Giải cứu con bằng cách học 'ngó lơ'

Trước vấn nạn 'nuôi con vàng con bạc' gây áp lực nặng nề cho chính phụ huynh và đứa trẻ, nhiều chuyên gia kêu gọi cha mẹ nên học cách 'ngó lơ' để việc nuôi dạy con trở thành hành trình hạnh phúc và ý nghĩa hơn.

Linh, 9 tuổi, sống cùng bố mẹ làm doanh nhân và công chức nhà nước, trong một căn hộ chung cư gần 200 mét vuông tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. Mới học lớp ba, cô bé đã có nét già dặn hơn bạn bè cùng trang lứa, khi sở hữu một chiếc Ipad đời mới trong đó đầy ắp phần mềm học tiếng Anh, Toán, và lịch trình học thêm kín đặc, do chính Linh lựa chọn và sắp xếp.

"Cháu chỉ được nghỉ hè 3 ngày, sau đó sắp xếp học tiếng Anh, toán, tiếng Trung Quốc, viết code, bên cạnh lịch học bơi, vẽ và đàn piano", Linh nói và thêm rằng năm học tới sẽ rất khó khăn, vì ngôi trường nơi cô bé đi học có một đợt thanh lọc toàn diện để chọn ra những em xuất sắc nhất cho các kỳ thi học sinh giỏi tiểu học toàn quốc. Bố mẹ Linh dù rất xót khi chứng kiến chuỗi ngày học đến nửa đêm của một em bé lớp ba, nhưng tặc lưỡi cho rằng "sống ở đâu cũng sẽ chịu áp lực như vậy, chi bằng được học cách vượt qua áp lực từ bé, sau này sẽ bứt phá trên đường đời".

Điều đứa trẻ cần thực sự là thời gian và sự quan tâm của cha, mẹ (ảnh minh họa).

Điều đứa trẻ cần thực sự là thời gian và sự quan tâm của cha, mẹ (ảnh minh họa).

Cùng cảnh ngộ với bố mẹ Linh, là anh Bình, hiện đang sinh sống tại San Jose, Mỹ. Từng rời Singapore - một trong những con rồng châu Á, để đưa gia đình đến Mỹ định cư với khát khao mong con cái được sống trong môi trường giáo dục tự do, ít áp lực, hiện anh Hoàng lâm vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan.

"Những tưởng con sẽ thoát khỏi cuộc chạy đua học hành ở một xã hội đầy tính cạnh tranh như Singapore, ai ngờ cuộc chiến trong và sau trường học tại xứ cờ hoa cũng khốc liệt không kém", anh Hoàng nói.

Theo người đàn ông 42 tuổi, ở Mỹ, đa số các gia đình trung lưu đều cố gắng tạo mọi điều kiện cho con tham gia các lớp học văn hóa hoặc kỹ năng sau giờ học với những lịch trình kín mít. “Soccer mom” đã trở thành một từ quen thuộc ám chỉ những người phụ nữ nội trợ luôn đưa con từ lớp học này đến lớp học khác sau giờ học, động cơ là các thành tích từ những giờ học thêm sẽ tạo ưu thế cho con trong cuộc đua vào các trường đại học danh tiếng. Không những vậy, nhiều ông bố còn phải hy sinh lịch trình nghỉ ngơi của cá nhân để lái xe hàng giờ đồng hồ sau mỗi giờ tan làm, đưa con đến những trung tâm huấn luyện thể thao, lớp học ngoại khóa. Lịch trình kín mít như những CEO (giám đốc điều hành) trở thành nếp sống đặc trưng của trẻ em các gia đình trung lưu tại Mỹ.

Việc bố mẹ đang tạo áp lực lên con cái bằng sự quan tâm, lo lắng, bao bọc quá đáng đang trở thành hiện tượng toàn cầu. Ở các nước phát triển, các nhà giáo dục và xã hội học nêu hiện tượng "cha mẹ trực thăng" để chỉ những phụ huynh nuôi dạy con theo kiểu cực đoan, muốn mình là chiếc trực thăng lượn lờ trên đầu con, theo dõi và chi phối mọi hoạt động. Các nước Bắc Âu có cụm từ "phụ huynh gạt băng", chỉ những cha mẹ nhăm nhăm gạt các vật cản phía trước để con không bị vấp ngã, thất bại. Nhật Bản có cụm từ “người mẹ giáo dục” - để chỉ những người phụ nữ dành từng phút giây cuộc đời mình cho việc dắt con qua từng cấp học.

Hầu hết những điều trên là hậu quả của nền văn hóa coi trọng tiền tài, danh vọng, địa vị, vật chất và vẻ bề ngoài. Đặc biệt tại những xã hội có tính cạnh tranh cao, cuộc đua trên lại càng trở nên khốc liệt hơn, khiến gánh nặng của cha mẹ và con cái càng trở nên nặng nề. Chưa có khảo sát quy mô nào tính toán được chính xác sự thành công của lứa học sinh "con vàng con bạc", nhưng những nghiên cứu trên khắp thế giới đang cho thấy, các vấn nạn về sức khỏe thanh thiếu niên như béo phì, trầm cảm, lo âu, tự tử… gia tăng với tốc độ chưa từng thấy.

Ngày càng nhiều trẻ em Singapore hứng chịu áp lực thành tích từ bố mẹ, thậm chí có những em muốn tìm đến cái chết. Vấn nạn này trầm trọng đến mức, Bộ trưởng Giáo dục Ong Ye Kung phải tuyên bố: "Chúng ta phải cân bằng giữa niềm vui học tập và sự gian khổ của học hành". Báo cáo Đánh giá Tử vong Trẻ em ở Hong Kong (Trung Quốc) đã liệt kê học tập là một trong những nguyên nhân chính khiến trẻ tự tử. Năm 2016-2017, tỷ lệ thanh thiếu niên tự tử ở Nhật Bản cao nhất trong vòng 30 năm. Các quan chức thừa nhận vào thời điểm tháng 9 đầu năm học mới, tỷ lệ này tăng cao bất thường. Chưa kể, việc tiêu tốn quá nhiều nguồn lực thời gian, tiền bạc, công sức cho con cái khiến bố mẹ quan niệm cần phải "tối ưu hóa lợi nhuận thu về". Như nhà báo Carl Honoré nhận định, nhu cầu thu lời từ con cái đã bị thế hệ chúng ta đẩy đến cực hạn, từ đó khiến mối quan hệ cha mẹ - con cái đến bờ vực thẳm, khi người lớn tước đi của trẻ quyền được sống như là chính bản thân con mong muốn, với cái tôi thật của đứa trẻ.

Vấn nạn cưng nựng, nuông chiều, kiểm soát con cái cực đoan còn xuất phát từ tâm lý "thêm vào tốt hơn" của nhiều cha mẹ. Leidy Klotz, giáo sư kỹ thuật và kiến trúc tại Đại học Virginia và là cha của hai đứa trẻ, và Yael Schonbrunn, nhà tâm lý học lâm sàng, trợ lý giáo sư tại Đại học Brown và là mẹ của ba đứa trẻ, gần đây ít chú ý đến con cái của họ hơn. Điều này xuất phát từ bài học họ rút ra từ nghiên cứu tự thân, cho thấy: Bản chất con người là có xu hướng giải quyết vấn đề bằng cách thêm vào, ngay cả khi việc trừ đi sẽ mang lại một kết quả khả quan hơn. Theo ông Klotz, về mặt bản chất, con người khi cảm thấy lo lắng, sợ hãi, bất an, thì có xu hướng "thêm vào thứ gì đó" để cảm thấy chắc chắn và thoải mái hơn.

Ví dụ, một người mẹ có chi nhiều tiền để mua thực phẩm hữu cơ vì lo lắng con cái sẽ bị đói, hoặc ăn phải đồ ăn ướp hóa chất, trong khi thực tế tủ lạnh đã sẵn nhiều đồ dự trữ và đứa trẻ không có nhu cầu nhiều như cha mẹ kỳ vọng. Hoặc, các bậc cha mẹ đua nhau đăng ký những khóa học chính khóa, ngoại khóa, dù con cái họ không thích, hoặc không cần thiết, chỉ để thỏa mãn tham vọng của phụ huynh muốn con vào được Harvard. Một khía cạnh khác, nhiều cha mẹ quá bận rộn với việc kiếm tiền và thành đạt, họ bù đắp cho con cái bằng cách mua nhiều đồ chơi hoặc thỏa mãn các đòi hỏi vật chất của đứa trẻ, trong khi cách hiệu quả và thiết thực hơn là dành thời gian chất lượng vun đắp sợi dây tình cảm gia đình.

Như An, người phụ nữ 42 tuổi, sống tại TP HCM đang học cách "lơ là" con cái, bằng cách ít chú ý hơn đến các đòi hỏi của đứa trẻ. "Hầu như vài năm nay tôi không mua đồ chơi hay sách, quần áo mới cho con", chị nói và thêm rằng thường xuyên đưa con đi chơi ở công viên, thư viện để đứa trẻ có cơ hội tương tác với các bạn đồng lứa, được khám phá thiên nhiên - những thứ mà không đồ chơi nào có thể sánh được. Cũng theo bà mẹ này, khi trẻ ít đồ chơi hơn, chúng sẽ tập trung hơn, sáng tạo hơn, cha mẹ cũng sẽ dành nhiều thời gian tương tác, gắn kết với con hơn, từ đó tạo nền tảng tinh thần tốt cho đứa trẻ.

Là một người cha, anh Hoàng cũng nhận ra việc chiều chuộng mọi đòi hỏi hay mua quá nhiều quần áo, đồ chơi cho con là một sai lầm. "Điều đứa trẻ cần thực sự là thời gian và sự quan tâm vô điều kiện của cha mẹ", anh nói. Để chấm dứt vòng luẩn quẩn, anh Hoàng đã sắp xếp thời gian vào mỗi cuối tuần đưa con đi công viên, dạy con chơi bóng đá, bóng rổ và đọc truyện cho bé trước khi đi ngủ. Anh nhận thấy mối quan hệ giữa cha con thay đổi, thực sự ý nghĩa và bền chặt hơn, khi anh trừ đi các món quà, đồ ăn, điện thoại, lớp học thêm… ra khỏi cuộc sống. Bên cạnh đó, để nuôi dưỡng niềm yêu thích âm nhạc của con, anh Hoàng không thuê giáo viên âm nhạc riêng, hoặc sắm đàn piano hàng chục triệu, thay vào đó, hàng ngày anh bật nhạc cổ điển vào lúc rảnh để nhà cả cùng thưởng thức. Vào cuối tuần, anh đưa con đến những sự kiện âm nhạc miễn phí để trải nghiệm cho đến khi nào bé thể hiện rằng mình thực sự muốn học.

"Tôi không muốn chi hàng trăm triệu đồng cho con học nhạc chỉ để thỏa mãn niềm tự hào của bố mẹ với xã hội rằng con mình có tài năng âm nhạc. Cũng như vậy, tôi từ bỏ các môn ngoại khóa không cần thiết, để con tự do chọn cho mình sở thích, thậm chí đến 70 tuổi, con thích học đàn cũng không phải là vấn đề. Điều quan trọng là trẻ được sống vui vẻ với con người thật của mình", anh nói.

Minh Đức

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/giai-cuu-con-bang-cach-hoc-ngo-lo-i665336/