Giải mã cuốn Kinh thánh đắt nhất mọi thời đại

Theo trang Rappler, một cuốn Kinh Thánh tiếng Do Thái chuẩn bị được đưa ra đấu giá với số tiền cao ngất ngưởng là 50 triệu USD.

 Cuốn Kinh thánh Codex Sassoon 1053 sắp được rao bán với giá ngất ngưởng. Ảnh: Rappler.

Cuốn Kinh thánh Codex Sassoon 1053 sắp được rao bán với giá ngất ngưởng. Ảnh: Rappler.

Vào tháng 5 tới, trụ sở chính của nhà đấu giá Sotheby’s ở New York, Mỹ sẽ tổ chức buổi đấu giá một trong những cuốn sách lâu đời nhất trên thế giới và cũng có thể là cuốn sách đắt nhất mọi thời đại: Đây là một cuốn kinh thánh ước tính lên tới 50 triệu USD.

Câu hỏi về niên đại tác phẩm

Có thể nói kinh thánh là tác phẩm bán chạy nhất thế giới. Vào thế kỷ 15, khi Gutenberg phát triển kỹ thuật in ấn nổi tiếng của mình, dĩ nhiên là ông đã chọn một tác phẩm nổi tiếng như Kinh thánh để phổ biến rộng rãi.

Vào thời điểm đó, Gutenberg đã in một phiên bản Kinh thánh bằng tiếng Latinh, được gọi là Vulgate. Ấn bản này được dịch giả Saint Jerome dịch từ tiếng Do Thái (Hebrew), tiếng Aramaic và tiếng Hy Lạp vào đầu thế kỷ thứ 5. Công chúng có thể thấy sự đa dạng về ngôn ngữ như vậy là do Kinh thánh không phải là một cuốn sách, mà là một bộ sách được viết vào những thời điểm khác nhau bởi những tác giả không nói cùng một ngôn ngữ. Bản thân từ “kinh thánh” có nghĩa là “những cuốn sách” (trong tiếng Hy Lạp là “ta biblia”).

Và cuốn Kinh thánh sắp được bán đấu giá vào ngày 16/5 được viết bằng tiếng Do Thái, có từ khoảng thế kỷ thứ 10. Đây đã là một tác phẩm rất cổ, tuy nhiên, chưa phải là điều làm nên sự đặc biệt nhất.

Trên thực tế, còn nhiều văn bản cũ hơn nữa. Một nghìn năm trước đó, những người ghi chép đã sao chép những nội dung này vào các cuộn giấy da (hoặc hiếm hơn là giấy cói). Một số bản thảo này đã được cất giấu hàng thiên niên kỷ trong các hang động ở bờ biển phía tây của Biển Chết. Chúng được người Bedouin phát hiện vào giữa thế kỷ 20 và gọi là những Cuộn sách Biển Chết.

Đây chính là những bản viết tay cổ nhất của Kinh thánh cho đến nay. Có những bản thảo cổ nhất có niên đại vào thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên, thậm chí có thể là thế kỷ thứ 4 hoặc thứ 5 trước Công nguyên và những văn bản sau này có niên đại vào thế kỷ thứ 2.

 Những Cuộn sách Biển Chết bị thiếu hụt rất nhiều. Ảnh: Rappler.

Những Cuộn sách Biển Chết bị thiếu hụt rất nhiều. Ảnh: Rappler.

Tuy nhiên, chúng rách nát và bị xáo trộn: có hơn 30.000 mảnh, tương ứng với khoảng một nghìn cuộn giấy. Có rất nhiều câu hỏi xoay quanh những bản thảo này, tuy nhiên, việc thiếu quá nhiều mảnh ghép khiến nội dung của chúng không còn toàn vẹn.

Trước cuộc đấu giá sắp tới, công chúng vẫn đang thắc mắc về niên đại của tác phẩm. Dù thông tin ban đầu nói rằng cuốn Kinh thánh này có từ cuối thế kỷ thứ 9 hoặc đầu thế kỷ thứ 10 nhưng kết quả xác định niên đại bằng phương pháp carbon-14 vẫn chưa được công bố.

Lợi ích của người bán là đưa ra niên đại sớm nhất có thể để tăng giá thầu, thậm chí có thể nêu ra giả thiết rằng cuốn Kinh thánh lần này là một liên kết còn thiếu với những Cuộn sách Biển Chết. Trên thực tế, một thiên niên kỷ đã ngăn cách chúng nên khó có sự liên quan nào.

Giá trị đặc biệt cho nghiên cứu Kinh thánh

Cuốn Kinh thánh này có thể thực sự là liên kết còn thiếu với nội dung trong những Cuộn sách Biển Chết. Trong lịch sử, Kinh thánh Hy Lạp có niên đại từ thế kỷ thứ 4 hoặc thứ 5. Nổi tiếng nhất là bản ở Vatican, có tên là Codex Vaticanus. Đối với những phần trong Kinh thánh được viết bằng tiếng Hy Lạp, những bản chép tay sau này giữ nguyên văn bản trong ngôn ngữ gốc. Nhưng đối với những phần nội dung viết bằng tiếng Hebrew và tiếng Aram, người ta phải dịch sang tiếng Hy Lạp.

Điều này đặt ra câu hỏi về độ tin cậy của các phiên bản đầy đủ bằng tiếng Hy Lạp sau này, đặc biệt là khi nó đôi khi khác với các bản Kinh thánh tiếng Do Thái được ra đời sau, chẳng hạn như bản sắp được bán đấu giá.

Vậy một câu hỏi đặt ra là có phải những người dịch tiếng Hy Lạp không đủ năng lực hoặc họ bị phân tâm? Và câu trả lời phần nào nằm ở các Cuộn sách Biển Chết. Vì một số cuộn sách này, kể cả những cuộn sách tiếng Hebrew, cũng có nội dung giống với bản Hy Lạp.

Hiểu sâu xa hơn, các dịch giả tiếng Hy Lạp đã làm khá tốt công việc của họ và vấn đề nằm ở chỗ văn bản tiếng Do Thái trước mặt họ khác với các bản Kinh thánh tiếng Do Thái thời trung cổ.

Theo thời gian, Kinh thánh luôn có sự thay đổi. Trong nhiều thế kỷ, các phiên bản Kinh thánh khác nhau đã được truyền từ tay người này sang người khác, được sao chép nhiều lần bởi những người ghi chép Do Thái giáo và Cơ đốc giáo, những người không có sự giao lưu nhiều với nhau để giải đáp thắc mắc về ngôn ngữ.

Vào đầu thời Trung cổ, các ký tự Hebrew không đánh dấu các nguyên âm một cách có hệ thống và chính xác. Trên thực tế, cùng một bản văn thường có thể được đọc theo nhiều cách khác nhau và điều này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với Kinh thánh.

Vì vậy, để giảm bớt sự mơ hồ, các học giả Do Thái đã phát triển hệ thống chấm câu trong văn bản Kinh thánh. Các dấu chấm và nét nhỏ đã được thêm vào để xác định cách phát âm chính xác của các nguyên âm, trọng âm, dấu chấm câu và nhịp điệu. Một số cách phát âm vẫn gây nhiều tranh cãi vào thời điểm đó và mãi đến thế kỷ thứ 10, cuốn Kinh thánh tiếng Do Thái đầu tiên với cách phát âm vẫn được sử dụng cho ngày nay mới được ra đời.

 Aleppo Codex. Ảnh: Rappler.

Aleppo Codex. Ảnh: Rappler.

Cuốn Kinh thánh đó là Aleppo Codex, có niên đại khoảng năm 930. Nó được trưng bày tại Bảo tàng Israel ở Jerusalem. Vẫn còn một số trang bị thiếu trong văn bản này, nhưng bản thừa kế của nó, St. Petersburg Codex (hoặc Leningrad Codex), được sao chép vào năm 1009, vẫn được giữ hoàn chỉnh. Bản thảo này đã dùng làm tài liệu tham khảo cho việc nghiên cứu Kinh thánh tiếng Hebrew.

Và cuốn Kinh thánh được rao bán sắp tới không phải là Aleppo hay St. Petersburg Codex. Đó là cuốn Codex Sassoon 1053. Không giống như Codex St. Petersburg, cuốn sách này vẫn còn nhiều trang bị thiếu, vì vậy, không thể khẳng định đây là bản Kinh thánh tiếng Do Thái hoàn chỉnh lâu đời nhất được biết đến. Dấu chấm câu trong văn bản này cũng hơi khác so với Aleppo Codex và đây là một yếu tố mang lại giá trị đặc biệt cho tác phẩm này. Các học giả coi đây là bản so sánh về dấu câu tiếng trong tiếng Hebrew.

Codex Sassoon 1053 cũng còn nhiều phẩm chất đặc biệt khác: Chẳng hạn, tác phẩm này sắp xếp các phần trong Kinh thánh tiếng Hebrew theo thứ tự hơi khác so với thông thường. Sách tiên tri Isaiah đã được đặt sau Ezekiel và không còn đứng trước Jeremiah.

Với Codex Sassoon 1053, Kinh thánh được đọc theo một cách khác. Mỗi bản thảo đều mang tính duy nhất. Lịch sử nghìn năm của Kinh thánh mời gọi công chúng khám phá, không phải như một tảng đá nguyên khối bị mắc kẹt trong cách đọc đơn âm, mà là một bản văn sống động trong dòng chảy vĩnh cửu.

Và với mức giá ngất ngưởng được rao bán, có thể thấy Kinh thánh vẫn thu hút sự quan tâm của hàng tỷ người trên khắp thế giới.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/giai-ma-cuon-kinh-thanh-dat-nhat-moi-thoi-dai-post1422957.html