Giai đoạn 'mới và nguy hiểm' của dịch Covid-19
WHO thúc giục các nhà lãnh đạo trên thế giới và công chúng cần phải cảnh giác cao độ trước đại dịch Covid-19
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hôm 19-6 cảnh báo đại dịch Covid-19 đang bước vào giai đoạn "mới và nguy hiểm" khi số ca mắc mới hằng ngày không ngừng gia tăng. "Virus (SARS-CoV-2 gây Covid-19) vẫn đang lây lan nhanh, gây chết chóc và hầu hết người vẫn dễ mắc bệnh" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định tại cuộc họp báo trực tuyến tại trụ sở ở TP Geneva - Thụy Sĩ.
Thống kê của WHO cho thấy ngày 18-6 có số ca Covid-19 mới nhiều nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay. Trong số hơn 150.000 ca mới này, gần một nửa được phát hiện tại các nước châu Mỹ. Theo Reuters, Nam Á và Trung Đông cũng là 2 khu vực có nhiều ca mắc mới.
Tại châu Mỹ, tình hình dịch Covid-19 tại Brazil đang gây nhiều lo lắng khi số ca mắc đang tăng chóng mặt và vượt mốc 1 triệu hôm 19-6, qua đó tiếp tục là ổ dịch lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ. Số trường hợp tử vong vì Covid-19 tại quốc gia Nam Mỹ này cũng đang tiến gần mức 50.000. Riêng số ca Covid-19 mới trong ngày 19-6 là 54.771, một con số cao kỷ lục.
Cũng theo ông Tedros, điều dễ hiểu nhưng cũng đáng lo là nhiều người chán cảnh ở nhà và nhiều nước nóng lòng mở cửa lại xã hội, kinh tế. Vì thế, các nhà lãnh đạo trên thế giới và công chúng cần phải cảnh giác cao độ trước dịch bệnh và tập trung những điều cơ bản như tiếp tục duy trì giãn cách xã hội, che miệng và mũi khi ho, đeo khẩu trang khi thích hợp, tiếp tục rửa tay… Trong bối cảnh có nỗi lo về sự bùng phát của làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, ông Mike Ryan, chuyên gia của WHO, kêu gọi việc dỡ bỏ phong tỏa phải tiến hành thận trọng, khôn ngoan và dựa trên dữ liệu.
Nỗi lo trên của WHO không phải không có cơ sở nếu nhìn vào những gì đang diễn ra ở Mỹ, nơi dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành nghiêm trọng với gần 2,3 triệu ca mắc và hơn 121.000 người tử vong nhưng không bang nào muốn đóng cửa trở lại. Theo thống kê của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), 20 bang ở Mỹ đang chứng kiến sự gia tăng của số ca Covid-19 mới mỗi ngày. Riêng 4 bang Arizona, Florida, California và Nevada có số ca Covid-19 mới đạt mức cao kỷ lục hôm 19-6.
Diễn biến trên buộc Thống đốc bang Arizona Doug Ducey cho phép thị trưởng các địa phương bắt buộc người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Ngoài ra, ông Ducey lần đầu tiên ra lệnh các doanh nghiệp tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội. Chính quyền một số hạt ở bang Florida cũng đưa ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc nhưng Thống đốc Ron DeSantis cho đến giờ vẫn từ chối thực hiện quy định này cho cả bang.
Theo các nhà phân tích của Công ty Tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group (Mỹ), không bang nào ở Mỹ muốn đóng cửa lại nền kinh tế nên một đợt phong tỏa mới, nếu có, sẽ khó thực thi. "Tại một số bang, các nhà lãnh đạo đối mặt sức ép chính trị phải mở cửa lại. Một khi làm thế, họ không sẵn lòng giảm tốc hoặc đảo ngược tiến trình mở cửa lại trừ khi các bệnh viện bị quá tải" - nhóm chuyên gia của Eurasia Group nhận định.
Ngay cả Tổng thống Donald Trump hôm 17-6 cũng nhấn mạnh Mỹ sẽ không đóng cửa lại nền kinh tế. Nhà lãnh đạo này thậm chí đã lên kế hoạch vận động tranh cử tại một số bang đang có số ca Covid-19 gia tăng (Arizona, Florida, Texas…) làm dấy lên nỗi lo các sự kiện đông đúc trong nhà này càng khiến virus thêm lây lan.
Bắc Kinh mở rộng xét nghiệm SARS-CoV-2
Giới chức thủ đô Bắc Kinh - Trung Quốc đang thực hiện xét nghiệm axít nucleic nhằm phát hiện virus SARS-CoV-2 đối với tất cả nhân viên giao đồ ăn và bưu kiện trong nỗ lực ngăn dịch Covid-19 thêm lây lan. Truyền thông địa phương ngày 20-6 cho biết hoạt động xét nghiệm được mở rộng tại thành phố 20 triệu người này sau khi xuất hiện một loạt ca Covid-19 liên quan tới chợ Tân Phát Địa cách đây hơn một tuần. T
rước đó, nỗ lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 ban đầu tập trung vào các khu dân cư gần chợ Tân Phát Địa và những người làm việc hoặc mua sắm tại chợ này. Theo Reuters, Bắc Kinh ghi nhận hơn 200 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng kể từ ngày 11-6. Riêng ngày 19-6 có 22 ca mắc mới.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở Bắc Kinh, Phó Chủ tịch Tập đoàn China National Biotec (CNBG), ông Zhang Yutao, hôm 18-6 nhận định vắc-xin phòng Covid-19 chưa sẵn sàng bán ra thị trường ít nhất là đến năm 2021. Lý do đưa ra là các nhà nghiên cứu gặp khó trong việc tiến hành các cuộc thử nghiệm trên người với quy mô lớn trong nước.
Reuters cho biết hơn 10 loại vắc-xin đang được thử nghiệm trên người trên toàn cầu nhưng chưa có loại nào qua được giai đoạn 3 của cuộc thử nghiệm trên người vốn đòi hỏi hàng ngàn bệnh nhân tham gia để xác định tính hiệu quả.
Trong khi đó, Công ty Clover Biopharmaceuticals trở thành nhà phát triển vắc-xin Covid-19 tiềm năng thứ sáu của Trung Quốc chuyển sang thử nghiệm trên người hôm 19-6. Clover cho biết dữ liệu về an toàn của vắc-xin từ cuộc nghiên cứu sẽ có vào tháng 8 và công ty này đặt mục tiêu mở rộng cuộc thử nghiệm vào cuối năm.