'Giải cứu' Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất

Đến ngày 15-5, phương án xử lý Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS) phải được trình Thủ tướng Chính phủ

Ngày 5-4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương - cùng đoàn công tác đi khảo sát thực tế và làm việc với Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất (DQS).

Đang lỗ hơn 2.600 tỉ đồng

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết sau khi tiếp nhận từ Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy hồi tháng 7-2010, tập đoàn đã triển khai tái cơ cấu DQS.

PVN đã cấp 1.915 tỉ đồng vốn điều lệ, hỗ trợ hơn 3.400 tỉ đồng để công ty trả nợ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Đồng thời, tích cực chỉ đạo các đơn vị trong ngành tạo điều kiện để công ty hoạt động. Từ năm 2010 đến nay, số lượng tàu được DQS sửa chữa, đóng mới, hoán cải là 182; tổng doanh thu trên 8.000 tỉ đồng. DQS đang lỗ hơn 2.600 tỉ đồng do giai đoạn trước để lại.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khảo sát tại DQS .Ảnh: TỬ TRỰC

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khảo sát tại DQS .Ảnh: TỬ TRỰC

Ban lãnh đạo PVN đã tính toán các phương án xử lý đối với DQS như phương án phá sản theo quy định của pháp luật; tiếp tục tái cơ cấu hoặc thành lập đơn vị mới trên cơ sở chuyển những tài sản, nhân lực của DQS sang… Từ đó, kiến nghị cấp có thẩm quyền phương án tiếp tục tái cơ cấu DQS, đồng thời đề xuất một số giải pháp về đầu tư, tài chính để tái cơ cấu hiệu quả DQS trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết PVN đã tiếp nhận DQS trong tình trạng phá sản. Tuy nhiên, nếu loại trừ những tồn tại hạn chế từ giai đoạn trước để lại thì công ty đang hoạt động tốt và có tiềm năng phát triển. "Vì vậy, cần mạnh dạn dám nghĩ, dám làm, có cơ chế đặc thù để tái cơ cấu, đưa DQS thoát ra khỏi ma trận" - ông Nguyễn Hoàng Anh nói.

Cùng quan điểm để DQS "sống lại", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ góp ý cần tập trung phục hồi và phát triển lại doanh nghiệp này vì khối tài sản hiện tại và thực tế thị trường cho thấy nhu cầu đóng tàu lớn. Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cũng ủng hộ tìm giải pháp để DQS tốt lên…

Xử lý dứt điểm tồn tại

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị PVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu các ý kiến, phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện phương án đối với DQS. Chậm nhất là ngày 15-5 trình Thủ tướng Chính phủ đề án xử lý DQS để Chính phủ xem xét, báo cáo Bộ Chính trị trong tháng 6 tới.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý phương án "giải cứu" DQS cần căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và thực tế hiện nay để đánh giá và đề xuất.

"Chỉ khi nào không còn phương án khác mới tính đến chuyện phá sản. PVN phải đánh giá kỹ tình hình thị trường, các tiềm năng, lợi thế, định hướng phát triển ngành, đầu ra cho sản phẩm để xây dựng phương án tái cơ cấu, đánh giá kỹ tác động của các phương án, hạn chế tối đa các tổn thất, báo cáo xin ý kiến những vấn đề vượt thẩm quyền" - ông Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành căn cứ vào chức năng, thẩm quyền của mình khẩn trương xử lý dứt điểm các vướng mắc liên quan đến DQS. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ PVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sớm hoàn thiện đề án.

Thừa nhận mục tiêu làm sống lại DQS là rất phức tạp, rất khó, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phân tích rất rõ những vấn đề gốc rễ của các vướng mắc trong xử lý. Phải tính toán cặn kẽ để đề xuất giải pháp chi tiết, cụ thể, khả thi.

"Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh cho rằng khu vực Dung Quất là khu vực trọng điểm quốc gia, động lực của miền Trung. Do đó, PVN nghiên cứu thêm các cơ hội phát triển mới để có thêm đầu ra cho DQS.

Tạo mọi điều kiện để phục hồi

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh ủng hộ đề xuất tái cơ cấu DQS. "Chúng ta giải quyết khó khăn cần những con người dũng cảm, cao thượng, chấp nhận rủi ro mới giải quyết được. Quảng Ngãi mong giải quyết vấn đề của DQS càng sớm càng tốt, không để tồn tại kéo dài" - ông Đặng Văn Minh nói.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, phương án khả thi nhất là duy trì hoạt động của DQS theo hướng tái cơ cấu và tỉnh Quảng Ngãi cam kết tạo mọi điều kiện để DQS phục hồi, phát triển.

Đông Bắc - Tử Trực

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/giai-cuu-cong-ty-cong-nghiep-tau-thuy-dung-quat-20230405213013428.htm