Giải mã cuộc tập trận: 19 tàu chiến Mỹ cùng 13.000 lính bị 'xóa sổ' chỉ sau 10 phút – Điều gì xảy ra?

19 tàu Mỹ - trong đó có cả tàu sân bay, tàu tuần dương, 5 tàu đổ bộ của Mỹ cùng gần 13.000 quân nhân trên tàu – chìm nghỉm chỉ trong vòng 10 phút. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm.

Tờ EurAsian Times dẫn một báo cáo được giải mật cho hay: Một Nhóm tác chiến tàu sân bay (CBG) với đầy đủ thành phần của Mỹ đã tiến vào Vịnh Ba Tư, có sự hỗ trợ đầy đủ của lực lượng hải quân, đường không và đổ bộ.

Mục tiêu của họ là một quốc gia Trung Đông mà lãnh đạo Mỹ muốn phải đầu hàng. Họ sẽ tiến vào phá hủy quân đội và chiếm đóng quốc gia này. Nhưng mọi chuyện đã không diễn ra như kế hoạch.

Đối thủ của Washington – một quốc gia thuộc thế giới thứ ba với lực lượng thậm chí kém hơn – đã bao vây hạm đội Mỹ với các xuồng cao tốc, tên lửa từ các xuồng này, từ các bệ phóng trên bộ, từ các tàu thương mại, các máy bay tầm thấp không trang bị hệ thống liên lạc sóng vô tuyến để tránh bị phát hiện, các phương thức công nghệ thấp để tránh những thiết bị tình báo tín hiệu của Mỹ, các xuồng cao tốc cảm tử cỡ nhỏ trang bị thuốc nổ.

Hệ thống Aegis – công nghệ radar và cảnh báo sớm đại diện cho niềm tự hào của Mỹ - đã bị choáng ngợp. Nó đã không thể cứu 19 tàu Mỹ - trong đó có cả tàu sân bay, tàu tuần dương, 5 tàu đổ bộ của Mỹ cùng gần 13.000 quân nhân trên tàu – chìm nghỉm chỉ trong vòng 10 phút.

Một tàu chiến bị chìm (Ảnh minh họa. Nguồn: Wiki)

Một tàu chiến bị chìm (Ảnh minh họa. Nguồn: Wiki)

Khi căng thẳng lên đến đỉnh điểm, sự im lặng đáng sợ trong ‘trung tâm chỉ huy’ bất ngờ bị phá vỡ bởi cuộc gọi của chỉ huy lực lượng Mỹ: "Ngài Van Riper vừa bắn toàn bộ tàu của tôi". Câu nói này tiết lộ rằng những diễn biến ngộp thở ở trên hóa ra chỉ là nội dung một cuộc tập trận mô phỏng chiến tranh.

Người vừa bất lực thông báo lực lượng áp đảo của mình đã bị quân đội của thế giới thứ ba biến thành "cát bụi" là Trung tướng quân đội Mỹ BB Bell, chỉ huy "Đội Xanh" gồm 350 nhân viên trong một phòng mô phỏng chiến tranh.

Saddam Hussein là mục tiêu?

Người nhận cuộc gọi là Tướng Buck Kernan (hiện đã qua đời) của Bộ chỉ huy lực lượng liên hợp (JFCOM). Ông là người đã khen ngợi và đích thân chỉ định vị trí chỉ huy của Đội Đỏ (OPFOR – lực lượng đối lập) cho Trung tướng Thủy quân lục chiến Mỹ Paul Van Riper, một sĩ quan "ranh mãnh".

Van Riper sau đó đã lộ diện khi được yêu cầu nhượng bộ cho Đội Xanh, và các đợt triển khai của Đội Đỏ sẽ được kiểm soát bởi một bên trung lập gọi là "White Cell", do Tướng quân đội Mỹ về hưu Gary Luck chỉ huy.

Tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68) của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Tàu sân bay USS Nimitz (CVN-68) của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy

Cuộc mô phỏng chiến tranh này được tổ chức 1 năm trước chiến dịch quân sự của Mỹ vào Iraq năm 2003. Mục tiêu của Washington được dự đoán là cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein hoặc một đối thủ lớn hơn, mang tính thách thức hơn đối với Mỹ - Cộng hòa Hồi giáo Iran.

Trong cuộc diễn tập kéo dài 23 ngày, Đội Xanh đã đạt được hầu hết các mục tiêu của mình là kiểm soát Đường dây liên lạc trên Biển Đỏ (SLOC), vô hiệu hóa vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD), đồng thời khiến chế độ cầm quyền của đối phương suy yếu đáng kể - một viễn cảnh được dự đoán sẽ diễn ra trong năm 2007. Tuy nhiên, điều này chỉ đạt được sau một loạt các rào cản được bố trí cho Van Riper.

Ví dụ, kế hoạch của Van Riper nhằm lợi dụng hình ảnh khổng lồ trên radar do các máy bay V-22 Osprey tạo ra để theo dõi và bắn hạ chúng đã bị White Cell ngăn cản. White Cell yêu cầu Van Riper không bắn vào các máy bay V-22 và đội máy bay vận tải C-130.

Về phần mình, Van Riper biết rằng những chiếc máy bay hạng trung này sẽ chở theo đợt lính dù đầu tiên của Đội Xanh và các loại vũ khí cấp Lữ đoàn chiến thuật.

Thủy quân lục chiến Mỹ trong một cuộc diễn tập năm 2020. Ảnh: U.S. Marine Corps

Thủy quân lục chiến Mỹ trong một cuộc diễn tập năm 2020. Ảnh: U.S. Marine Corps

Riper bỏ cuộc trong sự tức giận

Tiếp đó, Riper được yêu cầu đặt các loại vũ khí tấn công của mình ở ngoài trời, và không được che giấu chúng để Đội Xanh có thể tiêu diệt thành công.

Trong khi ấy, Đội Xanh được phép tiếp cận với công nghệ, hệ thống chỉ huy, các thiết bị chỉ huy-điều khiển, cũng như công nghệ liên lạc mà họ đã lên kế hoạch triển khai rộng rãi sau năm 2007.

Ví dụ, vào thời điểm đó họ đã tiếp cận hệ thống laser tấn công đường không công suất cao mà Mỹ mới chỉ thử nghiệm thành công gần đây!

Van Riper đã rất tức giận, ông từ chức chỉ huy Đội Đỏ sau 6 ngày, với lý do những gì diễn ra đã vi phạm quyền tự do của Đội Đỏ. Sau đó, Riper giữ vai trò cố vấn trong những ngày còn lại.

Lực lượng bắn đạn thật và bắt buộc nhập cuộc trong cuộc tập trận này – trong đó có Sư đoàn Dù 82 và Trung đoàn 1 Thủy quân lục chiến Mỹ - tiếp tục "cuộc chiến".

Các tiêm kích F-35B trên tàu đổ bộ USS America của Mỹ. Ảnh: US Navy

Các tiêm kích F-35B trên tàu đổ bộ USS America của Mỹ. Ảnh: US Navy

Sau cuộc tập trận, Riper đã gửi các email bày tỏ sự giận dữ của mình tới đồng nghiệp, một số bức thư trong số này đã được báo chí đăng tải. Tuy nhiên, Donald Rumsfeld – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc bấy giờ được cho là đã chỉ đạo giữ kín động cơ chính trị và kết quả của cuộc tập trận.

Nhiều người, bao gồm của Tướng Bell, vẫn coi Van Riper là người trung thành với vai trò "kẻ địch" của mình, thách thức những ý tưởng chưa được thử nghiệm nhưng cuối cùng lại được đưa vào sử dụng ở Iraq.

Cuộc chiến tranh năm 2003 đã khiến 100.000 người thiệt mạng chỉ trong vài tháng đầu tiên, với quy mô gần như ngày tận thế. Cuộc khủng hoảng kéo dài phát sinh từ cuộc xung đột này vẫn đang hoành hành ở Tây Á, Bắc Phi và Trung Á.

Tướng Bell và đội của ông bị cáo buộc đã từ chối nghe kết quả thực sự của cuộc tập trận tốn kém nhất (250 triệu USD) và lớn nhất mà Mỹ tiến hành để thử nghiệm một Khái niệm tác chiến (CONOPS) mới.

Báo cáo cuối cùng dài 752 trang của JFCOM After Action được công bố vào năm 2010 (10 năm sau cuộc tập trận) thừa nhận rằng phần kết đã được viết theo kịch bản.

"Khi cuộc tập trận diễn ra, phía OPFOR (Đội Đỏ) đã bị hạn chế để có thể dẫn tới kết thúc đúng như kịch bản" – Báo cáo viết.

Cũng theo bản báo báo cáo, kịch bản này đã giúp đảm bảo chiến thắng của Đội Xanh và thiết lập một số điều kiện trong cuộc tập trận dùng cho những hoạt động chuyển tiếp.

Theo Vy Lam/Báo Tổ quốc

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/giai-ma-cuoc-tap-tran-19-tau-chien-my-cung-13-000-linh-bi-xoa-so-chi-sau-10-phut-dieu-gi-xay-ra/20220426073521243