Giải mã bí ẩn xung quanh cái chết của vua Quang Tự
Sử sách Trung Quốc ghi chép rằng, vua Quang Tự - vị vua gần cuối cùng của nhà Thanh đã bị bệnh mà qua đời ở tuổi 38, song trên thực tế, điều này hoàn toàn là một sự lầm tưởng.
Từ trước đến nay, người Trung Quốc vẫn có một mối nghi ngờ lớn đối với cái chết của Hoàng đế Quang Tự - vị vua gần cuối cùng của triều đình nhà Thanh.
Sử sách ghi chép rằng, ông vua này tử vong vì bệnh tật song cách nói này, vẫn tồn tại rất nhiều điểm khả nghi.
Có người cho rằng, Từ Hy Thái hậu đã hạ độc thủ hại chết Quang Tự. Ngay cả việc Quang Tự - Từ Hy từ trần người hôm trước – kẻ hôm sau cũng khiến người ta nghi hoặc.
Cũng có ý kiến nhận định, vị vua hưởng thọ 38 tuổi này bị Viên Thế Khải hại chết và cho đến nay, những ý kiến trên vẫn tạo ra những cuộc tranh luận sôi nổi.
Quang Tự sinh tháng 8/1871, đột tử vào ngày 14/11/1908, hưởng thọ 38 tuổi. Ngay ngày hôm sau, Từ Hy Thái hậu qua đời ở tuổi 74. Hai “oan gia” qua đời với sự trùng hợp không tưởng về mặt thời gian đã khiến dư luận Trung Quốc một thời xôn xao.
Quang Tự bị Từ Hy hại chết
Về tình và lý mà nói, quan hệ giữa hai nhân vật lịch sử này không tốt đẹp, chính kiến lại hoàn toàn trái ngược nhau.
Một người là Hoàng đế nhưng không có thực quyền, ngược lại một người thân là Thái hậu nhưng điều hành cả một triều đại. Sự mâu thuẫn giữa Từ Hy và Quang Tự không phải chỉ kéo dài trong một, hai ngày.
Trong bối cảnh đó, việc Hoàng đế trẻ trung chết trước Thái hậu già nua đúng một ngày khó có thể là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà là một âm mưu hạ độc được sắp đặt tinh vi. Do đó, rất nhiều ý kiến cho rằng, Quang Tự bị chính Từ Hy hại chết.
Vị vua này không phải là con đẻ của Từ Hy. Ông là em họ của Hoàng đế Đồng Trị, là cháu của vua Hàm Phong và là con của em gái Thái hậu.
Đồng Trị qua đời khi mới 19 tuổi, chưa có con trai nối dõi. Vì lẽ đó, Quang Tự được đưa lên tiếp quản ngai vàng. Dù vậy, mọi chuyện lớn nhỏ trong thiên hạ, nhất nhất đều phải qua tay Từ Hy.
Sống trong cung, Quang Tự như chim lồng cá chậu, không được làm điều mình thích, mọi sự phải tuân theo sự sắp đặt của bác gái nên tâm trạng trở nên u uất, phiền muộn.
Tuy nhiên, đây không phải là một ông vua không có lý tưởng. Ông muốn một ngày thoát khỏi vòng kìm hãm của Thái hậu nên đã bày tỏ rõ thái độ chống đối ra mặt.
Khi chiến tranh Giáp Ngọ nổ ra, Quang Tự chủ trương đánh nhau với Nhật song Từ Hy lại e dè, sợ hãi. Cuối cùng, cuộc chiến này vẫn không thể tránh khỏi và nhà Thanh phải ký “Hiệp ước Mã Quan”.
Sự kiện này càng làm gia tăng mối bất hòa giữa hai nhân vật đứng đầu Thanh triều lúc bấy giờ. Quang Tự kể từ đó càng nỗ lực làm cách mạng, sát lại gần những trí thức như Khang Hữu Vi, Lương Khởi Siêu.
Lẽ tất nhiên, Từ Hy không thể vui. Sau thất bại của Duy Tân biến pháp, ông vua này đã bị Thái hậu khét tiếng của Thanh triều giam lỏng, không cho phép bất cứ ai được tiếp xúc.
Từ đầu đến cuối, vị vua áp chót của nhà Thanh phải sống dưới cái bóng của Từ Hy, trong người luôn bất an. Khi biết ái phi của mình là Trân phi qua đời, tinh thần ông hoàn toàn xuống dốc, bệnh cũ tái phát ngày một nặng.
Cái chết của Quang Tự có liên quan rất lớn đến Từ Hy. Bản thân người phụ nữ này đã nhiều lần muốn phế “con trai hờ”, nhưng vì người phương Tây không đồng ý.
Có thể nói, bản thân bà ta khi ý thức được rằng mình sắp chết, sợ rằng Hoàng đế đương nhiệm sẽ lên nắm quyền nên đã đi trước một bước, ra tay sai người tiêu diệt “cái gai trong mắt”.
Xét theo bối cảnh lúc bấy giờ, Từ Hy là người có nhiều khả năng, điều kiện và cơ hội ra tay khử Quang Tự nhất, bởi mâu thuẫn giữa hai nhân vật này quá lớn.
Quang Tự bị Lý Liên Anh hại chết
Cách nói này cũng tồn tại song song với nghi vấn Từ Hy giết Quang Tự trong một thời gian dài.
Từ Hy ngoại truyện của tác giả người Anh Poland và Doanh Đài khấp huyết ký của Đức Linh cho rằng: “Bọn quan lại trong triều, đứng đầu là đại thái giám Lý Liên Anh thường ngày ỷ thế chủ là Từ Hy hay làm nhiều chuyện tổn thương Quang Tự.
Bọn họ sợ rằng Từ Hy qua đời, Quang Tự nắm quyền sẽ trừng phạt, vì thế “Tiên hạ thủ vi cường”, hạ độc cho Quang Tự đi trước”.
Quang Tự bị Viên Thế Khải hại chết
Phổ Nghi – Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh trong cuốn hồi ký "Nửa đời trước của tôi" đã nhắc đến Viên Thế Khải.
Trong Mậu Tuất chính biến, Viên được Quang Tự tín nhiệm đưa quân đảo chính, vô hiệu hóa quyền lực Từ Hy để thực hiện kháng chiến chống phương Tây.
Nhưng vào thời điểm mấu chốt, Viên Thế Khải đã bán đứng Quang Tự, tiết lộ âm mưu với Từ Hy, khiến Từ Hy giam Quang Tự vào Doanh Đài.
“Trước khi vua Quang Tự qua đời, ông vẫn khỏe mạnh. Chỉ vì dùng một chén thuốc mà chết. Sau này mới biết thuốc là do Viên Thế Khải dâng lên. Theo lẽ thường, Hoàng đế đổ bệnh, Thái y mới là người kê thuốc”, Phổ Nghi viết.
Sự khỏe mạnh của Quang Tự đã được rất nhiều người thời đó, bao gồm thái y, thái giám và cung nữ xác nhận là đúng.
Trong tình huống này, có thể thấy Viên Thế Khải sợ Quang Tự nắm quyền sẽ không tha cho mình, nên đã mượn cơ hội dâng thuốc mà hạ độc.
Vị Hoàng đế này mất năm 38 tuổi, dẫn đến sự nghi ngờ rằng ông đã bị giết bởi kế hoạch cải tổ, chống đối lại Từ Hy Thái hậu và bè lũ của bà ta.
Tài liệu của tòa án khi đó cho rằng ông vua này đã chết một cách tự nhiên sau một thời gian dài lâm bệnh.
Tuy nhiên, các tài liệu cá nhân khác được lưu trữ bởi các nhân viên tòa án lại tiết lộ về khả năng chính âm mưu trong hoàng cung mới là nguyên nhân dẫn đến cái chết của vị vua này.
Trúng độc cấp tính
Các giám định pháp y đã lấy 2 nhúm tóc, một ít xương và mẫu y phục của Quang Tự để xét nghiệm. Kết quả cho thấy trong tóc của Quang Tự có nồng độ thạch tín khá cao và có sự chênh lệch hàm lượng rất lớn giữa các đoạn tóc.
Đã từng có giả thuyết cho rằng thời gian ở trong cung và bị giam ở Doanh Đài, Quang Tự từng uống nhiều trung dược để chữa bệnh suy nhược, trong đó thường dùng hùng hoàng, thư hoàng, chu sa, dẫn đến nhiễm độc thạch tín, thủy ngân mãn tính mà tử vong.
Tuy nhiên, trong tình huống trúng độc mãn tính mà chết thì về nguyên tắc, hàm lượng độc tính ở gốc tóc của người trúng độc phải cao hơn so với đoạn giữa và ngọn tóc.
Nhưng ở trường hợp vua Quang Tự thì ngược lại, hàm lượng thạch tín ở ngọn và giữa tóc cao hơn gốc tóc rất nhiều. Điều này chứng minh vua Quang Tự chết không phải do trúng độc mãn tính do dùng thuốc nam dài ngày.
Đồng thời với việc xét nghiệm, các chuyên gia khoa học cũng thông qua những tư liệu lịch sử về tình hình 10 ngày trước khi Quang Tự băng hà để chứng minh rằng vị vua này bị trúng độc cấp tính do sử dụng thạch tín quá liều trong thời gian ngắn.
Việc phát hiện một lượng lớn chất độc asen trong quan tài của Hoàng đế Quang Tự giúp làm sáng tỏ những đồn đại xung quanh cái chết của ông.
Như vậy, nguyên nhân cái chết của vua Quang Tự cũng như những “đối tượng có liên quan” đều đã được giải mã. Song điều khiến hậu thế “vò đầu bứt tai” là tại sao Từ Hy lại có thể chết ngay sau Quang Tự 1 ngày?
Đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là sự sắp xếp của con người, điều này cho đến nay vẫn chưa có lời giải thích nào thỏa đáng.