Giải mã bí ẩn về đợt phun trào bất thường của ngọn núi lửa nguy hiểm ở châu Phi
Năm ngoái, một trong những ngọn núi lửa nguy hiểm nhất ở châu Phi đã phun trào mà không báo trước. Các nhà khoa học giờ đã biết lý do.
Theo tờ New York Times, Nyiragongo là một ngọn núi lửa cao ở Congo, lúc nào cũng trong tình trạng hoạt động. Ngọn núi này có hồ dung nham hiếm bao quanh, liên tục được bổ sung nhờ magma sục sôi bên dưới. Nhưng vào ngày 22/5/2021, những thứ bên trong núi lửa đã tìm thấy một con đường khác để trào ra ngoài. Chúng chảy ra từ các vết nứt trên sườn núi lửa về phía thành phố Goma, khiến ít nhất 31 người chết, 750 người bị thương, hàng nghìn người phải di dời.
Trong một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, bà Delphine Smittarello, một nhà địa vật lý tại Trung tâm Địa động lực học và Địa chấn châu Âu ở Walferdange (Luxembourg) và các đồng nghiệp đã trình bày rõ tại sao núi lửa này đã khiến tất cả mọi người ngạc nhiên khi đột ngột phun trào khác thường.
Hầu hết các núi lửa được giám sát đầy đủ đều xuất hiện các tín hiệu cảnh báo trước khi phun trào. Magma đi xuyên qua đá tạo ra các loại động đất đặc biệt, làm biến dạng đất khi nó trồi lên và giải phóng khí độc. Một số núi lửa hoạt động mạnh đến mức chúng luôn tạo ra những hỗn loạn đáng chú ý, nhưng chỉ cần một thay đổi rõ rệt trong hành vi thông thường là các nhà khoa học đã có thể phát hiện ra một đợt phun trào sắp xảy ra.
Núi Nyiragongo thì không như vậy vào năm 2021. Đối với bất kỳ chuyên gia nào, ngọn núi lửa này vẫn hoạt động bình thường.
Bà Smittarello, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi không phát hiện được thay đổi mạnh mẽ nào có thể cho chúng tôi biết rằng sắp có một vụ phun trào”.
Nhóm của bà cho rằng trước khi xảy ra đợt phun trào bất ngờ, magma đã xâm nhập vào bên dưới sườn của Nyiragongo. Nhưng sau đó, magma đã chờ đợi. Không chỉ chờ đợi trong im lặng, mà khối nóng chảy đã ở gần bề mặt đến mức nếu phần sườn bị vỡ ra, magma sẽ ngay lập tức phun ra mà không có dấu hiệu âm thanh báo trước như thông thường.
Việc sườn núi vỡ chỉ là vấn đề thời gian. Vào ngày 22/5, phần sườn núi bị suy yếu theo thời gian đã đầu hàng magma. Trong sáu giờ, núi lửa phun trào qua những vết nứt mới.
Bà Emily Montgomery-Brown, một nhà địa vật lý tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, cho biết loại phun trào không báo trước này dạy cho các nhà khoa học một bài học khó khăn: Luôn có những điều mà chúng ta không hiểu và đừng tự mãn.
Với chất lỏng bất thường, dung nham chảy nhanh và phun mạnh khí CO2 vào các môi trường xung quanh, Nyiragongo là một ngọn núi lửa cực kỳ nguy hiểm đối với Goma ở Congo và Gisenyi - một thành phố tiếp giáp của Rwandan.
Các vụ phun trào ở sườn của Nyiragongo vào năm 1977 và 2002 đã giết chết hàng trăm người, nhưng cả hai lần đều có dấu hiệu cho thấy magma sắp trào lên bề mặt. Các dấu hiệu gồm động đất lớn, chuyển động của hồ dung nham, núi lửa Nyamulagira gần đó phun trào, các đường dẫn magma dưới lòng đất bị cuốn vào một phần với đường magma của Nyiragongo.
Kể từ năm 2015, một bộ phận địa chấn mới đã được thành lập trong khu vực để hiểu âm thanh của Nyiragongo. Một phần là nhờ vào hồ dung nham sủi bọt không ngừng, nên âm thanh mà nó tạo ra không bao giờ kết thúc. Cố gắng tìm ra những thay đổi bất thường từ “bản nhạc giao hưởng” đó cũng giống như xác định một giọng nói mới trong một đám đông khổng lồ đang nói chuyện. Điều này không phải là không thể, nhưng cực kỳ khó.
Mặc dù Đài quan sát núi lửa Goma đã gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây, nhưng các nhân viên và các đối tác toàn cầu của đài này đã cố gắng theo dõi núi lửa Nyiragongo xung quanh thời gian phun trào. Theo như những gì họ nói, họ không phát hiện ra tín hiệu báo trước nào trước vụ phun trào năm 2021.
Để chắc chắn rằng không có gì lọt qua tầm quan sát, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã xem xét kỹ lưỡng dữ liệu khoa học mà họ thu thập được vào thời điểm đó. Mối quan tâm của họ đã được xác nhận: Nyiragongo không có hoạt động địa chấn kỳ lạ nào. Ngay cả đài quan sát hiện đại nhất cũng sẽ không nhìn thấy dấu hiệu nào.
Ông Benoît Smets, một chuyên gia địa chất tại Bảo tàng Hoàng gia Trung Phi ở Tervuren (Bỉ), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Đây là một ngọn núi lửa kỳ lạ. Sử dụng các phương pháp giám sát truyền thống với Nyiragongo có nghĩa là bạn sẽ không thể phát hiện ra những kiểu phun trào như vậy. Điều đó khiến ngọn núi lửa này càng trở nên nguy hiểm hơn những gì người ta nghĩ trước đây”.
Khả năng tàng hình của Nyiragongo không phải là duy nhất. Những ngọn núi lửa khác có thể để dung nham trào ra khỏi những vết nứt một cách tương đối lặng lẽ, trong khi những ngọn núi lửa khác tạo ra những luồng hơi nước bất ngờ.