Giải đáp bí ẩn về cách người Ai Cập vận chuyển đá để xây kim tự tháp
Các kim tự tháp lừng danh ở Ai Cập nằm tại khu vực có sa mạc khắc nghiệt bao quanh và điều này khiến các nhà khoa học luôn tò mò về cách thức người cổ đại đã xây dựng nên chúng.
Người Ai Cập cổ đại đã xây dựng các kim tự tháp khổng lồ một cách ngoạn mục ở nơi mà ngày nay là một sa mạc.Việc họ làm thế nào để vận chuyển vô số khối đá, với trọng lượng lên tới hàng tấn, tới đây để xây dựng kim tự tháp, từ lâu đã là một bí ẩn lớn.
Gần đây các nhà khoa học đã phát hiện ra dấu vết cho thấy một nhánh của sông Nile đã biến mất cách nay hàng nghìn năm. Khi còn hoạt động, nhánh sông này chảy tới khu vực nằm ngay cạnh quần thể kim tự tháp lớn Giza, được xây dựng khoảng 4.500 năm trước.
Cho đến nay, quần thể kim tự tháp Giza nằm tại ngoại ô Cairo, Ai Cập, vẫn khiến các nhà khoa học kinh ngạc. Với kích cỡ khổng lồ, kết cấu hình học hoàn hảo và được tô điểm bằng các món đồ trang trí phức tạp, các kim tự tháp ở Giza đã cho thấy sức mạnh của các pharaoh trong thời kỳ hoàng kim của Ai Cập.
Khu vực này, bao gồm ba kim tự tháp và tượng nhân sư khổng lồ, thực tế là lăng mộ của các pharaoh Khufu, Khafre và Menkaure. Ba người này đã sống trong giai đoạn từ khoảng năm 2560 tới năm 2540 trước Công nguyên.
Kim tự tháp của Khufu, còn có tên Đại kim tự tháp, là công trình đầu tiên được xây dựng trong quần thể. Đây cũng là công trình lớn nhất trong ba kim tự tháp. Theo National Geographic, ước tính công trình được xây dựng nên từ khoảng 2,3 triệu khối đá vôi và đá granit, với mỗi khối nặng từ 2,5 đến 15 tấn.
Đại kim tự tháp là công trình cổ xưa nhất trong số bảy kỳ quan nổi tiếng của thế giới cổ đại, cũng là kỳ quan duy nhất còn nguyên vẹn tới nay. Khi mới xây dựng xong, Đại kim tự tháp có chiều cao lên tới 144m, khiến nó trở thành công trình nhân tạo cao nhất thế giới trong gần 4.000 năm.
Tuy nhiên, sông Nile cách các kim tự tháp khoảng gần 6km về phía Đông. Làm thế nào các nhà xây dựng cổ đại đã có thể vận chuyển các khối đá khổng lồ đến địa điểm xây dựng kim tự tháp? Câu hỏi này từ lâu đã khiến các nhà khoa học và khảo cổ học hoang mang, không có đáp án chắc chắn.
Nhưng giới nghiên cứu vẫn tin rằng người Ai Cập có thể đã dùng đường thủy để vận chuyển đá. Năm 2013, người ta phát hiện ra một tấm giấy cói với nội dung mô tả vị trí của một bến cảng cổ đại gần Biển Đỏ. Bến cảng này là nơi những khối đá xây kim tự tháp được chất lên thuyền. Đây là bằng chứng cho thấy người Ai Cập đã biết cách di chuyển các khối đá dọc theo các con sông.
Nhiều cuộc khai quật khác cũng đem tới chứng cứ cho thấy một bến cảng đã được xây dựng bên cạnh các kim tự tháp và các nhà xây dựng cổ đại đã tạo ra những tuyến đường thủy phức tạp nối với cảng này.
Để xác định xem sông Nile có đi theo cung đường nào khác tới bến cảng vào thời điểm kim tự tháp được xây dựng hay không, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã đào nhiều lỗ thăm dò trên sa mạc, tại hàng loạt địa điểm nằm xung quanh các kim tự tháp. Trong những lỗ này, họ tìm kiếm dấu vết phấn hoa của các loài thực vật như cói papyrus và cỏ đuôi mèo, vốn phát triển mạnh trong môi trường nước.
Nghiên cứu chỉ ra rằng trong thời kỳ các pharaoh Khufu, Khafre và Menkaure cai trị, sông Nile có một nhánh ổn định chảy về phía các kim tự tháp.
Nhưng sau mấy ngàn năm, nhánh sông này đã khô kiệt. Dấu vết phấn hoa từ các loài thực vật kể trên cho thấy thời điểm pharaoh Tutankhamun lên nắm quyền, vào khoảng năm 1350 trước Công nguyên, nhánh sông này đã cạn khô được vài thế kỷ.
Thành viên nhóm nghiên cứu, nhà địa lý Hader Sheesh khẳng định với tờ New York Times: “Không thể xây dựng các kim tự tháp nếu không có nhánh sông Nile này”. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên ấn bản khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences (Mỹ) vào đầu tuần này./.