Dưới thời Tam Quốc, Lưu Bị cùng với Tào Tháo và Tôn Quyền tạo nên thế chân vạc suốt nhiều năm. Là người lập nên nhà Thục Hán, Lưu Bị trở thành nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất thời kỳ này.
Không giống như Tào Tháo và Tôn Quyền xuất thân từ tầng lớp quý tộc và có cơ sở vững chắc để xây dựng đại nghiệp, Lưu Bị dùng đôi bàn tay trắng gây dựng cơ đồ.
Mặc dù là hậu duệ Hán thất nhưng Lưu Bị sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo khó nên có cuộc sống vất vả.
Theo các sử liệu, Lưu Bị có tên tự là Huyền Đức, người huyện Trác, quận Trác thuộc U châu. Ông là dòng dõi của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng - con trai thứ của Hán Cảnh Đế.
Ông nội Lưu Bị là Lưu Hùng từng được cử làm Hiếu liêm, làm huyện lệnh huyện Phạm thuộc Đông quận. Cha Lưu Bị là Lưu Hoằng mất sớm.
Đến đời Lưu Bị, gia đình ông chỉ là bần nông. Lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mất sớm, Lưu Bị cùng mẹ làm cộng việc bện giày cỏ, chiếu cỏ để có tiền trang trải sinh hoạt hàng ngày.
Từ một người bán giày cỏ, Lưu Bị dùng sự thông minh, tài mưu lược hơn người để chiêu hiền đãi sĩ nhằm gây dựng sự nghiệp riêng.
Nhờ chiêu mộ được nhiều nhân tài ở nhiều lĩnh vực như Gia Cát Lượng, Quan Vũ, Trương Phi..., Lưu Bị từng bước trở thành thế lực hùng mạnh thời Tam quốc.
Sau nhiều năm bôn ba, Lưu Bị từ một người làm nghề đan giày cỏ kiếm sống trở thành hoàng đế khai quốc nhà Thục Hán.
Về sau, Lưu Bị là hoàng đế duy nhất trong thời Tam quốc được thờ tại Đế vương miếu. Đây là ngôi miếu do nhà Minh, nhà Thanh xây dựng để thờ phụng các hoàng đế chính thống của Trung Hoa.
Mời độc giả xem video: Trung Quốc yêu cầu Ban giám hiệu ăn cùng học sinh. Nguồn: THDT.
Tâm Anh (TH)