Giải mã bí mật của tuổi thọ cao

Bí mật của tuổi thọ trên 110 tuổi có thể do sự có mặt của các tế bào miễn dịch trong máu ở mức cao.

Một nghiên cứu mới đây phát hiện rằng, người sống từ 110 tuổi trở lên đều có mức tập trung của một loại tế bào đặc biệt hiếm trong máu. Các tế bào miễn dịch này có thể bảo vệ người có tuổi thọ cao khỏi virus và khối u, giúp họ có sức khỏe cực kỳ tốt trong thời gian sống của mình.

Ảnh minh họa

Hai nhà nghiên cứu Carninci và Hashimoto, thuộc Trung tâm Khoa học Y khoa Kết hợp Riken (Nhật Bản) và nhà khoa học Hirose, Trung tâm Nghiên cứu Y khoa về Người có thuổi thọ cao, Đại học Y khoa Keio (Tokyo) là những người đầu tiên phân tích các tế bào miễn dịch của người có tuổi thọ cao.

Người sống trên 110 tuổi là khá hiếm, kể cả ở Nhật Bản - nơi người dân có mức tuổi thọ khá cao, trên 81 tuổi ở nam và trên 87 tuổi ở nữ - theo thống kê của chính phủ Nhật Bản năm 2018. Thống kê năm 2015 ghi nhận tại Nhật Bản có 61.763 sống trên 100 tuổi nhưng chỉ có 146 người thọ 110 tuổi hay cao hơn.

Người cao tuổi nhất thế giới là công dân Pháp, Jeanne Calment thọ 122 tuổi đã qua đời năm 1997.

Vì số người thọ trên 100 tuổi hiếm nên các nhà khoa học gặp khó khăn trong việc thu thập được các mẩu tế bào từ họ. Nghiên cứu mới này thu thập tế bào bạch cầu trong mẩu máu của 7 người sống từ 110 tuổi trở lên và 5 người khác có tuổi từ 50 - 80.

Theo đó, có hơn 41.000 tế bào miễn dịch được phát hiện trong mẩu thu thập của 7 người cao tuổi và gần 20.000 từ 5 người còn lại trong nghiên cứu. Trong số lượng tế bào miễn dịch vượt trội có CD4 CTL - một loại tế bào trợ giúp T có thể trực tiếp tấn công và tiêu diệt các tế bào khác.

“Chúng tôi ngạc nhiên vì đây đều là tế bào hiếm. Các tế bào này giống như những người chỉ huy, thông tin cho các tế bào miễn dịch biết phải làm gì để phóng thích các hóa chất kháng viêm nhiễm cytokine” - các chuyên gia chia sẻ. CD4 CTL là “tế bào sát thủ”, hoàn toàn có khả năng tự mình tấn công và phá hủy “những kẻ xâm nhập”.

Thông thường, chỉ có một vài phần trăm tế bào trợ giúp T là tế bào sát thủ; người trẻ trong nghiên cứu có mức tế bào T sát thủ trung bình là 2,8% nhưng ở người cao tuổi, mức tế bào này là 25% .

Kết quả này được đăng trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ giữa tháng 11 qua.

Nghiên cứu không chứng minh các tế bào miễn dịch là nguyên nhân trực tiếp giúp có tuổi thọ cao. Các chuyên gia cũng phát hiện cấu trúc tương tự ở một người sống trên 100 tuổi khác. Tuy nhiên, kết quả này cần được kiểm chứng với quy mô nghiên cứu lớn hơn.
Tế bào sát thủ T được cho là có khả năng tấn công tế bào khối u và bảo vệ cơ thể khỏi các loại virus ở vật thử. Trong tương lai, các chuyên gia sẽ tìm hiểu vai trò của các tế bào miễn dịch này ở người.

Đức Hòa (theo Live Science)

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//yhocsuckhoe/2019/12/22/32c492/