'Giải cứu' hạt cà phê: Liên kết sản xuất, chế biến sâu và 'vũ khí' Robusta đặc sản

Giữa bối cảnh sản lượng cà phê Việt Nam thuộc top thế giới nhưng giá trị gia tăng còn khiêm tốn do sản xuất nhỏ lẻ và xuất khẩu chủ yếu nguyên liệu thô, các chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo do báo Người Lao Động tổ chức đã cùng nhau 'mổ xẻ' bài toán nâng cao lợi ích cho người trồng và thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Từ việc cấp thiết xây dựng chuỗi liên kết sản xuất quy mô lớn, đẩy mạnh chế biến sâu, đến việc khai thác tiềm năng của dòng cà phê Robusta đặc sản, nhiều giải pháp đột phá đã được đề xuất nhằm 'giải cứu' hạt cà phê Việt, đưa ngành hàng này lên một tầm cao mới trên thị trường quốc tế.

Theo ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia thị trường cà phê nhận định Việt Nam có khoảng 1,6 – 1,8 triệu tấn cà phê mỗi năm, nhưng đến 90% sản lượng đến từ các hộ nhỏ lẻ, có vườn chỉ có vài sào cà phê và sản xuất vài tấn. Rất ít trang trại đạt sản lượng 100 tấn trở lên. Điều này gây nhiều hạn chế trong việc đầu tư chế biến. Trong khi đó, tại Brazil – quốc gia xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới – một nông trại nhỏ cũng có thể lên đến 5.000 – 10.000 ha, với sản lượng đạt hàng ngàn, thậm chí hàng triệu tấn.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương nêu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cà phê

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương nêu giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cà phê

Hơn thế, tiêu thụ nội địa của Việt Nam còn khá yếu. Hiện nay, chỉ khoảng 5–10% tổng sản lượng cà phê được tiêu thụ trong nước, trong khi Brazil sử dụng tới 20–22 triệu bao trong tổng số 60 triệu bao họ sản xuất được. Nhờ đó, nông dân Brazil có động lực ổn định sản xuất và nâng cao giá trị.

Theo ông Bình, chính vì việc chỉ có sản lượng chỉ 3–5 tấn mỗi hộ, nên nông dân Việt Nam không đủ điều kiện và khả năng để đầu tư vào chế biến sâu hay chờ đợi mức giá cao. Họ thường phải tự trữ hàng, dẫn đến nhiều bất lợi trong cạnh tranh. Ngành cà phê nếu muốn tạo ra giá trị gia tăng, cần có sự tham mưu từ hiệp hội và chính quyền địa phương nhằm tập hợp các đầu mối sản xuất, xây dựng hợp tác xã có quy mô tối thiểu 1.000 ha. Khi đó, mới có thể nghĩ đến việc đầu tư hạ tầng, chế biến và nâng tầm thương hiệu.

Để nâng tầm cà phê Việt, Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cũng đang tích cực thúc đẩy sự phát triển của cà phê đặc sản – nơi giá trị cốt lõi không nằm ở sản lượng mà ở chất lượng sản phẩm. Khoảng 8 năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã tập trung phát triển phân khúc này, với nhiều mẫu Robusta được đánh giá là ngon nhất thế giới. Nhờ đó, các nhà buôn quốc tế đang ngày càng tìm đến Việt Nam nhiều hơn.

Nông dân tích cực làm cà phê theo quy trình bền vững của Simexco

Nông dân tích cực làm cà phê theo quy trình bền vững của Simexco

Tuy vậy, ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk (Simexco Đắk Lắk) cho rằng, việc phát triển cà phê đặc sản cần có lộ trình rõ ràng, vì đây là dòng sản phẩm có giá trị cao không chỉ tại Việt Nam mà cả trên thị trường thế giới. Nhưng hiện nay, nông dân còn thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất, trong khi làm cà phê đặc sản đòi hỏi diện tích đủ lớn và sự đầu tư bài bản. Không còn con đường nào khác ngoài việc phải đầu tư vào cà phê đặc sản, đồng thời đi kèm là đầu tư hạ tầng, cùng với đó là cơ chế và chính sách hỗ trợ phù hợp.

Ở lĩnh vực chế biến sâu, vài năm trở lại đây đã ghi nhận sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, để làm ra sản phẩm chế biến sâu, cần có thị trường ổn định, điều này thường phải mất ít nhất 5 năm để xây dựng và cũng đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn cho hệ thống nhà máy.

“Hiện nay, doanh nghiệp đang phối hợp tạo chuỗi liên kết với khoảng 45.000 nông dân trồng cà phê, mục tiêu tập trung nâng cao lợi ích cho người nông dân. Hiện các yêu cầu mới từ thị trường EU đòi hỏi sản phẩm phải đáp ứng tiêu chuẩn tín chỉ carbon. Do đó, cần được tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu đạt chuẩn phát triển bền vững. Điều này không chỉ phục vụ cho xuất khẩu thô mà còn hướng đến mục tiêu sản xuất cà phê đặc sản.

Để bảo đảm lợi ích bền vững cho người trồng cà phê, cần nâng tỉ lệ chế biến sâu lên 40-45%. Đồng thời, người trồng cũng cần nâng cao năng lực thị trường, biết phân tích xu hướng, chủ động trữ hàng và bán ra vào thời điểm giá tốt” ông Dũng đề xuất.

Góp ý cho ngành cà phê Việt, ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn (Alambé Việt Nam) cho rằng, Việt Nam thay vì cạnh tranh với những nước sản xuất cà phê khác trên thế giới, nên tập trung vào những sản phẩm riêng có, là thế mạnh của mình như Robusta. Trong bối cảnh thị trường thế giới đang chuyển mình mạnh mẽ, người tiêu dùng quốc tế có xu hướng tìm kiếm những loại cà phê có hương vị mạnh mẽ, đậm đà, khác biệt so với các dòng sản phẩm truyền thống trước đây.

Ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn

Ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn

“Cà phê "thật" không pha trộn, không biến tấu, đang được ưa chuộng. Họ tò mò và sẵn sàng trải nghiệm những hương vị nguyên bản, cá tính rõ nét. Đây là cơ hội lớn để Việt Nam định vị lại hình ảnh cà phê của mình, tự hào với giống Robusta đặc trưng, hương vị đậm mạnh, giá cả cạnh tranh và được sản xuất theo quy trình tự nhiên, minh bạch. Việc đẩy mạnh quảng bá cà phê rang xay nguyên chất 100%, có chứng nhận chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế, sẽ giúp nâng tầm cà phê Việt trên thị trường toàn cầu, không chỉ về sản lượng, mà còn về giá trị và bản sắc”, ông Gruber Alexander Lukas nói.

Ông Vũ Văn Thủy, Trưởng Cơ quan đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Môi trường phía Nam cho biết Bộ đã chủ động xây dựng và tư vấn cho Chính phủ nhiều giải pháp nhằm phát triển ngành cà phê và trà, góp phần đưa hai mặt hàng chiến lược này trở thành trụ cột trong chính sách xuất khẩu nông sản quốc gia. Lãnh đạo Bộ cùng với các cơ quan trung ương và địa phương, luôn chú trọng đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm và khai thác hiệu quả tiềm năng sẵn có của ngành. Trong đó, việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản và các nước phát triển khác được xác định là yếu tố then chốt để duy trì lợi thế cạnh tranh dài hạn.

Theo ông Thủy, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ nông dân tăng cường liên kết trong sản xuất – tiêu thụ, chủ động chuyển đổi mô hình canh tác theo hướng thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

“Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển ngành cà phê và trà theo hướng không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho doanh nghiệp và đất nước, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu nông sản quốc gia, gắn với bản sắc văn hóa tiêu dùng đặc trưng của Việt Nam trên thị trường quốc tế”, ông Thủy nói.

Về vấn đề hỗ trợ ngành cà phê xuất khẩu, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết Sở Công Thương hoàn toàn có thể phối hợp cùng các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp cà phê để tổ chức hội chợ chuyên ngành xuất khẩu cà phê. "Sở Công Thương luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ các hiệp hội, doanh nghiệp ngành cà phê trong việc mở rộng thị phần và xây dựng thương hiệu bền vững" - ông Phương nhấn mạnh.

Ngọc Hậu

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/giai-cuu-hat-ca-phe-lien-ket-san-xuat-che-bien-sau-va-vu-khi-robusta-dac-san-164378.html