Tạp chí khoa học Nature Communications mới công bố phát hiện quan trọng tại Nam Cực do Tiến sĩ Linda Armberecht và các cộng sự từ Viện nghiên cứu Biển và Nam Cực (IMAS), Trung tâm Sinh thái và đa dạng sinh học thuộc Trường Đại học Tasmania, Trung tâm DNA cổ đại Australia, Khoa Khoa học kỹ thuật và công nghệ Đại học Adelaide ở Australia thực hiện.
Cụ thể, nhóm chuyên gia phát hiện những mảnh DNA seda 1 triệu năm tuổi thuộc về " sinh vật ma quái" trong trầm tích dưới đáy biển Scotia, Nam Cực.
Biển Scotia là một trong những vùng biển khắc nghiệt nhất thế giới, nằm ngay bên bờ lục địa Nam Cực. Phần lớn diện tích biển Scotia thuộc về Nam Băng Dương và một phần nhỏ nằm trên địa phận Đại Tây Dương.
Theo các chuyên gia, DNA seda được tìm thấy trong nhiều dạng môi trường, từ các hang động trên cạn cho tới lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực.
Tuy nhiên, những DNA seda được tìm thấy trước đó thường có niên đại khoảng 400.000 - 650.000 năm tuổi.
Tiến sĩ Linda cho rằng, sự kết hợp giữa các yếu tố như nhiệt độ thấp, lượng oxy hạn chế và thiếu đi bức xạ tia cực tím có thể là những nguyên nhân khiến biển Scotia trở thành địa điểm tuyệt vời để lưu trữ các DNA seda có niên đại cổ xưa lên tới 1 triệu tuổi.
Nhóm nghiên cứu cho biết những DNA seda này có thể hữu ích trong việc tái tạo lại các hệ sinh thái dù chúng đã biến mất sau hàng trăm ngàn năm, hoặc ít nhất mang đến cho giới khoa học một góc nhìn hoàn toàn mới về lịch sử hình thành của các đại dương.
Thêm nữa, những phân tích dựa trên DNA seda giúp con người hiểu hơn về những lần biến đổi khí hậu và giúp dự đoán chính xác hơn về những gì có thể xảy ra tiếp theo đối với Nam Cực.
Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng bởi vì Nam Cực từ lâu đã được coi là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu trên Trái đất.
Do vậy, giới nghiên cứu cho rằng, việc nghiên cứu hệ sinh thái ở Nam Cực trong quá khứ hay hiện tại là vấn đề quan trọng khi vùng cực này có ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của nhân loại.
Mời độc giả xem video: Giá lạnh đóng băng Châu Âu. Nguồn: THĐT1.
Tâm Anh (theo Jpost, Science Alert)