Giải đáp một số thắc mắc về Luật Căn cước

Thời gian qua, Luật Căn cước đã được triển khai thực hiện hiệu quả, tuy nhiên không ít người dân vẫn còn thắc mắc về một số quy trình, thủ tục liên quan.

Sau gần hai tháng triển khai Luật Căn cước, báo Pháp Luật TP.HCM tiếp tục nhận được một số thắc mắc của bạn đọc liên quan đến thẻ căn cước, Luật Căn cước.

Có thể đến nơi tạm trú làm thẻ căn cước không?

Theo đó, chị Nguyễn Thị Hồng Luyến có địa chỉ tạm trú tại quận 7, TP.HCM, thường trú tỉnh Vĩnh Long, chị Luyến thắc mắc là chị có thể làm thẻ căn cước tại nơi chị đang tạm trú được không, bởi chị phải đi làm, di chuyển cũng khá bất tiện.

“CCCD của tôi vừa hết hạn nhưng do bận nhiều công việc, tôi không thể về quê làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Tôi nghe nói có thể đến nơi tạm trú vẫn làm được, không biết có đúng không” - chị Luyến hỏi.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Ý Di, ngụ quận 5, TP.HCM, cũng thắc mắc việc thực hiện cấp thẻ căn cước tại nơi tạm trú có được không, nếu được thì thủ tục có giống như bình thường được cấp tại nơi thường trú và khi đi thực hiện cần mang theo những giấy tờ nào?

 Người dân thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước tại Công an TP Thủ Đức. Ảnh: HUỲNH THƠ

Người dân thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước tại Công an TP Thủ Đức. Ảnh: HUỲNH THƠ

“Tôi thấy một số người có CCCD còn hạn sử dụng nhưng họ vẫn đổi sang thẻ căn cước, việc này có phải bắt buộc không hay do người dân tự đi làm” - chị Di hỏi.

Một thắc mắc khác, anh Huỳnh Khánh, ngụ quận Tân Phú, cho biết anh có con gái ba tuổi và con trai 12 tuổi, trước đây khi đi máy bay anh phải mang theo giấy khai sinh cho các con, tuy nhiên giấy khai sinh có kích thước bằng giấy tờ A4 mang theo rất bất tiện. Nay anh muốn làm thủ tục cấp căn cước cho con để có thể thay thế cho giấy khai sinh.

“Mỗi lần đi máy bay về quê là phải mang theo giấy khai sinh cho con, có lần quên mang theo phải chạy về nhà lấy làm trễ luôn chuyến bay. Nếu có thẻ căn cước rồi sẽ nhỏ gọn, dễ mang theo” - anh Khánh nói.

Làm thẻ căn cước tại nơi tạm trú

Trao đổi với PV, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, cho biết theo Điều 27 Luật Căn cước năm 2023 quy định nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Cụ thể, cơ quan quản lý căn cước của công an huyện, quận, thị xã, TP thuộc tỉnh, TP thuộc TP trực thuộc Trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi công dân cư trú.

Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.

Bên cạnh đó, Điều 11 Luật Cư trú năm 2020 quy định nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định.

“Như vậy, theo quy định trên, trường hợp muốn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước thì người dân có thể đến cơ quan có thẩm quyền nơi thường trú hoặc tạm trú để thực hiện việc đăng ký. Đồng thời, thủ tục thực hiện sẽ giống nhau, khi đi làm thủ tục người dân có thể mang theo CMND hoặc CCCD” - Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải nói.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, đối với trường hợp cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới 14 tuổi thì trẻ hoặc người đại diện hợp pháp (có thể là cha hoặc mẹ…) được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước.

Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước được thực hiện như sau: Trẻ từ đủ sáu tuổi đến dưới 14 tuổi đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học, thực hiện thủ tục giống như những người từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên, trẻ phải đi cùng người đại diện hợp pháp để thực hiện thủ tục. Người đại diện hợp pháp của trẻ sẽ thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

Đối với trẻ dưới sáu tuổi, do cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học nên người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho trẻ dưới sáu tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia.

Trường hợp trẻ dưới sáu tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Ngoài ra, trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục theo quy định.

Không bắt buộc đổi thẻ căn cước nếu CCCD vẫn còn hạn sử dụng

CMND còn hạn sử dụng đến sau ngày 31-12-2024 có giá trị sử dụng đến ngày 31-12-2024, tức là từ ngày 1-1-2025 CMND sẽ không còn giá trị sử dụng nữa. Những CCCD được cấp trước ngày 1-7-2024 vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ.

Như vậy, khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực thì người dân không bắt buộc phải đổi qua thẻ căn cước mà người có CCCD còn hạn vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Ngoài ra, khi công dân làm thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu sẽ không mất phí.

Thượng tá NGUYỄN NGỌC HẢI, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM

HUỲNH THƠ

Nguồn PLO: https://plo.vn/giai-dap-mot-so-thac-mac-ve-luat-can-cuoc-post807548.html