'Giải cứu' thị trường trái phiếu như thế nào?

Chuyên gia cho rằng cần thời gian để chuẩn bị đầy đủ cho thị trường trái phiếu. Bên cạnh vấn đề pháp lý, sự lành mạnh của thị trường phải song song với sự phát triển của quỹ mở.

Chia sẻ tại Hội thảo “Phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Niềm tin và giải pháp” ngày 30/11, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho biết trên thế giới, quỹ mở đóng góp 80% giá trị đầu tư chứng khoán, nhưng tại Việt Nam, tỷ trọng này rất thấp. Riêng với trái phiếu, tổng giá trị đầu tư của các quỹ chỉ chiếm 1,6% quy mô thị trường, do số doanh nghiệp đạt tín nhiệm cao không nhiều.

Ông cho rằng phần lớn nhà đầu tư trái phiếu ở Việt Nam là ngân hàng thương mại và nhà đầu tư cá nhân. Trong khi chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không an toàn, nhiều nhà đầu tư lại mua trái phiếu khi chưa có kiến thức đầy đủ. Những điều này gây ra hệ lụy lớn cho thị trường, khiến giờ đây nhà đầu tư mất niềm tin vào trái phiếu.

Thị trường cần nhà đầu tư chuyên nghiệp

Nhìn lại cơ cấu đơn vị phát hành trái phiếu giai đoạn 2020-2022, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng chủ yếu là ngân hàng thương mại và công ty bất động sản, do đó chưa thực sự là nguồn vốn quan trọng cho nền kinh tế, đặc biệt là các công ty sản xuất kinh doanh.

Vì vậy, giải pháp triệt để nhất là sớm hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư và hỗ trợ cho các công ty sản xuất kinh doanh.

 Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng cần lành mạnh hóa thị trường trái phiếu thông qua hoàn thiện pháp lý và phát triển quỹ mở. Ảnh: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp.

Tiến sĩ Đinh Thế Hiển cho rằng cần lành mạnh hóa thị trường trái phiếu thông qua hoàn thiện pháp lý và phát triển quỹ mở. Ảnh: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp.

Mặt khác, xu hướng chung của thị trường chứng khoán quốc tế là đầu tư thông qua những quỹ mở với đội ngũ chuyên nghiệp. Do đó, các đơn vị này sẽ đầu tư những trái phiếu tốt, có độ an toàn cao, đồng thời có thể giúp nhà đầu tư linh hoạt trong thoát vốn.

Tiến sĩ Hiển cho rằng cơ cấu lành mạnh là khi nhà đầu tư cá nhân chỉ tham gia 5% tổng giá trị trái phiếu phát hành, còn lại là các quỹ. Điều này sẽ giảm rủi ro cho thị trường nói chung, bởi khi đó chỉ những trái phiếu an toàn mới được giao dịch.

Góp ý thêm tại hội thảo, ông Mã Thanh Danh, Chủ tịch Công ty CP Tư vấn Quốc tế (CIB) nhìn nhận doanh nghiệp thường chỉ phát hành trái phiếu để đáp ứng nhu cầu vốn trung và dài hạn trong phát triển kinh doanh, sau khi không huy động được bằng kênh cổ phiếu và tín dụng ngân hàng.

Do đó, ông cho rằng thị trường rất cần những nhà ngân hàng đầu tư có nguồn vốn lớn cho vay trung và dài hạn. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, họ có thể đồng hành lâu dài bằng cách chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu.

Đồng thời, với tình trạng khó khăn thời gian qua, ông cũng đề xuất xây dựng một thị trường trái phiếu thứ cấp hoạt động bài bản. Điều này sẽ hỗ trợ trái chủ giao dịch trái phiếu trực tiếp, giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp phát hành.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh những giải pháp này đều cần thời gian, ít nhất 1-3 năm. Trong lúc này, nhà đầu tư cần cẩn trọng lựa chọn trái phiếu.

Một trong những dấu hiệu để nhận định trái phiếu doanh nghiệp an toàn là lãi suất cao không quá 30% so với lãi suất cho vay ngân hàng.

TS Đinh Thế Hiển

"Một trong những dấu hiệu để nhận định trái phiếu doanh nghiệp an toàn là lãi suất cao không quá 30% so với lãi suất cho vay ngân hàng. Những công ty phát hành là công ty cổ phần đại chúng niêm yết hoặc được tổ chức xếp hạng uy tín đánh giá AAA.

Nhà đầu tư nên tìm hiểu những công ty nổi tiếng, nằm trong top 500 doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán. Các công ty này thường phát hành trái phiếu với lãi suất nằm giữa lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại hoặc cao hơn tối đa 4%, hiện tại lãi suất có thể nằm ở mức 14% trở xuống", Tiến sĩ Hiển khuyến nghị.

Giải tỏa áp lực trái phiếu đến hạn

Với những lô trái phiếu sắp đến hạn hiện nay, ông Mã Thanh Danh đề xuất doanh nghiệp tính toán khả năng từ nội tại, như liệt kê tài sản và dùng tiền mặt để mua lại trái phiếu nếu đang kinh doanh tốt.

Nếu không đủ tiền, doanh nghiệp có thể đi vay thêm hoặc thế chấp một phần trái phiếu với lãi suất cao hơn để vay tiền mua lại phần còn lại. Thậm chí, doanh nghiệp có thể bán tài sản như đất đai, thương hiệu, hệ thống phân phối... để thanh toán cho trái chủ.

Nếu tình hình kinh doanh ổn định, doanh nghiệp có thể thương lượng trực tiếp với trái chủ để gia hạn trái phiếu thông qua một kế hoặc tái cấu trúc rõ ràng, khả thi.

 Ông Mã Thanh Danh và các chuyên gia tài chính, luật sư đề xuất giải pháp giải tỏa áp lực trái phiếu đến hạn cho doanh nghiệp. Ảnh: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp.

Ông Mã Thanh Danh và các chuyên gia tài chính, luật sư đề xuất giải pháp giải tỏa áp lực trái phiếu đến hạn cho doanh nghiệp. Ảnh: Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp.

Trong trường hợp trái chủ nhất quyết yêu cầu mua lại, doanh nghiệp có thể thương lượng chuyển đổi thành cổ phiếu. Thực tế một số nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản cũng đang được đề xuất hoán đổi thành phần vốn góp vào dự án hoặc tài sản hình thành trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Mã Thanh Danh cũng khuyến nghị doanh nghiệp tính toán phương án huy động vốn qua thị trường chứng khoán hoặc bán bớt cổ phiếu quỹ để thu tiền về thanh toán trái phiếu.

Trường hợp xấu nhất, ông cho rằng doanh nghiệp có thể tính đến phương án tham gia thị trường mua bán nợ, dù các công cụ mua bán nợ tại thị trường Việt Nam hiện vẫn chưa phổ biến.

Lan Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-cuu-thi-truong-trai-phieu-nhu-the-nao-post1380494.html