 bến cũ và mới vẫn đang trong quá trình di dời thuộc giai đoạn 1 (các tuyến từ Quảng Trị trở ra Bắc di dời trước). Sau khi các tuyến ở giai đoạn 1 ổn định, đơn vị quản lý sẽ tiếp tục di dời các tuyến trong giai đoạn 2. "Hiện nay, chúng tôi cương quyết không cho phép hoạt động đón khách trên các tuyến đã di dời, trực tiếp tại bến cũ như trước, trừ các trường hợp xe trung chuyển" - ông Chín nhấn mạnh.

Trong khi đó, đại diện Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco), chủ đầu tư BXMĐ mới, cho biết đơn vị này đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thu hút khách đến bến xe mới trong thời gian tới cũng như nhiều kiến nghị đến cơ quan chức năng. Cụ thể, Samco xem xét có chính sách giảm giá dịch vụ thuê quyền sử dụng quầy bán vé xe khách, quầy bán hàng (giảm từ 20%-30% so với đơn giá tại BXMĐ cũ), cũng như bố trí các tiện ích cho hành khách như quầy ăn uống, cây ATM, sạc điện thoại... Samco cũng kiến nghị Sở Giao thông Vận tải TP HCM nghiên cứu tổ chức thêm các tuyến xe buýt để hành khách tiếp cận với BXMĐ mới cũng như đề xuất các doanh nghiệp vận tải có phương án bố trí phương tiện trung chuyển miễn phí cho hành khách từ bến xe cũ sang bến xe mới và ngược lại.

Theo đại diện Samco, việc di dời bến xe, suy cho cùng phải đặt hiệu quả xã hội lên trên. Thế nhưng, di dời rồi mà nhà xe và bến hai bên nhìn nhau vì khách không có, tức là hiệu quả không có, gây lãng phí. "Do đó, cần phải đánh giá lại, giai đoạn 2 của kế hoạch di dời có thể sẽ chậm hơn dự kiến, ít nhất là đến khi nào tuyến metro số 1 cũng như các tuyến xe buýt kết nối đưa vào vận hành. Song song đó, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng cần có các giải pháp xử lý triệt để nạn xe dù, bến cóc, tránh tình trạng khách bước ra đường là đón được xe, nhằm ổn định tình hình an ninh trật tự cũng như giảm ùn tắc, ô nhiễm môi trường khu vực nội đô" - đại diện Samco kiến nghị.

Quan trọng là khâu tiếp chuyển khách

Để hạn chế tình trạng lãng phí cho bến xe đầu tư ngàn tỉ đồng, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hành khách liên tỉnh và du lịch TP HCM, cho rằng đơn vị quản lý bến nên tổ chúc tốt khâu tiếp chuyển khách từ bến xe mới về khu vực nội thành, trong đó kết hợp tất cả các loại hình xe buýt, taxi, xe trung chuyển hàng hóa nếu có. Sau đó, sớm di dời tất cả các tuyến tại bến cũ ra bến mới, không để tình cảnh như hiện nay vừa khó cho hành khách, vừa khó cho đơn vị vận tải.

Ông Lê Trung Tính đề nghị lực lượng CSGT, Thanh tra Giao thông cần tăng cường tuần tra, xử lý tình trạng xe dù hoạt động trong nội thành. Riêng BXMĐ mới cần xem xét bổ sung ngay các dịch vụ phục vụ khách còn yếu và thiếu nhằm thỏa mãn nhu cầu của hành khách.

Bài và ảnh: THU HỒNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/giai-cuu-ben-xe-mien-dong-moi-2022062220493737.htm