Giai đoạn tiếp nối đầy khát vọng của con người Đồng Tháp 'Nghĩa tình, năng động, sáng tạo'
Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 mở ra một giai đoạn tiếp nối, tin tưởng, đầy khát vọng của con người Đồng Tháp 'Nghĩa tình, năng động, sáng tạo'. Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục xây dựng chính quyền điều hành năng động, hiệu quả, phục vụ Nhân dân; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh; tập trung thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, vốn đầu tư, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Nâng cao năng lực công nghiệp, đẩy mạnh kinh tế nông nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân.
Tạo động lực để phát triển toàn diện
Sau 3 ngày Đại hội, các đại biểu đã thống nhất cao các quyết sách phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, tỉnh Đồng Tháp tiếp tục mục tiêu kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền các cấp tinh gọn, liêm chính, phục vụ. Cán bộ, công chức, viên chức tận tụy với công việc, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), Chỉ số Cải cách hành chính cấp tỉnh (PAR Index)... Từng bước xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao năng lực, hiệu quả, trách nhiệm giải trình của bộ máy nhà nước nhằm tạo dựng và khẳng định hình ảnh tỉnh Đồng Tháp là điểm đến hấp dẫn đối với nhà đầu tư; môi trường đầu tư cải thiện, kinh doanh thân thiện; thực hiện nhất quán chủ trương Nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Tháp sẽ đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị; tranh thủ các nguồn vốn đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ, các đường cao tốc qua địa bàn tỉnh. Đề cập đến chỉ tiêu phát triển đô thị hóa giai đoạn 2020 – 2025 đạt 42%, tăng 4% so với giai đoạn 2015 – 2020, đại biểu Lê Hà Luân – Giám đốc Sở Xây dựng Đồng Tháp chia sẻ: “Để hoàn thành mục tiêu phát triển đô thị, dự kiến năm 2020, tỉnh sẽ hoàn thành chương trình, kế hoạch nâng cấp với tổng số đô thị toàn tỉnh từ 15 đô thị (năm 2015) lên 22 đô thị (2 đô thị là thành phố loại II, 1 đô thị thành phố loại III, 3 đô thị loại IV và 16 đô thị loại V), với tỷ lệ đô thị hóa đạt 38%. Có thể nói trong nhiệm kỳ qua, lãnh đạo tỉnh đã mạnh dạn mời gọi tư vấn nước ngoài tham gia thực hiện các đồ án quy hoạch chung, định hướng phát triển các đô thị lớn trong tỉnh. Qua đó mang đến nhiều tư duy mới, phương pháp tiếp cận mới trong tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển hài hòa đô thị và nông thôn, nội dung của các đồ án được đánh giá cao và tạo được sự đồng thuận trong cộng đồng.
Theo thống kê, hiện dân số của tỉnh vào khoảng 1,6 triệu người. Ước tính sơ bộ với tỷ lệ đô thị hóa khoảng 42%, tỉnh cần có thêm tối thiểu 64 ngàn dân cư đô thị mới, tương ứng khoảng 600ha đất đô thị. Để chuẩn bị tốt cho việc này, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh cho thực hiện điều chỉnh Chương trình Phát triển đô thị giai đoạn 2021-2025. Đối với công tác đầu tư, Hội đồng Nhân dân tỉnh cũng đã thống nhất bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh khoảng 1.700 tỷ đồng trong giai đoạn 2021 - 2025 để hỗ trợ các địa phương chỉnh trang, mở rộng không gian đô thị, cải thiện môi trường... UBND các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch bố trí vốn đối ứng khoảng hơn 5.000 tỷ đồng để phát triển đô thị. Sở Xây dựng cũng đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố xác định khu vực phát triển đô thị và xây dựng danh mục mời gọi đầu tư cho khoảng hơn 80 khu đô thị mới với quy mô phấn đấu đáp ứng mục tiêu trên...”.
Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục đẩy nhanh phát triển hạ tầng giao thông, tạo nền tảng kết nối và phát triển các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch gắn kết hài hòa với phát triển đô thị. Đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh, đường huyện và hệ thống giao thông nông thôn hiện có và đầu tư xây dựng các tuyến đường mới phục vụ cho phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch. Trên những nền tảng đã đạt được, chính quyền và Nhân dân Đồng Tháp tiếp tục liên kết, đổi mới công tác truyền thông, quảng bá du lịch, trong đó chú trọng phát triển các khu du lịch sinh thái.
Hướng đến những mục tiêu mới
Trên lĩnh vực văn hóa – xã hội, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu được thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển trong điều kiện tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh, cùng với việc nâng chất lượng đào tạo và chất lượng giảng dạy, các đơn vị tiếp tục liên kết với các trường đại học trong và ngoài nước để đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phấn đấu đưa chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn của tỉnh Đồng Tháp xếp trong nhóm dẫn đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trong lĩnh vực đào tạo nghề, việc làm, các loại hình đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng và xã hội hóa; chú trọng đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Xây dựng, phát triển cơ sở hệ thống dữ liệu về thị trường cung - cầu lao động và các cơ sở đào tạo, xây dựng cơ chế đào tạo nghề theo yêu cầu, tiêu chí của doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động nước ngoài. Theo đó, đến năm 2025: tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học mẫu giáo, Tiểu học, THCS và THPT tăng, tỷ lệ lao động qua đào tạo 79%, trong đó qua đào tạo nghề đạt 57%.
Phát huy hiệu quả, tiềm năng kinh tế biên giới gắn với ổn định dân cư, chăm lo đời sống người dân, đầu tư hạ tầng và khai thác hiệu quả các cửa khẩu, thúc đẩy thương mại biên giới làm động lực chính để phát triển kinh tế biên giới. Đại biểu Đinh Văn Năm – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tân Hồng cho biết: “Với 18 chỉ tiêu được lấy ý kiến biểu quyết bằng phiếu trong Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, tôi thấy rằng đây là các chỉ tiêu sát, đúng với tình hình thực tế của tỉnh và các địa phương; các chỉ tiêu đều mang tính khả thi cao. Bản thân tôi thống nhất cao với 18 chỉ tiêu được lấy ý kiến biểu quyết, đặc biệt là các chỉ tiêu như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân 5 năm đạt 7,5% (chỉ tiêu 1); đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người tăng gấp 1,7 lần so với năm 2020 (tương đương 3.434 USD) (chỉ tiêu 2); tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% (dự kiến theo chuẩn mới) (chỉ tiêu 8). Đó là 3 chỉ tiêu rất thiết thực, phù hợp thực tế của tỉnh nói chung và huyện Tân Hồng nói riêng.
Việc xác định các chỉ tiêu phù hợp tình hình địa phương là tiền đề quan trọng giúp huyện vùng biên như Tân Hồng có thêm động lực quyết tâm xây dựng, phát triển địa phương. Cụ thể, thời gian tới, để thực hiện chỉ tiêu số 8 (tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 3% (dự kiến theo chuẩn mới)), huyện Tân Hồng đang thực hiện các giải pháp như: xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác, thúc đẩy liên kết Nhân dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đồng thời tích cực kêu gọi các nhà đầu tư đến đầu tư trên địa bàn huyện để góp phần phát triển kinh tế huyện biên giới; đồng thời tiếp tục thực hiện Kết luận 27 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa X và Đề án phát triển kinh tế biên giới của UBND tỉnh”.
Với sự kế thừa, ổn định, hướng đến sự đổi mới và phát triển thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng sống của Nhân dân; Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Đồng Tháp xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo. Khẳng định thương hiệu “Đất Sen hồng”, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, xuất khẩu hàng hóa, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.