Giải mã giá cà phê
Ngay vụ thu hoạch, giá cà phê của Việt Nam vẫn đứng ở mức cao, thị trường ít giao dịch và lượng hàng xuất khẩu ít ỏi như đang cuối mùa
Ngày 25-12, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều địa phương ở Đắk Lắk - thủ phủ cà phê của Tây Nguyên - đã gần thu hoạch xong nhưng lượng hàng bán ra lại giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2023 dù giá thu mua vẫn rất cao.
Nông dân bán cầm chừng
Đại lý cà phê Dương Văn Dũng (xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk - một trong những đại lý thu mua với giá cao ở Tây Nguyên) than thở vào thời điểm này năm trước, trung bình mỗi ngày thu mua hơn 200 tấn cà phê nhân nhưng hiện mỗi ngày đại lý chỉ mua được khoảng 100 tấn.
Theo ông Dương Văn Dũng, chủ đại lý, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, như cà phê chín muộn hơn, thời tiết bất lợi ảnh hưởng việc thu hái, phơi sấy. Đặc biệt, giá các loại nông sản khác như sầu riêng, hồ tiêu, cau… đều tăng cao trong thời gian qua, nhiều nông dân có nguồn thu nhập dồi dào nên chưa cần bán cà phê ngay, dẫn đến lượng hàng trên thị trường khan hiếm. "Giá cà phê biến động mạnh và chịu sự quyết định của thị trường thế giới, chúng tôi cũng không dám trữ hàng, mà mua đến đâu, chốt đến đó" - ông Dũng chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Bản (ngụ tại huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) cho biết gia đình ông có hơn 2,5 ha cà phê, đã thu hoạch gần xong. Với sản lượng khoảng 10 tấn cà phê nhân và giá trung bình 120.000 đồng/kg, gia đình ông Bản có thể thu lợi nhuận gần 1 tỉ đồng. Tuy nhiên, ông mới bán khoảng 2 tấn, số còn lại cất kho chờ giá tăng. "Vụ sầu riêng vừa qua, gia đình tôi thu được hơn 500 triệu đồng, đủ để trang trải chi phí và tái đầu tư nên không phải lo bán cà phê sớm" - ông Bản chia sẻ.
Tại Gia Lai, ông Nguyễn Hữu Long, Giám đốc Công ty CP Học viện Cà phê Việt Nam - VCA, cũng cho hay toàn bộ cà phê tại khu vực ông sinh sống đã thu hoạch xong nhưng nông dân chỉ phơi rồi cất kho chứ chưa tính chuyện bán ngay. Đa số đều đợi ra Tết mới tính chuyện bán buôn. Hiện nay, chỉ những hộ không có sân phơi cà phê mới bán tươi toàn bộ ngay sau khi thu hoạch. Số còn lại bán tối đa không quá 40% sản lượng để trang trải chi phí thu hoạch, tưới nước, ăn Tết.
Cũng theo ông Long, năm ngoái, khi giá cà phê đạt khoảng 60.000 đồng/kg, mức cao kỷ lục vào thời điểm đó, nông dân sau khi thu hoạch đã vui mừng bán ra ồ ạt. Tuy nhiên, giá sau đó tiếp tục tăng, nhiều người tiếc nuối. Rút kinh nghiệm từ năm trước, năm nay dù giá cà phê giữa mùa thu hoạch đã tăng lên 130.000 đồng/kg rồi giảm lại khoảng 10.000 đồng/kg nhưng nhiều nông dân vẫn không vội bán mà tiếp tục chờ giá tăng trở lại.
"Các đại lý, nhà rang xay mong giá giảm, trong khi nông dân lại chờ giá lên. Ở mức giá hiện tại, khoảng 120.000 đồng/kg, phần lớn nhà rang xay trong nước chỉ mua hàng theo từng mẻ để sử dụng ngay, thay vì tích trữ, bởi giá đã quá cao so với các năm trước" - ông Long cho hay.
Ông Lê Đức Huy, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk, nhận định thị trường cà phê năm nay có những biến động lớn về giá trong bối cảnh chính trị toàn cầu có nhiều thay đổi. Do vậy, ông khuyến cáo nông dân nên bán cà phê đều đặn theo nhu cầu chi tiêu, tránh đầu cơ hoặc vay mượn để trữ hàng, bởi xét về tổng quan, giá cà phê đang ở mức cao nhất trong 50 năm qua.
Doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro
Ở góc độ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, ông Phan Minh Thông, Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh, cho rằng việc nông dân trữ cà phê chờ giá lên ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu. Từ đầu mùa đến nay, sản lượng xuất khẩu cà phê của DN giảm đến 80% vì không có hàng, phía nhà nhập khẩu cũng không mua hàng bằng mọi giá. "Giá cà phê quá cao, nhà nhập khẩu không có tiền để mua đủ lượng hàng như trước. Họ không trữ hàng mà "ăn đong", cần tới đâu, mua tới đó" - ông Thông giải thích.
Việc không có hàng để bán khiến DN gặp khó khăn vì doanh thu giảm mạnh trong khi các chi phí cố định chưa thể điều chỉnh tương ứng. Dù vậy, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành nông sản, ông Thông cho rằng việc giá cà phê tăng cao, nông dân găm hàng và khi giá xuống, đua nhau bán ra là chuyện bình thường. "Trước đây, khoảng năm 2015-2016, ngành hồ tiêu giai đoạn hoàng kim từng có giá 220.000 đồng/kg nhưng nông dân không bán và sau đó giá lao dốc, giá đáy chỉ còn 36.000 đồng/kg" - ông Thông kể.
Ông Lê Đức Huy cũng thừa nhận kinh doanh cà phê hiện nay thách thức hơn trước rất nhiều bởi sự biến động mạnh về giá và chi phí tài chính tăng cao. Các công ty cần nguồn vốn gấp 2-3 lần để bảo đảm lượng hàng so với những năm trước. Do đó, DN phải hết sức thận trọng trong quản lý chi phí và rủi ro.
Bên cạnh đó, ông Huy bày tỏ lo ngại khi nhu cầu rang xay cà phê Việt Nam đang giảm rõ rệt so với cùng kỳ, do một số DN đã chuyển sang sử dụng cà phê Robusta của Brazil. Tuy nhiên, ông hy vọng đầu năm 2025, nhu cầu tiêu thụ cà phê Việt Nam tại các nước châu Á sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn và các DN sẽ ưu tiên sử dụng cà phê Robusta Việt Nam.
Ông Thái Như Hiệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, cho biết các DN cà phê hiện nay đã rút kinh nghiệm từ năm ngoái khi ký hợp đồng bán "khống" cà phê sớm nhưng không giao được hàng, dẫn đến thiệt hại lớn. Hiện nay, các DN chờ mua đủ hàng mới tiến hành bán ra. Về phía nông dân, tâm lý cũng thay đổi sau khi bán sớm và bị "hớ" hồi năm ngoái. Với mức giá hiện tại khoảng 120.000 đồng/kg, nhiều nông dân vẫn chưa hài lòng vì so sánh lợi nhuận từ cây cà phê với các cây trồng khác như sầu riêng hay cà phê Arabica. Đặc biệt, năm nay nhiều nông dân Tây Nguyên có nguồn tài chính dồi dào nhờ sầu riêng, chanh leo và các sản phẩm phụ như cau, nên không cần bán cà phê vội.
Một điểm sáng trong ngành cà phê thời gian gần đây là sự gia tăng xuất khẩu cà phê chế biến. Trong nửa đầu tháng 12-2024, Việt Nam đã xuất khẩu 1.521 tấn cà phê chế biến, thu về 33,7 triệu USD, với đơn giá xuất khẩu bình quân hơn 22.000 USD/tấn - gấp 4,5 lần giá cà phê nhân. Ông Hiệp cho biết đa số DN xuất khẩu cà phê hòa tan, trong khi những DN có vùng nguyên liệu còn có lợi thế để xuất khẩu cà phê rang xay với giá trị cao hơn.
Phải đầu tư chế biến sâu
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch VICOFA - thừa nhận: "Nông dân đang điều tiết giá cà phê, chứ không phải DN".
Ông cho rằng điều này khiến các DN thương mại khó kiếm lợi nhuận từ chênh lệch giá mua - bán, buộc họ phải đầu tư chế biến sâu để thu về giá trị gia tăng.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giai-ma-gia-ca-phe-19624122522131332.htm