Giải mã đà giảm của cổ phiếu THD

Sau giai đoạn tăng nóng năm 2021 khiến giới đầu tư ngỡ ngàng, cổ phiếu THD của CTCP Thaiholdings bỗng quay đầu lao dốc một cách 'khó hiểu' và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Đóng cửa phiên ngày 20/9, cổ phiếu THD dừng ở mức 48.000 đồng/cp. Như vậy, kể từ cuối tháng 7 đến nay, cổ phiếu này đã giảm gần 14% và nếu tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu này đã giảm sốc tới hơn 82%.

Lãnh đạo thoái sạch vốn

Được biết, Thaiholdings được thành lập vào năm 2021 với số vốn điều lệ ban đầu là 389 tỷ đồng và các cổ đông của Thaiholdings phải mất gần 10 năm mới góp đủ số vốn này và đồng thời tăng vốn lên 539 tỷ đồng.

Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu THD đã giảm sốc tới hơn 82%. (Ảnh: Int)

Tính từ đầu năm đến nay, cổ phiếu THD đã giảm sốc tới hơn 82%. (Ảnh: Int)

Tháng 6/2020, cổ phiếu THD chính thức được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá tham chiếu chỉ 15.000 đồng/cp (giá điều chỉnh chỉ còn quanh 4.000 đồng/cp sau các đợt phát hành). Sau đó cổ phiếu THD đã tạo nên cơn sốt khi có nhiều phiên tăng trần, thị giá được đẩy tăng vọt sau thông tin hợp nhất Thaigroup.

Có thể nói, năm 2021 là năm gọi tên cổ phiếu THD, bởi cổ phiếu này đã khiến nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng khi tăng gần gấp 3 từ vùng giá 98.000 đồng/cp lên mức đỉnh 277.000 đồng/cp (chốt phiên ngày 31/12/2021).

Thời điểm đó, giá trị vốn hóa của Thaiholdings lên gần 97.000 tỷ đồng, từng lọt top 20 công ty giá trị nhất sàn chứng khoán. Đồng thời, THD trở thành cổ phiếu có mức giá cao nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Thậm chí có giai đoạn cổ phiếu này tăng trần hơn 10 phiên liên tiếp, đưa ông Nguyễn Đức Thụy - nhà sáng lập Thaiholdings (bầu Thụy) lọt top 10 tỷ phú sàn chứng khoán với tài sản hàng chục nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2022 đến nay, thị giá của cổ phiếu THD bắt đầu “quay xe” lao dốc mạnh một cách “khó hiểu” từ mức đỉnh được thiết lập hồi cuối năm 2021, khiến vốn hóa cũng như tài sản của bầu Thụy cũng “bốc hơi” nhanh chóng.

Theo quan sát, đà giảm cổ phiếu THD không chỉ theo thị trường chung mà còn bị ảnh hưởng khá lớn sau khi Bộ Công an yêu cầu Thaiholdings trả lại Tân Hoàng Minh 840 tỷ đồng, theo Công văn 1428 và nhận lại cổ phần của CTCP Bình Minh Group, chủ sở hữu dự án 11A Cát Linh, kèm hồ sơ pháp lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án.

Trong bối cảnh đó, bầu Thụy lại có động thái thoái sạch vốn tại Thaiholdings, bất chấp cổ phiếu THD đã lao dốc rất mạnh, với giá bán chưa đến 36.000 đồng/cp và đã "bốc hơi" hơn 87% giá trị so với mức đỉnh 277.000 đồng/cp, mặc dù trước đó bầu Thụy vẫn liên tục có động thái muốn tăng lượng nắm giữ cổ phiếu THD.

Cụ thể, vào tháng 6/2022, bầu Thụy đã bán hết 87,409 triệu cổ phiếu THD, tương ứng tỷ lệ nắm giữ 24,97% vốn điều lệ của tập đoàn. Tính theo mức giá trung bình thời điểm đó, ước tính ông Thụy thu về khoản tiền 3.500 tỷ đồng từ giao dịch này. Đồng nghĩa với việc bầu Thụy không còn là cổ đông của Thaiholdings. Động thái này của bầu Thụy cũng được cho là ảnh hưởng đến thị giá của cổ phiếu THD.

Ngoài ra, việc sở hữu nhiều tài sản có giá trị, nhưng định hướng và tiềm năng phát triển của Thaiholdings và hệ sinh thái của bầu Thụy vẫn còn đem lại nhiều băn khoăn cho giới đầu tư. Vì vậy, nhà đầu tư dễ dàng bị tác động tâm lý trước những tin không tốt liên quan đến doanh nghiệp.

Lợi nhuận phụ thuộc nhiều vào các thương vụ M&A

Thaiholdings được đăng ký dưới ngành nghề kinh doanh là kinh doanh bất động sản, bán buôn thực phẩm và mua bán vật liệu, thiết bị xây dựng. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Thaiholdings phụ thuộc phần lớn vào việc chuyển nhượng công ty con chứ không phải thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường.

Điều này cho thấy, giá trị của công ty này chính là nằm trong các tài sản và các khoản đầu tư của doanh nghiệp này. Theo đó, việc định giá tài sản của Thaiholdings không hề dễ dàng và nhà đầu tư khó có thể kiểm chứng được.

Mặc dù giai đoạn 2020-2021, ThaiHoldings liên tục báo lãi nghìn tỷ, song phần lớn lợi nhuận được tạo ra từ các thương vụ bán dự án/ M&A mang tính nội bộ.

Chẳng hạn, trong năm 2021, doanh thu của Thaiholdings đạt 8.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.156 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức lợi nhuận đột biến này chủ yếu là lãi từ chuyển nhượng công ty, dự án trong đó có 840 tỷ đồng thu từ Tân Hoàng Minh. Với việc phải trả lại Tân Hoàng Minh 840 tỷ đồng, Thaiholdings dự kiến chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế sẽ giảm từ 1.156 tỷ đồng xuống còn 424 tỷ đồng.

Hay như trong báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022, công ty cũng ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 57% từ 367 tỷ đồng năm ngoái xuống còn 158 tỷ đồng năm nay do công ty không còn ghi nhận phát sinh chuyển nhượng dự án nữa.

Sang đến quý II/2022, công ty báo cáo lợi nhuận sau thuế đạt 132 tỷ đồng, gấp gần 4,45 lần so với cùng kỳ năm trước, nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng lên hơn 241 tỷ đồng, đến từ lãi chuyển nhượng khoản đầu tư Công ty Cổ phần Tôn Đản Hà Nội.

Bên cạnh thương vụ Tôn Đản, vào ngày 22/6, Thaiholdings còn thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và dịch vụ Bãi Thơm – Phú Quốc (trước đây là Công ty cổ phần Thaispace). Tổng giá trị vốn góp chuyển nhượng là 392 tỷ đồng, tới thời điểm 30/6 công ty đã nhận được số tiền chuyển nhượng 176 tỷ đồng.

Tính chung, 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu của công ty đạt 2.685 tỷ đồng, giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do doanh thu từ các hợp đồng xây dựng giảm 98,7% còn 2,2 tỷ đồng. Lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ 181,3 tỷ đồng, giảm 44,3% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, doanh thu tài chính gấp 3,5 lần lên 233 tỷ đồng nhờ tiền lãi chuyển nhượng công ty con. Cụ thể, Thaiholdings lãi 72,9 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng 4,3 triệu cổ phần CTCP Đầu tư Thaihomes; lãi do chuyển nhượng một phần vốn đầu tư vào CTCP Tôn Đản Hà Nội là 138,8 tỷ đồng; việc chuyển nhượng toàn bộ khoản đầu tư vào công ty TNHH Đầu tư Thủy điện Quảng Nam cũng đem lại khoản lãi 10,7 tỷ đồng.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/giai-ma-da-giam-cua-co-phieu-thd-1088030.html