Giai đoạn nước rút trong chặng đường kinh tế 5 năm: 'Cờ đang trong tay Chính phủ'

Trả lời phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, nhưng để đạt được kết quả như mong đợi thì còn nhiều khó khăn.

Việt Nam đã rất nỗ lực

+ Tính tới thời điểm hiện tại, chặng đường kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025 đã đi được 2/3 quãng đường và chỉ còn hơn 1 năm nữa để “chạy nước rút”. Nhìn lại quãng đường vừa qua, ông đánh giá thế nào về kinh tế Việt Nam?

- Trước khi trả lời câu hỏi này, tôi phải đề cập một vấn đề đầu tiên, đó là vào thời điểm Quốc hội ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi hơn so với các quốc gia trong khu vực và cả thế giới.

Vào thời điểm đó (năm 2021), trong khi thế giới, ngay cả các “siêu cường” kinh tế đều phải loay hoay tìm kiếm giải pháp nhằm giảm thiểu các tác động đại dịch COVID-19, thì Việt Nam đã có phản ứng rất nhanh, rất quyết liệt bằng cách tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trong toàn dân.

Tất nhiên, đại dịch cũng ảnh hưởng ít nhiều tới nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên nhờ vào việc chủ động tiêm vắc-xin, Việt Nam được thế giới đánh giá sẽ là một trong những quốc gia có đà tăng trưởng nhanh thời hậu đại dịch.

Vì vậy, việc Quốc hội đặt ra một số chỉ tiêu tăng trưởng trong chặng đường 5 năm, như GDP bình quân 5 năm đạt 6,5% - 7%, GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 4.700 - 5.000 USD, hay tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong GDP đạt trên 25% là có cơ sở thực hiện.

Sau khi kế hoạch được thông qua, tình hình thế giới lại một lần nữa có những diễn biến “đổi chiều” theo hướng phức tạp và khó khăn hơn.

 Đầu tư công sẽ là yếu tố quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Đức

Đầu tư công sẽ là yếu tố quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Lê Đức

Năm 2022, thế giới đối mặt với tình trạng căng thẳng địa chính trị leo thang, như Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine, căng thẳng giữa các quốc gia vùng Vịnh; khủng hoảng về hàng hải quốc tế, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa tới hồi kết,... tất cả những yếu tố bên này đã tác động rất nhiều đến quá trình phục hồi và duy trì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Phải khẳng định rằng Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn, nhưng để đạt được kết quả như mong đợi thì còn rất nhiều khó khăn.

Ví dụ, năm 2021, GDP Việt Nam tăng trưởng khá thấp, đạt 2,58%. Sang năm 2022, GDP tăng vọt lên 8,02% và năm 2023 chậm lại ở mức 5,05%. Như vậy, trong 3 năm đầu từ 2021 - 2023, mức tăng trưởng bình quân của GDP là khoảng 5%.

Để đạt mục tiêu được Quốc hội đặt ra đến hết năm 2025, GDP tăng bình quân khoảng 6,5% - 7%, thì 2 năm cuối (năm 2024 - 2025) phải tăng trưởng 8%, đây là một thách thức rất lớn trong bối cảnh hiện nay.

 Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB.

Ông Nguyễn Bá Hùng - chuyên gia kinh tế trưởng của ADB.

+ Nếu dựa vào các mục tiêu trong tăng trưởng kinh tế, theo ông những mục tiêu nào Việt Nam khó hoàn thành và những mục tiêu nào “nằm trong tầm tay”?

- Theo dự báo của ADB, năm 2024, GDP Việt Nam có thể tăng 6% và tăng lên 6,2% vào năm 2025. Có thể mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 8% sẽ không đạt được.

Bên cạnh đó, các chỉ số mang tính định hướng chẳng hạn như tỷ lệ kinh tế số 20% (2025) hay chỉ số tăng trưởng năng suất lao động 6,5%/năm đều là những mục tiêu khó đạt được.

Ngược lại, với chỉ số GDP bình quân trên đầu người là có khả năng đạt được. Vào năm 2023 GDP bình quân đầu người của Việt Nam vào khoảng 4.300 USD, vì thế để lên được 4.700 USD trong vòng 2 năm nữa là khả thi.

Đối với mục tiêu tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến chế tạo, thực tế, thời gian qua, Việt Nam đã làm khá tốt việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này, nhưng đồng thời đối với doanh nghiệp trong nước năng lực kỹ thuật, công nghệ và trình độ lao động còn tương đối hạn chế.

Do thời gian còn lại trong kế hoạch 5 năm tương đối ngắn, không đủ để các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực chế biến chế tạo có thể tạo ra hiệu ứng để các doanh nghiệp trong nước đi theo.

Chính phủ cần phải “phất cờ” thông qua các chính sách hỗ trợ mới

+ Năm 2024, Chính phủ xác định đây là năm bản lề, năm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm. Do đó, Chính phủ và các Bộ, ngành địa phương sẽ dốc toàn lực cho chặng đường này về đích. Với những kết quả đạt được trong giai đoạn đầu năm nay, theo ông, kinh tế Việt Nam đã bứt phá chưa?

- Hiện nay, nền kinh tế thế giới vẫn chưa phục hồi, đại dịch vừa đi qua, lập tức các yếu tố địa chính trị xuất hiện, những “cú bồi” liên tục đã khiến bức tranh kinh tế toàn cầu dần trở nên u ám.

Các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đều đang tìm cách vượt qua giai đoạn khó khăn này. Vì vậy, tôi cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ khó dựa vào nhu cầu bên ngoài để tạo được đột phá, và khó tăng nhanh trong năm 2024.

Việt Nam có độ mở kinh tế rộng lại phụ thuộc vào xuất khẩu tương đối lớn, nên quá trình tăng trưởng vẫn cần chờ thêm thời gian nữa. Đó là chưa kể, đầu tư tư nhân, tiêu dùng nội địa vẫn còn đang yếu.

 Dệt may được dự báo sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Ảnh: Quang Vinh

Dệt may được dự báo sẽ lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024. Ảnh: Quang Vinh

+ Vậy, theo ông, muốn nền kinh tế bứt phá, Việt Nam cần những điều kiện gì?

- Sau khi kiểm soát được hoàn toàn đại dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nền kinh tế hồi phục, tăng trưởng. Những chính sách hỗ trợ này dù ít hay nhiều cũng đã mang lại hiệu quả tích cực đối với nền kinh tế.

Ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh không còn là thách thức nữa, nhưng để nền kinh tế thật sự bứt phá thì rất cần có thêm các chính sách hỗ trợ khác, điều này dẫn tới câu chuyện “cờ đang trong tay Chính phủ”.

Muốn kinh tế “phất lên”, Chính phủ cần phải “phất cờ” thông qua các chính sách hỗ trợ mới, có quy mô rộng hơn và mạnh mẽ hơn.

Hiện nay, chính sách tiền tệ hiện tương đối thuận lợi, mặt bằng lãi suất ở mức thấp, do vậy cú hích quan trọng sẽ nằm ở chính sách tài khóa, một là giảm thuế và tăng chi tiêu Chính phủ cho đầu tư công, hai là đẩy mạnh an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội.

Đối với chính sách tài khóa, bên cạnh các giải pháp ngắn hạn như giảm, hoãn một số loại thuế, phí, Việt Nam có thể nghiên cứu các giải pháp tài khóa dài hạn khác, như đẩy nhanh gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, hoặc sử dụng chính sách tài khóa để đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư công nghệ.

Đối với an sinh xã hội, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tình hình việc làm và thu nhập sụt giảm, Chính phủ có thể xem xét trợ cấp bằng tiền đối với nhóm người lao động bị mất việc hoặc bị giảm giờ làm. Phần trợ cấp sẽ giúp họ ổn định cuộc sống, đến khi nền kinh tế phục hồi trở lại, họ có thể quay lại tham gia vào thị trường lao động.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đầu tư công tiếp tục là giải pháp rất quan trọng, vừa giúp kích cầu trước mắt, vừa tạo điều kiện để có hạ tầng tốt hơn, từ đó có thể tạo ra cú hích cho tăng trưởng trong dài hạn.

Tóm gọn lại, nếu Chính phủ sử dụng các giải pháp tài khóa hợp lý, có hỗ trợ phúc lợi xã hội, trợ cấp người lao động yếu thế và đẩy nhanh đầu tư công, có thể trong 2 năm nữa, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ đạt kết quả cao hơn.

 Việt Nam có thể nghiên cứu các giải pháp tài khóa dài hạn khác, như sử dụng chính sách tài khóa để đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư công nghệ. Nguồn: VF

Việt Nam có thể nghiên cứu các giải pháp tài khóa dài hạn khác, như sử dụng chính sách tài khóa để đào tạo 50.000 - 100.000 kỹ sư công nghệ. Nguồn: VF

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết: Tình hình thế giới, khu vực thời gian tới được dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, tạo thách thức, áp lực lớn lên chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô và phát triển kinh tế - xã hội nước ta.

“Trong nước, khó khăn, thách thức và thời cơ, thuận lợi đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn, đòi hỏi chúng ta phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025” - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.

Đầu tư công: Yếu tố quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế

+ Như ông đã chia sẻ, đầu tư công là một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế. Vậy ông đánh giá như thế nào về thực trạng đầu tư công thời gian qua?

- Trong thời gian gần đây, đầu tư công đã có những thành công đáng kể. Một trong số thành công có thể nhìn thấy được như: Hệ thống đường giao thông, hệ thống điện đã có sự nâng cấp đáng kể. Ngoài ra, đầu tư công trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị cũng làm rất tốt.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực đầu tư công Việt Nam thực hiện chưa được tốt, như hạ tầng xử lý rác thải, đảm bảo môi trường đô thị. Do đó, có thể thấy vẫn còn nhiều dư địa đối với đầu tư công để Chính phủ có thể triển khai thực hiện trong thời gian tới.

+ Một trong những “bệnh kinh niên” của đầu tư công đó là giải ngân chậm, ông nhận định thế nào về vấn đề này?

- Vấn đề giải ngân đầu tư công chậm được Chính phủ nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Nhưng trên quan điểm của tôi, việc giải ngân chậm có một số vấn đề cần bàn tới.

Thứ nhất, về vấn đề thủ tục pháp lý. Trong pháp luật đầu tư công quy định các bước tương đối rõ ràng, nhưng để bắt tay thực hiện từng bước lại mất rất nhiều thời gian. Không những thế, các quy định này trong thực tế phải sửa đi sửa lại nhiều lần.

Chúng ta hình dung giống câu chuyện xây nhà, nếu xây chậm, giá vật liệu sẽ tăng, chi phí gọi thợ cũng tăng theo. Làm các dự án đầu tư công cũng vậy, nếu thủ tục nhanh gọn chỉ làm trong vòng vài năm xong tất cả, tiết kiệm được rất nhiều chi phí.

Thứ hai, về tính sẵn sàng. Thông thường, các công việc như thiết kế, giải phóng mặt bằng, đấu thầu có thể làm song song trong lúc chuẩn bị dự án. Sau khi dự án được phê duyệt sẽ triển khai được luôn.

Tuy nhiên, quy trình làm việc của đầu tư công tại Việt Nam phải làm các bước tuần tự, hoàn thành bước này mới tới bước khác, không được “nhảy cóc”, không được làm song song, như vậy cả quá trình thực hiện sẽ kéo dài, tốn thời gian. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng có đề xuất thay vì làm tuần tự, một số việc có thể tiến hành song song.

Thứ ba, yếu tố mang tính hệ quả. Những dự án đầu tư công thực hiện chậm sẽ dồn việc từ năm này qua năm khác. Các năm sau phải hoàn thành hết việc của năm trước mới tính được việc tiếp theo cần làm gì. Hệ quả này ảnh hưởng đến quy trình ngân sách, bởi điều chuyển ngân sách cũng cần có thủ tục và tất nhiên cũng mất rất nhiều thời gian.

Thứ tư, yếu tố mang tính thời sự mới phát sinh. Năm vừa qua nổi lên câu chuyện thiếu đất đá san lấp, cát xây dựng… Do thiếu nguyên vật liệu cũng ảnh hưởng tới quá trình thực hiện dự án và kéo theo hệ lụy chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Tổng hợp lại, mỗi dự án đầu tư công đều có những khó khăn riêng, nhưng khi nhìn ở góc độ chung thì có một số những khó khăn chủ yếu như đã nêu. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng có một số khó khăn chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết ngay được.

Cụ thể, những vấn đề về thủ tục có thể thúc đẩy nhanh hơn, có thể thực hiện nhiều việc song song, để khi các dự án được phê duyệt có thể sẵn sàng triển khai được ngay. Và thứ hai là linh hoạt hơn trong quy trình giám sát.

 Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Ảnh: TS

Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Ảnh: TS

+ Đầu tư công và các chính sách tài khóa đều sử dụng Ngân sách Nhà nước. Nếu Việt Nam vừa đẩy nhanh đầu tư công, vừa có thêm các chính sách tài khóa khác để hỗ trợ kinh tế tăng trưởng, theo ông, Ngân sách Nhà nước có “gánh” được các khoản chi đó không?

- Đầu tiên, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, thâm hụt tài khóa (chi nhiều hơn thu) là chuyện bình thường. Nếu thâm hụt ở mức vừa phải ổn định sẽ tạo thuận lợi hơn cho phát triển, do vậy không nhất thiết phải đặt ra vấn đề cân bằng tài khóa.

Dẫn chứng, năm 2023, Quốc hội duyệt thâm hụt ngân sách khoảng 4,5% GDP, tuy nhiên đến giai đoạn cuối năm, do thu nhiều chi ít nên Bộ Tài chính ước tính thâm hụt thực tế đã giảm xuống chỉ ở dưới 4%.

Xét về mặt vĩ mô, điều quan trọng hơn là tỷ lệ nợ công trên GDP giảm từ 38% xuống 37%, tức đang ở ngưỡng rất an toàn và vẫn còn rất nhiều dư địa. Điều này diễn ra khi kinh tế đang tăng trưởng nóng thì không sao, nhưng khi kinh tế khó khăn, cần tăng chi có hiệu quả để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia có nợ công thấp trong khu vực. Năm 2023 nợ công trên GDP là 37% trong khi ngưỡng trần Quốc hội phê duyệt là 60%. Có nghĩa trong trường hợp thiếu tiền, Chính phủ có thể đi vay, thêm vào đó, không gian để vay cũng khá lành mạnh. Do đó, chúng ta không quá lo ngại việc ngân sách không “gánh” nổi các khoản chi cần thiết cho mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

+ Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện này!

Việt Vũ (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/giai-doan-nuoc-rut-trong-chang-duong-kinh-te-5-nam-co-dang-trong-tay-chinh-phu-post299909.html