Cuộn sách Biển Chết được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1947. Kể từ đó, trong những thập kỷ tiếp theo, giới chuyên gia đã tìm được khoảng 900 cuộn sách khác tại những hang động trên sườn đồi dốc phía bắc Biển Chết.
Khu vực tìm thấy những cuộn sách này từng là khu định cư cổ Qumran. Nơi đây bị người La Mã phá hủy vào khoảng 2.000 năm trước.
Theo nghiên cứu của các chuyên gia, hàng trăm cuộn sách Biển Chết có niên đại từ thế kỷ 3 trước công nguyên đến thế kỷ 1 sau công nguyên.
Đa số cuộn sách Biển Chết viết trên giấy da cổ xưa độc đáo. Trong suốt nhiều năm, giới chuyên gia nỗ lực giải mã vì sao chúng lại được bảo quản tốt đến vậy.
Nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ đã có phát hiện bất ngờ về cách cuộn sách Biển Chết được bảo quản hoàn hảo dù trải qua nhiều thế kỷ.
Cụ thể, các chuyên gia MIT tập trung nghiên cứu một cuộn sách Biển Chết đặc biệt có tên Temple Scroll. Đây là một trong những cuộn lớn nhất (dài khoảng 7.5m) và được bảo quản tốt nhất trong tất cả các cuộn được tìm thấy.
Temple Scroll được làm từ chất liệu rất mỏng (1/10 mm). Nó cũng có bề mặt viết rõ ràng nhất, trắng nhất trong tất cả các cuộn sách Biển Chết. Kết quả nghiên cứu của các chuyên gia phát hiện trên Temple Scroll có dấu vết của lưu huỳnh, natri và canxi.
Giấy da tạo nên Temple Scroll được làm từ da động vật đã loại bỏ hết lông và chất béo bằng cách ngâm trong dung dịch vôi hoặc qua phương pháp điều trị bằng enzyme và các phương pháp khác. Tiếp đến, nó được cạo sạch rồi kéo căng ra trong một khung và sấy khô.
Khi được sấy khô, bề mặt cuộn sách còn được chà xát với muối để tạo nên sản phẩm hoàn chỉnh. Các chuyên gia phát hiện có các loại muối bất thường trên bề mặt Temple Scroll. Những loại muối này không đến từ khu vực Biển Chết.
Dù chưa tìm ra nguồn gốc của loại muối này nhưng các chuyên gia tin rằng chúng góp phần bảo quản nguyên vẹn cuộn giấy Temple Scroll.
Mời quý độc giả xem video: Bí ẩn rùng rợn nghĩa đia cổ Ai Cập (nguồn: VTC Now).
Tâm Anh (theo theguardian)