Giải mã bí ẩn về cú đập cánh của loài bướm
Cách loài bướm bay lượn cho đến nay vẫn còn là một bí ẩn đối với các nhà nghiên cứu, do đôi cánh to và rộng bất thường của chúng so với kích thước cơ thể của chúng.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Lund ở Thụy Điển đã nghiên cứu khí động học của những con bướm trong một đường hầm gió. Kết quả cho thấy loài bướm sử dụng kỹ thuật vỗ tay hiệu quả cao, do đó tận dụng được đôi cánh độc đáo của chúng. Điều này giúp chúng nhanh chóng cất cánh khi thoát khỏi những kẻ săn mồi.
Nghiên cứu giải thích lợi ích của cả hình dạng cánh và tính linh hoạt của đôi cánh của chúng.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu về nhịp cánh của những con bướm bay tự do trong đường hầm gió. Trong quá trình vung lên, đôi cánh tách ra, tạo ra một khoảng chứa đầy không khí giữa chúng. Khi hai cánh va chạm, không khí bị đẩy ra ngoài, tạo ra một phản lực quay ngược lại đẩy những con bướm về phía trước. Nhịp cánh hướng xuống có một chức năng khác: giúp bướm ở trên không và không rơi xuống đất.
Việc hai cánh va chạm đã được các nhà nghiên cứu mô tả gần 50 năm trước, nhưng chỉ trong nghiên cứu mới nhất, lý thuyết này mới được thử nghiệm trên những con bướm thực đang bay tự do. Từ trước đến nay, quan niệm chung cho rằng cánh bướm không hiệu quả về mặt khí động học, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng điều ngược lại thực sự đúng.
"Cánh được khum lại khi chúng vỗ vào nhau, làm cho động tác vung cánh hiệu quả hơn nhiều. Đó là một cơ chế tao nhã, tiên tiến hơn nhiều so với những gì chúng ta tưởng tượng. Bướm được hưởng lợi từ kỹ thuật này", nhà nghiên cứu sinh học Per Henningsson, người đã nghiên cứu khí động học của loài bướm cùng với đồng nghiệp Christoffer Johansson, cho biết.
“Hình dạng và tính linh hoạt của cánh bướm có thể truyền cảm hứng cho việc cải tiến hiệu suất và công nghệ bay trong các máy bay không người lái", theo các nhà khoa học.
Ngoài việc nghiên cứu những con bướm trong đường hầm gió, các nhà nghiên cứu đã thiết kế đôi cánh cơ học bắt chước những con bướm thật. Hình dạng và tính linh hoạt của các cánh cơ khí khi chúng được uốn cong và gập lại đã chứng minh hiệu quả.