Giải cứu cửa biển Tam Quan

Tỉnh Bình Định đã triển khai dự án nạo vét khơi thông luồng kết hợp tận thu cát nhưng cửa biển Tam Quan vẫn tiếp tục bị bồi lấp

Trong khi cửa biển Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tiếp tục bị bồi lấp thì đoạn bãi biển nằm bên cạnh lại xảy ra hiện tượng xói lở do bùn cát nạo vét ở khu vực này được vận chuyển đi nơi khác, dẫn đến hiện tượng mất cân bằng.

Tình trạng bồi lấp diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở cửa biển Tam Quan

Tình trạng bồi lấp diễn ra ngày càng nghiêm trọng ở cửa biển Tam Quan

Khốn đốn vì bồi lấp cửa biển

Cảng cá Tam Quan (xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn) là 1 trong 3 cảng cá lớn ở tỉnh Bình Định. Theo quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bình Định đặt mục tiêu khu vực Tam Quan sẽ hình thành một trung tâm nghề cá, bao gồm dịch vụ hậu cần đánh bắt; tổ chức thu mua, chế biến sản phẩm thủy sản; đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. Đồng thời, đây còn là nơi neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền khu vực phía Bắc tỉnh và các địa phương lân cận.

Để thực hiện mục tiêu trên, những năm qua, Bình Định đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng để xây dựng trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá và nạo vét luồng tàu ở cửa biển Tam Quan. Tuy nhiên, hiện luồng lạch và khu vực cửa biển này vẫn thường xuyên bị bồi lấp.

Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, tình trạng này diễn ra ngày càng nghiêm trọng với khối lượng bồi lấp vào cửa biển mỗi năm từ 50.000 - 150.000 m3. Công tác nạo vét luồng lạch phải duy trì liên tục hằng năm vì sau khi nạo vét, tình trạng bồi lấp lại tái diễn. Trong khi đó, tàu thuyền đánh bắt ở vùng biển khơi xa ngày càng có công suất lớn hơn nên việc ra vào cửa biển Tam Quan rất khó khăn và không bảo đảm an toàn.

Theo ông Hà Thanh (ngụ phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn), chủ tàu cá BĐ -90075 hành nghề câu cá ngừ đại dương, sau mỗi chuyến đánh bắt, tàu ông trở về khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Tam Quan để bán cá. Tuy nhiên, cửa biển và luồng lạch dẫn vào cảng bị bồi lấp và hẹp dần nên việc lưu thông của tàu cá gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban Quản lý cảng cá và dịch vụ đô thị thị xã Hoài Nhơn - đơn vị trực tiếp quản lý cảng cá Tam Quan, cho biết từ ngày 17 đến 22 âm lịch hằng tháng, cảng cá Tam Quan có khoảng 1.000 - 1.200 tàu neo đậu. Hằng ngày, cảng còn tiếp nhận trên 400 tàu khai thác cá ngừ đại dương cập bờ bán sản phẩm, nhưng mấy năm gần đây tất cả các chỉ số trên đang giảm.

Nguyên nhân bởi gần đây, khu vực ra vào cảng thường xuyên bị bồi lấp, khiến mỗi năm có đến 10 - 15 tàu cá bị mắc cạn tại cửa biển Tam Quan, gây thiệt hại lớn cho ngư dân và phương tiện hoạt động nghề cá. Chính vì vậy, nhiều tàu cá địa phương phải đến cảng Sa Huỳnh (tỉnh Quảng Ngãi) neo đậu. Điều này khiến các hoạt động ở cảng này, từ mua bán hải sản, cung cấp nhiên liệu, hàng hóa đều thất thu, thiệt hại lớn về kinh tế cho địa phương.

Kè biển Tam Quan bị hư hỏng vì tận thu cát trong quá trình khắc phục bồi lấp cửa biển này

Kè biển Tam Quan bị hư hỏng vì tận thu cát trong quá trình khắc phục bồi lấp cửa biển này

Sạt lở vì tận thu cát hút ở cửa biển

Nhằm khắc phục tình trạng trên, từ năm 2015, UBND thị xã Hoài Nhơn đã triển khai dự án nạo vét khơi thông luồng, kết hợp tận thu cát nhiễm mặn khu vực cửa biển Tam Quan, với kinh phí thực hiện trên 37 tỉ đồng.

Được chọn thực hiện dự án, mỗi năm Công ty TNHH Tân Lập (trụ sở tỉnh Bình Định) đưa thiết bị đến cửa biển Tam Quan hút hàng trăm ngàn mét khối cát, gấp nhiều lần so với khối lượng theo thiết kế. Song tình trạng bồi lấp ở nơi này vẫn tái diễn, thậm chí ngày càng nghiêm trọng hơn.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, cho biết hiện địa phương đã xin chủ trương của tỉnh trước mắt cho sử dụng ngân sách của thị xã để nạo vét tạo luồng cho tàu thuyền ra vào cửa biển Tam Quan thuận tiện. Còn về lâu dài, thị xã đề xuất xây dựng dự án không cho cát bồi lấp vào cửa biển.

Trong khi cửa biển Tam Quan ngày càng bồi lấp nghiêm trọng thì cách nơi này vài trăm mét, bãi biển Tam Quan lại tan hoang vì thường xuyên bị sóng đánh. Cụ thể, tại tuyến kè biển Tam Quan nằm dọc bờ biển thôn Thiện Chánh 1, phường Tam Quan Bắc, những tảng bê-tông bị vỡ từng mảng lớn; nhiều đoạn bị nứt, đứt đoạn. Nhiều vị trí bị sóng đánh vỡ toác, đổ sập, trôi ra biển mất dấu. Con đường ven biển bị sóng biển ăn sâu vào, nhiều đoạn tạo thành vực sâu, hở hàm ếch, rất nguy hiểm.

Để hạn chế việc bờ biển bị xâm thực, người dân phải liên tục đổ xà bần vào những điểm bị xói mòn nghiêm trọng.

Được biết, tuyến kè biển Tam Quan nói trên dài gần 2,4 km, tổng mức đầu tư gần 80 tỉ đồng, cũng do Công ty TNHH Tân Lập nhận thầu thi công và hoàn thành vào tháng 9-2016. Cuối năm 2016, một phần bờ kè dài 250 m mới đưa vào sử dụng đã bị sóng đánh sập, UBND tỉnh Bình Định phải bổ sung gần 10 tỉ đồng để sửa chữa. Đầu năm 2018, tổng chiều dài kè bị hư hỏng tăng lên đến 672 m và hiện tại đã hư hỏng gần hết.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, khối lượng bùn cát nạo vét tại khu vực cửa biển Tam Quan trong những năm gần đây lên tới 400.000 m3 cát/đợt. Bùn cát nạo vét từ đây được đưa đi nơi khác đã dẫn đến hiện tượng mất cân bằng bùn cát và gây ra xói lở khá nghiêm trọng cho bãi biển Tam Quan.

Xin hỗ trợ kinh phí khắc phục tạm thời

"Trước đây, việc tạo luồng để tàu bè ra vào cửa biển Tam Quan chưa đủ rộng và sâu. Sau khi cửa biển bị bồi lấp thì lại cho hút cát đưa đi nơi khác gây ra mất cân bằng. Để xử lý tình trạng này, hiện nay sở đang xin chủ trương của UBND tỉnh về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục tạm thời các bất cập tại cửa biển Tam Quan" - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định Hồ Đắc Chương thông tin.

Bài và ảnh: ĐỨC ANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/giai-cuu-cua-bien-tam-quan-20230725192559055.htm