Giải khuây kiểu chưa từng có: Bỏ 60 triệu bay 1 vòng mà không đi đâu
Từ đồ ăn, quà lưu niệm tới chuyến bay không điểm đến, các hãng hàng không xoay sở mọi cách để cầm cự trong đại dịch.
Chuyến bay không điểm đến
Ngành hàng không chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh, đặc biệt các nước như Singapore không có có các đường bay nội địa. Với số lượng nhân viên lên tới hàng nghìn người và chi phí khổng lồ, các hãng hàng không đang phải tìm cách để kiếm tiền sống qua mùa dịch.
Hãng hàng không Singapore Airlines cũng tiết lộ kế hoạch bay từ sân bay Changi đến Changi lòng vòng trên trời trong khoảng 3 giờ, tạo cơ hội bay cho những tín đồ du lịch cuồng chân trong mùa dịch. Dự kiến các chuyến bay này sẽ diễn ra trước cuối tháng 10.
Theo Straits Times, kế hoạch của Singapore Airlines ra đời sau khi một khảo sát do công ty Singapore Air Charter thực hiện cho thấy 75% người tham gia khảo sát sẵn sàng mua vé để lên những chuyến bay không điểm đến.
Xu hướng chuyến bay "không điểm đến" được nhiều hãng hàng không khách thực hiện. Qantas của Australia cũng đã thực hiện chuyến bay kỳ lạ nhất trong lịch sử của mình.
Theo đó, hành khách sẽ bay cùng hãng trong suốt 7 giờ, từ Queensland và Gold Coast, New South Wales và những vùng hẻo lánh của Úc. Từ trên cao, các du khách sẽ có thể nhận ra các điểm tham quan nổi tiếng của Australia như cảng Sydney và rạn san hô Great Barrier. Máy bay cũng sẽ bay qua một số điểm cố định, bao gồm cả Uluru và bãi biển Bondi.
Hành trình bay đặc biệt sẽ diễn ra trên chiếc máy bay Qantas Boeing 787 Dreamliner với cửa sổ lớn, lý tưởng cho việc ngắm cảnh từ độ cao 9.100 m. Chuyến bay số hiệu QF787, khởi hành từ sân bay nội địa Sydney vào ngày 10/10 và quay trở lại điểm xuất phát 7 giờ sau đó, đã bán ra 134 vé, chia làm 3 hạng với giá tiền dao động từ 566 USD (khoảng 12 triệu đồng) đến 2.734 USD (tương đương 60 triệu đồng).
Hãng hàng không ANA bán vé cho một chuyến bay không có điểm đến trên máy bay Airbus A380. Khoảng 300 người đã mua vé để tận hưởng trải nghiệm về một khu nghỉ dưỡng ở Hawaii trên chiếc phi cơ từng bay qua lại giữa Tokyo và Honolulu (thuộc Hawaii). ANA chọn hành khách bằng hình thức quay xổ số.
Còn hãng hàng không TigerAir có chương trình bay từ Đài Bắc, bay vòng qua đảo Jeju của Hàn Quốc với giá 236 USD (gần 5,5 triệu đồng). Giá vé còn bao gồm phiếu mua vé máy bay khứ hồi từ Đài Loan, Trung Quốc đến Hàn Quốc, có giá trị 1 năm, được sử dụng sau khi lệnh cấm du lịch do dịch bệnh được dỡ bỏ.
Một sân bay của Đài Loan còn cung cấp dịch vụ ''giả vờ bay''. Những người tham gia sẽ được phép lên máy bay như thể họ đang lên một chuyến bay thực sự, sau đó họ sẽ hạ cánh và quay trở lại sau khi nhập cư.
Những người đi tour cũng sẽ là "người đầu tiên trải nghiệm các cơ sở mới tại sân bay", các phi công cho biết thêm rằng du khách có thể "hoàn thành nhiệm vụ" và mang về nhà "những món quà riêng bí mật".
Mở nhà hàng bán đồ lưu niệm
Một cách khác để tồn tại, hãng hàng không mở nhà hàng, giúp cho các du khách “cuồng chân” có thể trải nghiệm đồ ăn như đang trên máy bay. Thai Airways đã mở một nhà hàng tại trụ sở ở Bangkok (Thái Lan) từ đầu tháng 9. Hãng đã thiết kế nhà ăn tại trụ sở hãng giống với không gian trên máy bay và mở bán thực đơn những món ăn đặc biệt trên các chuyến bay.
Các món ăn trong thực đơn của nhà hàng đều là những món được cung cấp trên chuyến bay. Theo đó, giá của các món ăn dao động từ 3-5 USD. Thực khách cho biết họ rất thích các món ăn mà Thai Airways cung cấp nhưng chỉ có thể dùng bữa khi đi máy bay bởi vậy hình thức kinh doanh mới này khiến họ rất hài lòng.
Hãng hàng không Cathay Pacific đã bắt đầu dịch vụ giao suất ăn trên máy bay tới tận nhà những hộ dân sinh sống tại khu vực Tung Chung gần sân bay quốc tế Hong Kong. Phát ngôn viên của Cathay Pacific cho hay, họ biết người làm việc trong khu vực sân bay muốn mua suất ăn trưa hoặc ăn tối mang đi để duy trì giãn cách xã hội. Chính vì thế, hãng đã nghĩ ra sáng kiến này.
Còn British Airways nghĩ tới sáng kiến nhắm đến những người yêu nghệ thuật. Hồi tháng 7, hãng hàng không này đã trưng bày 17 tác phẩm nghệ thuật được đánh giá cao trong phòng chờ sân bay và trụ sở chính. Kết quả là họ thu về 2,8 triệu USD từ việc bán các tác phẩm của các nghệ sĩ nổi tiếng như Bridget Riley và Damien Hirst.
Bên cạnh đó, những món đồ của máy bay cũng được nhiều khách hàng quan tâm. Hãng hàng không Qantas đưa ra một sản phẩm hấp dẫn giá chỉ 18 USD dành cho khách hàng, bao gồm bộ đồ ngủ hạng thương gia, một bộ mỹ phẩm cá nhân và một số đồ ăn nhẹ trên chuyến bay.
Cathay Pacific còn rao bán trực tuyến sản phẩm dùng trên máy bay để thúc đẩy doanh số thương mại điện tử của tập đoàn. Trang mua sắm trực tuyến của Cathay Pacific tung ra các ưu đãi như cơ hội nhận được Apple MacBook nếu khách tích lũy được 360.000 km đường bay.