Giải mã câu chuyện thành công du lịch Thái Lan: Việt Nam có thể học hỏi

Theo trang Amro-asia, ngành du lịch Thái Lan liên tục ghi nhận số lượng khách du lịch lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Từ thị xã ở bờ tây của miền nam Krabi đến thành phố Chiang Mai ở phía bắc, hầu hết các điểm đến của Thái Lan đều bận rộn phục vụ hàng triệu khách du lịch mỗi năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Amro-asia

Ảnh minh họa. Nguồn: Amro-asia

Với tốc độ tăng trưởng trung bình là 13% một năm kể từ năm 2010 và đóng góp khoảng 15% cho tăng trưởng GDP, ngành du lịch Thái Lan đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế. Thái Lan đã trở thành trung tâm du lịch lớn của khu vực Đông Nam Á và nằm trong top 10 nước thu hút khách quốc tế lớn nhất thế giới.

Những yếu tố nào đã làm nên câu chuyện thành công cho du lịch Thái Lan và những gì có thể giúp Thái Lan phát triển du lịch bền vững hơn nữa?

Ba yếu tố chính mang lại thành công

Sự tiến bộ ấn tượng có thể thấy trong ngành du lịch Thái Lan không phải chỉ một sớm một chiều. Báo cáo của Văn phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN+3 đã làm sáng tỏ 3 yếu tố chính góp phần làm nên câu chuyện thành công của du lịch Thái Lan.

Đầu tiên, rất ít quốc gia được thiên nhiên ưu đãi như Thái Lan và ngành du lịch Thái Lan phát triển mạnh mẽ một phần cũng bởi sự hiếu khách, cơ sở hạ tầng tốt, chỗ ở giá cả phải chăng và nhiều điểm tham quan. Đáng chú ý nhất là những bãi biển đẹp, đền thờ, cung điện, di tích lịch sử, điểm du lịch sinh thái và ẩm thực. Điều này tạo nên một thị trường du lịch hoàn chỉnh và phát triển.

Thứ hai, các chính sách du lịch của Thái Lan đã được hoạch định và thực hiện tốt. Kế hoạch phát triển Du lịch quốc gia giai đoạn 2012-2016 được xây dựng sau khi du lịch được bổ sung vào chương trình nghị sự phát triển quốc gia vào năm 2009. Nhiều nỗ lực đã được đưa vào cải tạo các địa điểm du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường nguồn nhân lực và xây dựng các quy tắc cũng như quy định phù hợp.

Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng tiếp tục hướng tới nâng cao chất lượng du lịch thông qua các chiến lược quảng bá du lịch chủ động. Thái Lan luôn cố gắng cải thiện các cơ sở tổ chức hội nghị và khách sạn cũng như các tiêu chuẩn về an toàn và vệ sinh nhằm mục đích trở thành trung tâm du lịch y tế. Đây là điểm đến dành cho các cuộc họp và triển lãm quốc tế. Ngoài ra, chính sách thị thực tương đối dễ dàng đã thu hút khách du lịch. Cuối cùng, Chính phủ Thái Lan cũng chú ý đến các chi tiết như hỗ trợ nhanh chóng các thủ tục nhập cảnh ở sân bay đối với khách du lịch Trung Quốc, ước tính chiếm hơn 25% tổng số du khách đến nước này.

Thứ ba, Thái Lan cũng xem cơ sở hạ tầng là một yếu tố quan trọng hỗ trợ ngành du lịch. Chính phủ Thái Lan không ngừng mở rộng và nâng cấp các sân bay cũng như khả năng kết nối với các thành phố khác, giúp đất nước trở thành trung tâm vận tải hàng không của khu vực. Ngoài ra, chính phủ cũng nhắm đến các lĩnh vực khác của ngành du lịch, chẳng hạn như du lịch đường sông trong tương lai. Việc mở rộng này có thể thúc đẩy chiến lược thành phố thứ cấp và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Những thách thức đối với ngành du lịch

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh chóng đặt ra một số thách thức ở Thái Lan – một trong số đó là tình trạng quá tải. Chẳng hạn như hòn đảo Phuket thu hút trung bình khoảng 650.000 đến 750.00 lượt khách du lịch mỗi tháng trong khi dân số địa phương chỉ khoảng 550.000 người. Tình trạng quá tải du lịch thường dẫn đến các vấn đề như ô nhiễm môi trường và lo ngại về an toàn. Khi số lượng du khách tăng lên thì lượng chất thải và ô nhiễm cũng tăng lên. Trên thực tế, một số hòn đảo ở Thái Lan và Philippines gần đây đã tạm thời phải đóng cửa bởi tình trạng ô nhiễm môi trường.

Thông thường ô nhiễm là do thực thi kém các quy định về môi trường, đặc biệt là hiện tượng xả rác thải ra biển. Tình trạng quá tải cũng có thể dẫn đến các vấn đề an toàn, đặc biệt là trong mùa cao điểm. Trước đây, Thái Lan đã xảy ra một số vụ tại nạn phà. Cụ thể vào năm 2018, một tàu du lịch bị lật ở Phuket khiến 27 người tử vong và hàng chục người mất tích. Theo chính quyền địa phương, vụ tai nạn là do quá đông người trên thuyền và các biện pháp an toàn kém.

Trong thời gian tới, ngành du lịch Thái Lan đang nỗ lực chuyển đổi dịch vụ du lịch truyền thống sang du lịch có giá trị cao, thực hiện mục tiêu "du lịch Thái Lan 4.0" – sáng kiến dựa trên công nghệ nhằm chuyển đổi các thành phố như Phuket, Chiang Mai, Khon Kaen và Bangkok thành các trung tâm công nghệ.

Ngoài ra, chính phủ Thái Lan đã thành lập Ủy ban thành phố thông minh, bao gồm nhiều cơ quan khác nhau như Cơ quan Xúc tiến kinh tế Kỹ thuật số (DEPA) để khởi xướng các dự án cung cấp cơ sở hạ tầng internet tốc độ cao và wi-fi miễn phí nhằm phát triển thành phố thông minh. Bằng cách tận dụng sáng kiến này, Thái Lan có thể tăng cường hơn nữa cơ sở hạ tầng thuận lợi để cải thiện khả năng cạnh tranh của ngành du lịch./

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/giai-ma-cau-chuyen-thanh-cong-du-lich-thai-lan-viet-nam-co-the-hoc-hoi-20230630100342602.htm