Giải mã bí ẩn về 'người rắn' bị rắn hổ chúa 'báo oán'
Vốn là một cậu bé khỏe mạnh nhưng hơn 10 năm trở lại đây, cơ thể của Lâm Sang (SN 1986) bỗng nhiên biến đổi một cách kỳ lạ.
Vốn là một cậu bé khỏe mạnh nhưng hơn 10 năm trở lại đây, cơ thể của Lâm Sang (SN 1986) bỗng nhiên biến đổi một cách kỳ lạ. Bàn chân dài quắt queo, đôi tay với những ngón dài thuồn thuột, ngoằn ngoèo, toàn thân nổi lên những mảng vẩy trắng bợt và bong tróc không ngớt.
Người dân ở ấp Vĩnh Thành B, xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) vẫn hết sức hoang mang khi cho rằng nguyên do của sự lạ trên là do “thần xà” báo oán vì Lâm Sang đã hóa rắn ngay sau khi bắt một mang chúa về làm thịt?! Phóng viên đã vén bức màn sự thật đằng sau câu chuyện kỳ quái này.
Hoang mang lời đồn "rắn báo oán"
Câu chuyện về cậu bé Sang cách đây 10 năm về trước bắt rắn làm thịt rồi bị rắn báo oán vẫn còn làm xôn xao dư luận ở thị xã Vĩnh Châu. Để tìm hiểu thực hư câu chuyện này phóng viên đã cất công tìm về gia đình cậu bé. Cho đến giờ, người dân nơi đây vẫn hoang mang về chuyện kỳ quái này.
Mới tới đầu làng, nhác thấy bóng người lạ, một vài người dân ở ấp Vĩnh Thành B đã biết là chúng tôi muốn tìm hiểu về câu chuyện của cậu bé hóa rắn: “Các chú tìm nhà cháu Sang phải không, đi hết đường này, đến ngã tư kia rồi rẽ trái, qua đoạn có lắm cây cối rậm rạp, rồi hỏi nhà cậu bé “da rắn” là ai cũng biết”, một phụ nữ bán hàng tạp hóa nhanh nhẹn chỉ đường. Tiếp chúng tôi trong căn nhà tranh chật chội, bà Lâm Hiên (57 tuổi), mẹ của Sang buồn rầu chia sẻ về căn nguyên dẫn tới căn bệnh quái ác của con trai bà. Vốn là người nông dân chân lấm tay bùn nên bà Hiên và nhiều người dân trong ấp vẫn tin rằng Lâm Sang bị như vậy là do “rắn thần” báo oán.
Bà Hiên vẫn còn nhớ như in câu chuyện của 10 năm về trước: “Lúc bấy giờ kinh tế của gia đình tôi chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, thức ăn hằng ngày là con cua, con cá ngoài đồng. Chồng tôi, ông Lâm Mách (59 tuổi) cũng là một người nông dân. Kể từ khi chúng tôi nên vợ nên chồng không ai ý thức về sinh đẻ nên đứa đầu chưa kịp lớn lên, đứa sau đã ra đời. Sáu đứa con vì hoàn cảnh khó khăn nên đứa thì đi ở đợ, đứa làm mướn..., may cái trời thương nên đứa nào cũng khỏe mạnh. Thằng Sang là con thứ bốn trong nhà, tính tình nó vốn dĩ hiền lành lại siêng năng nên được một gia đình sống trong xã đồng ý cho đến làm việc và giao cho cháu nhiệm vụ canh giữ đầm tôm”.
Nhấp vội ngụm nước, bà Hiên tiếp câu chuyện: “Công việc hằng ngày của nó là trông nom ruộng tôm, chăm sóc, cho tôm ăn... Sau một thời gian làm việc chăm chỉ, thằng Sang được nhà chủ làm cho một cái chòi để ăn, ngủ ngoài đồng luôn. Tôi cũng không còn nhớ rõ ngày tháng năm nào, mà chỉ nhớ vào một buổi chiều nó về nhà thăm bố mẹ, sau đêm đó nó bảo người con nổi đầy nốt nhỏ màu đỏ đỏ, trắng trắng. Tôi cứ nghĩ là do con mình nổi mụn và sáng hôm sau vẫn thấy nó đi làm bình thường. Nhưng những vết mụn đó càng ngày càng lan rộng khắp cơ thể. Do hoang mang lo lắng, không biết nó bị làm sao gia đình tôi đã nhờ thầy cúng trong thôn xua tà đuổi cho cháu, song cũng chẳng đâu vào đâu".
Ngồi im trong góc nhà, ông Lâm Mách rất buồn rầu về bệnh tình của đứa con trai mình. “Cách đây 10 năm, khi thằng Sang nghỉ làm ở đầm tôm về nhà đi bắt ếch thì tình cờ bắt được một con rắn to khoảng nửa cân. Nhiều năm làm nông tôi biết đó là chúa nên đã khuyên thằng Sang thả ra, nhưng đám thanh niên bạn nó đã nhanh chóng tụ tập vì có mồi ngon.
Không lâu sau, cả nhóm nhất trí xả thịt con rắn để làm món giả cầy. Lúc bấy giờ thằng Sang vì thấy người hơi mệt nên chỉ gắp một vài miếng rồi đi nghỉ. Sau bữa nhậu ấy, Sang bắt đầu có dấu hiệu phát bệnh. Chúng tôi nghĩ đó là mấy bệnh ngoài da thường gặp nên không quan tâm”, ông Mách nhớ lại.
Anh Lù Út (32 tuổi) người cùng thôn nói với tâm trạng không kém phần kỳ bí: “Chúng tôi ngay từ khi còn nhỏ đã được ông bà, cha mẹ răn đe rằng "rắn thần" thường xuyên qua lại ven đường quanh khu vực này nên ai cũng sợ, hễ thấy rắn hổ chúa, dù lớn hay nhỏ, dù ở địa điểm nào cũng không được xua đuổi, đánh đập. 10 năm về trước, khi thằng Sang phát bệnh nổi nhiều nốt ở da chúng tôi đã nghi ngờ ngay nó đã làm gì có lỗi với rắn chúa. Mặc dù gia đình nó giấu, nhưng sau này khi gặp các thầy cúng nó phải khai ngay là đã ăn thịt “rắn thần”. Việc nó hiện nay nằm quắt queo, da nổi vẩy chính là bị báo ứng”?!
Sự thật về biến chứng của căn bệnh thường gặp
Mặc dù nằm còng queo, hầu như bất động, nhưng Lâm Sang vẫn có thể giao tiếp bình thường. Sang cho biết trong người em vẫn cảm thấy bình thường không đau đớn gì cả. Tuy nhiên móng tay của em cứ dài ra nhưng không cắt được, vì nếu dùng dao kéo đụng vào máu sẽ chảy ra.
Về việc mình, bà Hiên buồn bã: “Anh biết rồi đó, gia đình tôi lấy đâu ra tiền mà đưa nó đi chữa trị chỗ này chỗ khác. Khi nó mới phát bệnh, tôi nghĩ nó chỉ bị bệnh “âm” mà đâu nghĩ đến chuyện nó bị “báo oán”. Trước đây tôi đã đưa nó đến chùa để chữa trị nhưng nhà chùa cũng bó tay. Rồi các vị thầy lang mong các thầy cũng xin chịu thua, vì thầy chưa bao giờ gặp phải căn bệnh lạ như thế này. Thời gian về sau, có người cho chúng tôi mấy thang thuốc bằng lá đưa về uống, nhưng bệnh chẳng những không đỡ mà càng ngày càng nặng hơn”.
Một thời gian sau, bệnh tình của Sang ngày càng nặng nên gia đình mới tá hỏa đưa cháu đi khám bệnh ở các trung tâm y tế xã. Tuy nhiên ở đó bác sỹ vẫn không biết được đó là bệnh gì.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hoàng Sơn, Trưởng trạm Y tế xã Vĩnh Hải cho biết: “Vấn đề người dân tin tưởng vào câu chuyện cháu Lâm Sang ở ấp Vĩnh Thành B ăn thịt rắn rồi bị rắn báo oán là điều hoàn toàn không đúng. Tôi là bác sỹ nên tôi xem cháu Sang như là một bệnh nhân mang chứng bệnh “lạ” cần được chữa trị. Ngay sau khi biết thông tin này, tôi đã chủ động đến nhà để khám mong chữa trị cho cháu khỏi bệnh. Nhưng, thật sự trong cuộc đời khám chữa bệnh của tôi chưa bao giờ gặp phải căn bệnh lạ như thế”.
Ông Sơn cho biết thêm: “Sau khi khám bệnh cho cháu Sang về, tôi đã gọi điện cho các bác sỹ ở bệnh viên TP. Hồ Chí Minh trình bày với họ về triệu chứng của căn bệnh. Ngay sau đó, đích thân ông Giám đốc bệnh viện cùng đội ngũ y bác sỹ đã đến khám và cấp phát thuốc miễn phí. Các bác sỹ trong đoàn cho biết, thực chất đây chính là căn bệnh vẩy nến bị biến chứng. Do khi mới phát bệnh gia đình không chịu đưa đến các bệnh viện tuyến trên khám, để đến khi bệnh bị biến chứng rồi mới cầu cứu các trung tâm nên không còn cách nào chữa trị. Bệnh vẩy nến mặc dù nổi các nốt chảy nước, nhưng nó không lây lan hay truyền bệnh cho người khác. Thời gian về sau, nhờ được cấp phát thuốc hợp lý nên da của cháu Sang đã không còn bong nước nữa nhưng cháu sẽ phải nằm liệt giường suốt đời”.
Đi tìm nguồn gốc của những tin đồn
Khi Sang phát bệnh, làn da nổi nhiều nốt rồi chuyển sang có nhiều vẩy trông giống như da rắn, thậm chí tư thế nằm của em cũng cong queo như hình con rắn. Chính bởi hình dạng của cậu bé như vậy nên người dân ở đây lại càng đồn đoán rằng Sang ăn phải thịt rắn hổ chúa và bị báo thù nên mới đến nông nỗi này. Có lẽ chính sự đồn đoán này càng làm cho câu chuyện đi theo một hướng hoàn toàn khác.