Giai đoạn 2021-2024, Hải Phòng chi hơn 22.867 tỷ đồng cho giáo dục
Tổng chi ngân sách cho giáo dục của Hải Phòng giai đoạn 2021-2024 là hơn 22.867 tỷ đồng, tăng hơn 10.845 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020.
Trong những năm gần đây, Hải Phòng đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nhờ vào các chính sách thiết thực và chiến lược đầu tư mạnh mẽ. Giai đoạn 2021-2024, thành phố không chỉ chú trọng cải thiện chất lượng giáo dục mà còn tập trung xây dựng hạ tầng, hỗ trợ học phí và thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách.
Mặc dù nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo đã được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, hành lang pháp lý về xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo vẫn còn vướng chưa tạo động lực thu hút nguồn lực đầu tư.
Nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Xã hội hóa đầu tư trong giáo dục còn hạn chế, giáo dục và đào tạo còn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn lực công.
Chi hơn 22.867 tỷ đồng cho giáo dục trong giai đoạn 2021-2024
Theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị Quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hải Phòng của Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho thấy, đến năm học 2024-2025, quy mô giáo dục Hải Phòng tiếp tục được ổn định và có những bước phát triển tích cực. Số lượng các cơ sở giáo dục giảm do thực hiện sắp xếp, sáp nhập, thu gọn đầu mối các cơ sở giáo dục công lập, tuy nhiên số lớp, số học sinh tiếp tục tăng cao; đã hình thành một số cơ sở giáo dục tư thục, nhất là các trường tư thục chất lượng cao, có yếu tố quốc tế.
Thành phố hiện có 748 cơ sở giáo dục (633 cơ sở giáo dục công lập, 115 cơ sở giáo dục tư thục), giảm 95 cơ sở giáo dục so với năm học 2019-2020; 429 trung tâm ngoại ngữ, cơ sở ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, hoạt động ngoài giờ chính khóa, tư vấn du học; 217 trung tâm học tập cộng đồng.
Tổng số học sinh tính đến tháng 10/2024 là 538.375, trong đó: 112.047 trẻ mầm non, 177.332 học sinh tiểu học, 156.083 học sinh trung học cơ sở, 82.765 học sinh trung học phổ thông, 10.148 học sinh, học viên giáo dục thường xuyên; tăng 45.202 so với năm học 2019-2020. Số sinh viên, học viên theo học tại các cơ sở giáo dục đại học là 35.657 (34.651 sinh viên đại học, 947 học viên thạc sỹ, 59 nghiên cứu sinh tiến sĩ), tăng 6.893 sinh viên so với năm học 2019-2020.
Toàn ngành có 32.866 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên (mầm non: 12.794; tiểu học: 8.664; trung học cơ sở: 7.160; trung học phổ thông: 3.913; giáo dục thường xuyên: 335), tăng 3.260 người so với năm học 2019-2020. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019: mầm non: 88%; tiểu học: 98%; trung học cơ sở: 95%; trung học phổ thông: 100%, giáo dục thường xuyên: 99,5%. Tổng số giảng viên của 04 trường đại học là 2.040 người (307 người trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học; 1.336 người trình độ thạc sĩ; 379 người có trình độ cử nhân), tăng 928 người với năm học 2019-2020.
Từ 2016-2023, thành phố đã điều chỉnh cơ cấu chi ngân sách nhà nước cho giáo dục giữa các bậc học, xây dựng tiêu chí ưu tiên phân bổ chi đầu tư cho ngành giáo dục và đào tạo, hoàn thiện hệ thống định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho giáo dục; nâng cao chất lượng thiết kế và tăng cường giám sát, đánh giá các chương trình mục tiêu đầu tư cho lĩnh vực giáo dục.
Tổng chi ngân sách cho giáo dục giai đoạn 2021-2024 là 22.867,395 tỷ đồng, tăng 10.845,591 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, tỷ lệ chi ngân sách cho giáo dục trong tổng chi ngân sách hằng năm giai đoạn 2021-2024 là 16.52%, giảm 4.05% so với giai đoạn 2016-2020 (tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 của thành phố đạt 533.217 tỷ đồng, gấp 1,42 lần giai đoạn 2016-2020).
Quy mô và tốc độ chi ngân sách cho giáo dục và đào tạo có xu hướng chậm lại trong giai đoạn 2021-2024. Tuy nhiên, quyết toán chi ngân sách nói chung phân bổ cho một học sinh có xu hướng tăng lên. Tính trung bình theo cấp học, bình quân cho 1 học sinh/năm học là: 1.134.000 đồng/năm học (nhà trẻ); 1.190.000 đồng/năm học (mẫu giáo); 664.000 đồng/năm học (trung học cơ sở); 919.000 đồng/năm học (trung học phổ thông).
Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, thành phố bắt đầu thực hiện hỗ trợ học phí cho học sinh bậc học mầm non, trung học cơ sở từ năm học 2020-2021; hỗ trợ học phí cho học sinh trung học phổ thông từ năm học 2021-2022 (trong đó có cả học sinh ngoài công lập) với mức chi trên 300 tỷ đồng mỗi năm.
Thành phố luôn quan tâm đầu tư phát triển về hạ tầng và trang thiết bị cho giáo dục nhằm đồng bộ và hiện đại, 22 dự án đầu tư giáo dục và đào tạo được đầu tư, phê duyệt chủ trương và triển khai thực hiện với tổng kinh phí là 1.975,986 tỷ đồng, tăng 284,275 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020.
Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa
Thực hiện Nghị quyết 35/2019/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng tăng cường các hoạt động nhằm huy động nguồn lực để phát triển giáo dục, khuyến khích các hoạt động đầu tư trong nước và ngoài nước để duy trì, xúc tiến hợp tác đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, hỗ trợ phát triển giáo dục và đào tạo. Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục.
Đối với nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách, giai đoạn 2021-2024, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án với tổng kinh phí là 689,562 tỷ đồng, tăng 406,173 tỷ đồng so với giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay, thành phố đang tiếp tục giải quyết thủ tục đầu tư cho một số dự án trong lĩnh vực giáo dục như: Dự án Tổ hợp giáo dục Tiền Phong tại số 2 An Đà với diện tích sử dụng đất là 37.455,8m2, tổng vốn đầu tư dự kiến là 176 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị giáo dục - công nghệ Hải Phòng trên địa bàn quận Kiến An và quận Dương Kinh do Tập đoàn FPT đề xuất đang triển khai đúng tiến độ và có tính khả thi cao.
Mặc dù, bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong 2 năm đầu nhiệm kỳ 2021-2025 nhưng công tác xã hội hóa giáo dục được thực hiện nghiêm túc, huy động sự đóng góp, tham gia tích cực của các bậc phụ huynh và các tổ chức xã hội trong công tác chăm sóc giáo dục trẻ, phát triển cơ sở vật chất; tổng kinh phí xã hội hóa giai đoạn 2021-2024 là 84,173 tỷ đồng, tương đương với nguồn xã hội hóa giai đoạn 2016-2020.
Thời gian qua, cơ chế chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đã được triển khai mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả tích cực. Mặc dù vậy, quá trình triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Ưu đãi về đầu tư cho giáo dục hiện nay chưa đủ mạnh để hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào giáo dục; còn gặp nhiều trở ngại về thủ tục hành chính trong cấp phép đầu tư, cấp phép hoạt động giáo dục. Quỹ đất đô thị vùng lõi không còn nhiều, diện tích nhỏ, giao thông không thuận lợi nên không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.
Kịp thời tăng mức chi cho giáo dục phù hợp với tình hình địa phương
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng xác định phương hướng trong giai đoạn tiếp theo là xây dựng lĩnh vực giáo dục và đào tạo Hải Phòng trở thành trung tâm giáo dục chất lượng cao hàng đầu Vùng đồng bằng sông Hồng, luôn đứng trong tốp đầu của giáo dục cả nước. Phấn đấu năm 2030 Hải Phòng trở thành là trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển.
Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Hiện đại hóa hệ thống giáo dục phổ thông và mầm non trên cơ sở bảo đảm nền tảng giáo dục cơ bản, gắn kết giữa các hình thức, cấp học và trình độ đào tạo.
Ưu tiên đầu tư phát triển và từng bước nhân rộng một số mô hình trường học tiên tiến hội nhập quốc tế ở bậc giáo dục phổ thông. Phát triển các cơ sở đào tạo đại học đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo đại học.
Thu hút mọi nguồn lực của xã hội để phát triển mạnh giáo dục đào tạo. Ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài xây dựng các trường liên cấp quốc tế, trường đại học đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
Bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra. Đồng thời, kịp thời điều chỉnh tăng mức chi ngân sách nhà nước cho giáo dục và đào tạo phù hợp với tình hình của địa phương. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực giáo dục; ưu tiên đầu tư cho giáo dục, đào tạo vùng khó khăn.
Bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu, nhất là ở các vùng nông thôn, vùng khó khăn; duy trì tỷ lệ phòng học được kiên cố hóa đạt 100%; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình đầu tư công hiện đại hóa giáo dục đại học phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố.
Thực hiện chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo trên tinh thần Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, huy động sự tham gia hiệu quả của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo; nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra.
Cải thiện môi trường đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, bảo đảm cạnh tranh công bằng, minh bạch; có chính sách mạnh mẽ thúc đẩy, khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, nhất là các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng nhằm huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong cơ chế tự chủ tài chính đối với các cơ sở giáo dục, đào tạo công lập.
Triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người học từ ngân sách nhà nước thông qua cấp học bổng hoặc hỗ trợ miễn giảm học phí đối với các ngành, nghề Nhà nước cần ưu tiên phát triển ở các trình độ đào tạo, mở rộng đối tượng và nâng mức ưu đãi cho vay tín dụng.