Giải mã bí ẩn đường hầm của người Inca cổ đại
Các nhà khảo cổ học tại Peru mới đây đã xác nhận những suy đoán kéo dài hàng thế kỷ về sự tồn tại của một mạng lưới đường hầm ngầm dưới thành phố lịch sử Cusco (Peru), gần kỳ quan thiên nhiên thế giới Machu Picchu nổi tiếng.
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy hơn một km đường hầm, được cho là do người Inca cổ đại xây dựng. Theo Hiệp hội các nhà khảo cổ học Peru, mạng lưới đường hầm này, gọi là Chincana nghĩa là mê cung trong ngôn ngữ Quechu, kết nối Đền thờ Mặt trời với pháo đài cổ Sacsayhuaman.
Hai nhà khảo cổ Jorge Calero Flores và Mildred Fernandez Palomino cho biết trong một buổi họp báo rằng hệ thống đường hầm còn có ba nhánh khác, mỗi nhánh dẫn đến các khu vực khác nhau của thành phố. Tại điểm sâu nhất, đường hầm Chincana được cho là sâu khoảng 2,5 m.
Cuộc tìm kiếm mạng lưới đường hầm này bắt đầu sau khi các tài liệu lịch sử từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18 đề cập đến. Một tài liệu do một linh mục người Tây Ban Nha viết vào năm 1594 cho biết một đường hầm chính bắt đầu từ Đền thờ Mặt trời, đi qua dưới nhà của giám mục phía sau Nhà thờ Cusco, và kết thúc tại pháo đài Sacsayhuaman.
Sử dụng các phương pháp kiểm tra âm thanh và radar, các nhà nghiên cứu đã xác định vị trí của các đường hầm và phát hiện các bức tường, có khả năng được xây dựng bằng đá và mái lợp bằng các dầm chạm khắc, nằm sâu từ 1,4 đến 2,5 m dưới lòng đất.
Nhà khảo cổ Palomino chia sẻ: “Chúng tôi sẽ phải khai quật tại các điểm trọng yếu để có thể tiến vào Chincana, có thể sẽ bắt đầu vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới”.
Cusco, di sản thế giới được tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận, từng là thủ đô lịch sử của đế chế Inca cổ đại.
Thành phố này là điểm đến của hàng triệu du khách mỗi năm, nhiều người trong số đó chọn Cusco làm nơi dừng chân trước khi hành trình đến Machu Picchu, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới.
Dưới sự cai trị của người Inca, Cusco được phát triển thành một trung tâm đô thị phức hợp với các chức năng tôn giáo và hành chính riêng biệt.
Thành phố nổi tiếng với di sản kiến trúc và văn hóa độc đáo, minh chứng cho sự phát triển rực rỡ của một trong những nền văn minh vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.
Phát hiện này không chỉ làm sáng tỏ những bí ẩn lịch sử của Cusco mà còn mở ra cơ hội nghiên cứu thêm về kiến trúc và kỹ thuật xây dựng tiên tiến của người Inca.
Khi các cuộc khai quật được tiến hành, các nhà khảo cổ hy vọng sẽ làm rõ hơn về vai trò của hệ thống đường hầm này trong đời sống và tín ngưỡng của đế chế Inca.