Giai đoạn 2013-2021, Việt Nam đưa gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài
Đây là thống kê đưa ra tại Hội thảo'Lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài' do Ban kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB và XH) vừa tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham dự và trình bày tham luận của nhiêu chuyên gia, nhà quản lý đại diện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo trong nước và quốc tế.
Đánh giá về công tác đưa lao động, chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB và XH Nguyễn Bá Hoan cho biết, kết quả đạt được trên nhiều mặt, có bước phát triển cả về chất và lượng. Thị trường lao động mở mở rộng, nhất là thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt. Số người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua 100 ngàn người/năm. Giai đoạn 2013-2021 đã đưa gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Do dịch Covid-19 làm đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế, làm giảm nhu cầu sử dụng lao động của nhiều quốc gia. Trước tình hình nhiều biến động nên công tác này của Việt Nam cần sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ phủ và sự phối hợp giám sát của người dân để đảm bảo hiệu quả, thực chất, vì lợi ích của người lao động, góp phần phát triển KT-XH nói chung.
Các ý kiến tại Hội thảo tập trung vào vấn đề kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng và thực hiện chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; thực trạng, nguyên nhân, giải pháp cho vấn đề lao động bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, hoặc không về nước sau khi hết hạn hợp đồng lao động; định hướng lãnh đạo công tác đưa người Việt Nam đi lao dộng nước ngoài trong tình hình mới…
Phát biểu tại hội thảo, bà Ingrid Chritstensen-Giám đốc Văn phòng Tổ chức lao động quốc tế ( ILO) tại VN đánh giá cao tầm quan trọng của Hội thảo, cho rằng lao động di cư là lợi ích vô giá trong chuyển giao kỹ năng. Tuy nhiên lao động Việt Nam nhất là phụ nữ có nguy cơ bị tỏn thương cũng như phải chịu một số hình thức vi phạm về lao động. Các nghiên cứu chỉ ra lao động Việt Nam gặp khó khăn trong tiếp cận thông tin di cư an toàn, lao động nữ yếu thế và có nguy cơ bị phân biệt đối xử, khó khăn về ngôn ngữ, thiếu cơ hội đào tạo… ILO kêu gọi xây dựng chương trình nghị sự về di cư công bằng, đem lại cơ hội cho lao động có việc làm, thúc đẩy thực hiện các hiệp định song phương cho các quốc gia thành viên,v.v…
Ông Đỗ Ngọc An-Phó Trưởng Ban Kinh tế trung ương trong kết luận Hội thảo nhìn nhận: Công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được Trung ương quan tâm chỉ đạo và đã đạt được những kết quả quan trọng. Lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên hàng năm, trong 3 năm gần đây có giảm do dịch bệnh và các yếu tố khác. Ban Kinh tế trung ương tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo để đề xuất với Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp, phát huy hiệu quả.
THẤT SƠN (tổng hợp)