'Giải cứu' thủy sản bị từ chối nhập khẩu
Tại một diễn đàn quan trọng bàn về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi nhắc đến tình trạng tồn kho trên 1.000 tấn thủy sản, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Gio Linh phải 'đi bán cá' cho ngư dân. Điều này được hiện thực hóa một ngày sau đó đã thể hiện 'trách nhiệm người đứng đầu' trước những vấn đề nảy sinh từ đời sống.
Xuất khẩu thủy sản gặp khó khăn
Thời gian qua có 1.100 tấn thủy sản đông lạnh của tư thương xã Gio Việt và thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh không xuất khẩu được vì phía bạn hàng bất ngờ yêu cầu phải có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Số lượng thủy sản này chủ yếu là cá nục hấp khô đóng gói của 19 kho hàng của tư thương ở xã Gio Việt (700 tấn), thị trấn Cửa Việt (400 tấn). Tình trạng này gây ra thiệt hại đáng kể cho tư thương xuất khẩu thủy sản và đình trệ lịch trình đi biển của ngư dân vì thiếu nơi thu mua.
Qua tiếp xúc với nhiều tư thương ở đây cho biết, số cá này được thu mua trực tiếp từ ngư dân địa phương và hấp, phơi, đóng gói thủ công, không có nhãn mác nên khi đối tác thu mua đòi hỏi giấy kiểm định về an toàn thực phẩm thì không có nên hàng hóa không nhập khẩu được buộc phải chở về. Chị Nguyễn Thị Hương, là chủ một cơ sở thu mua lớn nhất ở xã Gio Việt buồn bã nói: “Bắt đầu từ tháng 6/2019, phía bạn hàng Trung Quốc đưa ra điều kiện hàng hóa phải có giấy an toàn thực phẩm nên cơ sở của tôi bị trả về 2 container. Hiện nay còn tồn kho khoảng 100 tấn cá nục khô do không tiêu thụ được, mỗi tháng tôi phải trả gần 100 triệu đồng tiền điện để cấp đông bảo quản số hàng này. Nếu tồn kho lâu tôi sợ hàng sẽ hư hỏng, không bán được nữa thì thiệt hại cho gia đình quá lớn.
“Mất bò mới lo làm chuồng”
Gio Linh là địa phương có sản lượng thủy sản khai thác hằng năm khoảng 15.000 tấn, chiếm 60% tổng sản lượng hải sản trên toàn tỉnh. Hiện nay huyện có đội tàu đánh bắt xa bờ với 171 chiếc đủ điều kiện bám biển dài ngày hoạt động ở các ngư trường dồi dào tiềm năng. Hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản ở các xã vùng biển của huyện Gio Linh luôn sôi động nhất tỉnh. Vậy nhưng kể từ khi phía bạn hàng Trung Quốc thay đổi phương thức nhập khẩu, kiểm soát chặt chẽ hơn về nguồn gốc sản phẩm, người dân không có giấy tờ chứng minh nên không thể xuất hàng, dẫn đến tồn kho. Hiện nay các lò hấp sấy cá ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng khiến giá cá nục giảm mạnh từ 15.000 đồng/kg xuống còn 7.000-8.000 đồng/kg, thu nhập của ngư dân giảm sút rõ rệt. Đặc biệt có không ít tàu thuyền phải nghỉ đi biển vì giá cá bán thấp không đủ chi phí xăng dầu.
Trước tình trạng này nhiều tư thương xuất khẩu thủy sản phải chạy cuống cuồng tìm giải pháp khắc phục mà cụ thể là tìm kiếm giấy chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm. Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Ngọc Lân bộc bạch: “Trên thực tế đã từ rất lâu, khi tôi còn là Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cũng nhiều lần về tận địa phương khuyến cáo ngư dân và các tiểu thương phải chú trọng đến việc xây dựng nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, chú trọng đến việc nâng cao công nghệ chế biến, áp dụng đầy đủ quy trình sản xuất thủy sản để xây dựng thương hiệu, nâng cao giá thành sản phẩm nhưng người dân có chịu làm đâu. Bây giờ “mất bò mới lo làm chuồng” nhưng đây không phải là lúc quy trách nhiệm cho một ai mà vấn đề là phải tập trung giải quyết lượng cá tồn kho giúp dân và tiến tới hỗ trợ người dân đảm bảo đầy đủ thủ tục xuất khẩu thực phẩm thủy sản”.
Để có được tấm giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn thực phẩm qua khâu nối của UBND huyện Gio Linh đã kết nối cho tư thương hợp đồng với Chi cục Quản lí chất lượng nông-lâm sản và thủy sản miền Trung để cấp giấy chứng thực về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, chi cục đưa cán bộ về tận các cơ sở thu mua hướng dẫn tư thương xây dựng lại kho chứa, áp dụng quy trình phơi, sấy đảm bảo các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm. Sau khi có được kết quả cuối cùng về sản phẩm thì chi cục sẽ cấp giấy chứng nhận để tư thương tiếp tục xuất khẩu thủy sản.
Song song với việc hoàn thiện nhà xưởng, quy trình chế biến thì “bài toán” đặt ra lúc này là phải xuất bán hết 1.100 tấn cá nục tồn kho. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Gio Việt Trần Thanh Hải, địa phương đã đứng ra khâu nối với một số cơ sở thu mua lớn ở Đà Nẵng và Quảng Nam để hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho ngư dân. Trên thực tế là đã xuất bán được khoảng 200 tấn và tiếp tục đàm phán để xuất bán thêm trong một vài ngày tới. Sau khi hoàn thiện kho xưởng, được kiểm định và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm thì tư thương sẽ “rộng đường” xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bằng đường bộ vì phía thị trường này chỉ mới yêu cầu hàng hóa có chứng nhận về an toàn vệ sinh thực phẩm, còn các điều kiện khác như mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc chưa yêu cầu nên để tính sau theo hướng xuất khẩu lâu dài cho ngư dân.
Hỗ trợ ngư dân hoàn thiện Chứng thư xuất khẩu thủy sản
Nếu chỉ là yêu cầu về giấy chứng nhận đủ điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm thì không phải khó khăn lắm. Nhưng để thực phẩm thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu buộc ngư dân phải hoàn thiện Chứng thư xuất khẩu thủy sản bao gồm các hồ sơ thủ tục như: Đăng kí nhãn hiệu tập thể; cấp mã số mã vạch; giấy chứng nhận truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây là bộ hồ sơ đầy đủ các thủ tục với nhiều quy định nghiêm ngặt. Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Trần Ngọc Lân sau khi “giải cứu” được 1.100 tấn thủy sản tồn kho là phải tính ngay đến việc cấp Chứng thư xuất khẩu thủy sản cho ngư dân và tư thương. Trước mắt là thống nhất với UBND huyện Gio Linh về việc Đăng kí nhãn hiệu tập thể. Vì ở đây không có mô hình sản xuất hay HTX mà chỉ là các hộ kinh doanh cá thể nên thống nhất sử dụng một tên miền chung là “Thủy sản Cửa Việt” để đăng kí nhãn hiệu tập thể. Đến lúc cấp mã số mã vạch thì cấp độc lập cho từng hộ kinh doanh. Riêng với việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thuộc về ngư dân đánh bắt. Trước khi tàu xuất bến, chủ tàu phải khai báo các giấy tờ về đăng kí, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản, danh bạ thuyền viên, thuyền trưởng, máy trưởng… Lúc đánh bắt trên biển phải ghi nhật kí khai thác thủy sản về tọa độ vùng biển đánh bắt, sản lượng khai thác được để khi tàu cập cảng sẽ được ngành chức năng kiểm tra thực tế, xác nhận nguồn gốc thủy sản. Phải tuân thủ nghiêm túc, minh bạch như thế mới đảm bảo được nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Có thể khẳng định, giờ đây câu chuyện “thẻ vàng” thực phẩm thủy sản đã tác động đến sinh kế của từng ngư dân và tiểu thương. Do vậy, các cấp, ngành đã cùng nhau vào cuộc. UBND huyện Gio Linh cùng với Sở Khoa học và Công nghệ tìm đầu ra cho sản phẩm, đồng thời hướng dẫn cho người dân về lâu dài phải hoàn thiện Chứng thư về thực phẩm thủy sản. Theo cách nói của Chủ tịch UBND tỉnh thì không nhất thiết Chủ tịch UBND huyện phải mang cá ra chợ đứng bán mà tìm cách khâu nối để “giải phóng” được hàng tồn kho cho dân và tìm kiếm giải pháp hỗ trợ về lâu dài. Cũng từ một vấn đề này sẽ tạo thói quen nhanh nhạy cho chính quyền địa phương, các sở, ngành trong xử lí vướng mắc giúp dân, thể hiện hết tinh thần trách nhiệm và hành động quyết liệt của bộ máy công quyền.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=141078