Giải mã đà lao dốc của cổ phiếu SLS

Mặc dù các chỉ số kinh doanh của CTCP Mía đường Sơn La vẫn tăng trưởng khá ấn tượng cùng sức hấp dẫn từ cổ tức khủng nhưng vẫn không thể tạo đà cho cổ phiếu SLS chinh phục những đỉnh cao mới, thậm chí còn cắm đầu đi xuống.

Sau giai đoạn đi ngang vùng đỉnh lịch sử hơn 200.000 đồng/cp, cổ phiếu SLS bất ngờ “bước hụt” giảm mạnh từ gần cuối tháng 10. Chỉ trong vòng khoảng 3 tuần gần nhất, cổ phiếu này lao dốc, có lúc xuống khoảng 145.000 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4.

Cổ phiếu “mất đà” dù kinh doanh tăng trưởng ấn tượng

Mặc dù đã ghi nhận nhiều phiên hồi phục đáng kể, song nhìn chung so với mức đỉnh (218.400 đồng/cp phiên 30/8), thị giá SLS đã “hao hụt” khoảng hơn 27,7% xuống mức 157.900 đồng/cp (chốt phiên 8/11).

So với mức đỉnh, thị giá cổ phiếu SLS đã “hao hụt” khoảng hơn 27,7%.

So với mức đỉnh, thị giá cổ phiếu SLS đã “hao hụt” khoảng hơn 27,7%.

Đáng chú ý, cổ phiếu SLS bất ngờ giảm mạnh khi doanh nghiệp công bố số liệu kinh doanh quý I niên độ niên độ 2023-24 (từ 1/7/2023 đến 30/9/2023) với mức tăng trưởng khá ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Cụ thể, doanh thu thuần của Mía đường Sơn La đạt gần 431 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 119 tỷ đồng, lần lượt tăng 26% và 47% so với cùng kỳ năm trước. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) đạt 12.183 đồng.

Thậm chí, Mía đường Sơn La còn thông báo chia cổ tức “khủng” với tỷ lệ 150% bằng tiền (01 cổ phiếu nhận 15.000 đồng) cho niên độ 2022-2023. Danh sách cổ đông đã được chốt ngày 24/10, thời gian thanh toán dự kiến vào ngày 14/11 tới. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông của Mía đường Sơn La đã đề nghị tăng tỷ lệ chia cổ tức niên độ 2022-2023 từ 100% lên 150%/vốn điều lệ và đã được Đại hội thông qua.

Có thể thấy, lãi lớn cùng sức hấp dẫn từ cổ tức khủng có vẻ không tạo được đà tăng trưởng hơn nữa cho thị giá cổ phiếu.

Trước đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 30/8, cổ phiếu SLS đóng cửa tại mức giá đỉnh lịch sử 218.400 đồng/cp, nối tiếp chuỗi đà tăng sau thông tin Ấn Độ dự kiến cấm các nhà máy xuất khẩu đường trong niên vụ tới, bắt đầu từ tháng 10/2023. Thời điểm đó, cổ phiếu SLS đã tăng gần 75% kể từ đầu năm 2023. Vốn hóa thị trường vượt 2.000 tỷ đồng.

Sau đó, cổ phiếu SLS ghi nhận sự điều chỉnh nhẹ, nhưng vẫn neo ở vùng giá cao, trên 200.000 đồng/cp. Với mức giá này, cổ phiếu SLS luôn nằm trong nhóm những cổ phiếu đắt giá nhất toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.

Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VISC) đã có báo cáo phân tích đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu SLS dựa trên nhiều yếu tố.

Đầu tiên là doanh nghiệp được hưởng lợi từ việc tăng sản lượng và giá bán. Trong tháng 8/2023, giá đường trong nước tăng hơn 20% so với đầu năm 2023 và 31% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Mía đường Sơn La là doanh nghiệp thường xuyên trả cổ tức bằng tiền mặt cao trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Được biết, Mía đường Sơn La luôn duy trì chính sách trả cổ tức tiền mặt tương đương khoảng 50% lợi nhuận. Trong năm 2022, doanh nghiệp này đã trả cổ tức năm 2022 ở mức 100% bằng tiền mặt.

Một điểm cần lưu ý là doanh nghiệp mía đường này còn được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Đi tìm nguyên nhân

Dù vậy, VISC vẫn nhấn mạnh rủi ro khi đầu tư cổ phiếu SLS đến từ việc giá cổ phiếu khá cao và thanh khoản ở mức thấp.

Thực tế, việc cổ phiếu neo ở mức giá cao luôn đứng trước nguy cơ điều chỉnh bất ngờ nếu như không có những thông tin nhiều đột phá.

Nhìn vào Mía đường Sơn La, kết quả kinh doanh cho thấy, dù ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái nhưng doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp đều đã sụt giảm so với quý trước. Việc bị ngắt chuỗi tăng trưởng lợi nhuận quý sau cao hơn quý trước kéo dài từ quý I niên độ 2021-22 cho thấy “sức khỏe” doanh nghiệp bị suy yếu, thiếu tính ổn định, khiến nhiều cổ đông cảm thấy thất vọng.

Cần phải nhấn mạnh, quý IV niên độ 2022-23 là giai đoạn bùng nổ về kết quả kinh doanh của Mía đường Sơn La. Doanh nghiệp này lập kỷ lục cả về doanh thu và lợi nhuận với mức tăng trưởng bằng lần so với cùng kỳ. Do đó, việc tiếp tục phá kỷ lục trong quý vừa qua là điều không dễ dàng. Thực tế, trên sàn chứng khoán cũng rất hiếm có doanh nghiệp duy trì được kết quả kinh doanh tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước trong thời gian dài.

Trở lại với báo cáo tài chính quý I niên độ 2023-24 của Mía đường Sơn La, có lẽ vấn đề tồn kho cũng là yếu tố khiến nhà đầu tư cảm thấy “lấn cấn”. Thời điểm 30/9, giá trị tồn kho của doanh nghiệp này chỉ còn khoảng 76 tỷ đồng, giảm gần 250 tỷ sau một quý. Đây là mức tồn kho thấp nhất của doanh nghiệp mía đường này trong nhiều năm trở lại đây.

Có thể thấy, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp là chỉ báo doanh nghiệp có lợi thế hoặc đang mang nhiều rủi ro. Trong trường hợp hàng tồn kho quá lớn sẽ khiến cho dòng vốn bị đọng lại, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng với trường hợp tồn kho ở mức thấp kỷ lục của Mía đường Sơn La cũng khiến giới đầu tư lo ngại, bởi doanh nghiệp không có hàng để bán trong quý tới, từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Trong khi đó, giá đường neo cao sẽ khiến doanh nghiệp gặp rủi ro trong việc nhập hàng bên ngoài để bán nếu giá loại hàng hóa này đảo chiều. Ngoài ra, nguồn cung hạn chế do thời tiết có thể sẽ ảnh hưởng đến khả năng nhập hàng của doanh nghiệp.

Thêm một yếu tố nữa, đó là Mía đường Sơn La còn phát sinh nhiều khoản phải thu với các công ty liên quan đến lãnh đạo và người nhà như Đường Kon Tum, Nam Phương Hà Tiên, Kim Hà Việt, Mía đường Tuy Hòa, Mía đường Trà Vinh,… Mặc dù số dư cuối kỳ không quá lớn nhưng khoản mục này cũng ít nhiều khiến cổ đông phải chú ý.

Ngoài ra, dù Mía đường Sơn La được đánh giá là có hưởng lợi từ xu hướng của giá đường nhưng ngành mía đường của Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Nhận định về niên độ 2023-24, Ban lãnh đạo Mía đường Sơn La đã dự báo trước những khó khăn do thị trường, giá cả nguyên vật liệu, tác động của biến đổi khí hậu làm sụt giảm sản lượng mía.

Mặt khác, hiện tượng El-Nino diễn ra khá nghiêm trọng khiến tình trạng khô hạn, nắng nóng của tỉnh Sơn La và các tỉnh Tây Bắc khá gay gắt. Điều này gây ảnh hưởng nặng nề đến vùng nguyên liệu mía, nhiều diện tích bị chết hoặc ảnh hưởng do khô hạn nên nguy cơ năng suất, sản lượng vụ tới có khả năng giảm sâu.

Cùng với đó, giá cả vật tư nông nghiệp vẫn ở mức cao làm giảm thu nhập của người trồng mía, vùng nguyên liệu của Mía đường Sơn La ngày càng bị cạnh tranh khốc liệt với các loại cây trồng khác,… Điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp trong các quý tới, khiến kỳ vọng của nhà đầu tư ít nhiều cũng có chút suy giảm.

Thực tế, đứng trước nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh, Mía đường Sơn La đã đặt mục tiêu thận trọng cho niên độ 2023-2024 (1/7/2023 đến 30/6/2024) với tổng doanh thu xấp xỉ 1.046 tỷ đồng, giảm hơn 39% so với thực hiện niên độ trước. Lợi nhuận sau thuế dự kiến ở mức 137 tỷ đồng, giảm đến gần 74% so với thực hiện niên độ 2022-2023. Doanh nghiệp dự kiến chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 50% cho niên độ 2023-24, con số khá khiêm tốn so với những năm gần đây.

Hải Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//co-phieu/giai-ma-da-lao-doc-cua-co-phieu-sls-1096488.html